Chủ nhật, 24/11/2024 06:18 (GMT+7)
Thứ tư, 02/03/2022 18:00 (GMT+7)

Năm 2022: Sẽ giải ngân 50% gói 350.000 tỷ đồng

Theo dõi KTMT trên

Thông tin về việc triển khai các chính sách trong gói kích thích kinh tế 350.000 tỷ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT)Trần Quốc Phương cho biết hiện nhiều bộ ngành rục rịch triển khai và sắp ban hành chính sách hỗ trợ.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, dự kiến trong năm 2022, sẽ giải ngân khoảng 50% của gói kích thích kinh tế 350.000 tỷ đồng.

Năm 2022: Sẽ giải ngân 50% gói 350.000 tỷ đồng - Ảnh 1
Sẽ giải ngân 50% gói 350.000 tỷ đồng. (Ảnh minh họa).
Năm 2022: Sẽ giải ngân 50% gói 350.000 tỷ đồng - Ảnh 2
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương.

Theo đó, thông tin về việc triển khai các chính sách trong gói kích thích kinh tế 350.000 tỷ, theo TTXVN, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT)Trần Quốc Phương cho biết hiện nhiều bộ ngành rục rịch triển khai và sắp ban hành chính sách hỗ trợ.

Cụ thể, Bộ Tài chính đã triển khai giảm thuế VAT. Ngân hàng Nhà nước dự thảo quy định về cấp bù hỗ trợ lãi suất. Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, địa phương đang chờ hướng dẫn do Bộ KH-ĐT soạn thảo về đầu tư công.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết: "Khối lượng công việc của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội rất nhiều, để đảm bảo tiến độ, các bộ, ngành và địa phương cần chỉ ra điểm vướng mắc để Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ tháo gỡ".

Dự kiến trong năm 2022, theo lãnh đạo Bộ KH-ĐT, sẽ giải ngân khoảng 50% của gói 350.000 tỷ đồng thuộc chương trình.

Với chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ KH-ĐT phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xác định doanh nghiệp thuộc nhóm ngành nghề nhất định để được hỗ trợ; trong đó có nhóm doanh nghiệp hỗ trợ phục hồi và nhóm doanh nghiệp tận dụng cơ hội phát triển cho tương lai như công nghệ thông tin, công nghệ số.

Nghị quyết 11 của Chính phủ cho thấy, các nhóm nhiệm vụ, giải pháp phục hồi kinh tế sẽ gồm: Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; tiếp tục hướng dẫn và triển khai thực hiện lộ trình mở cửa lại du lịch, vận tải hàng không, các ngành dịch vụ giải trí, văn hóa, nghệ thuật gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Các chính sách bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm như: Hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm.

Còn mức hỗ trợ đối với người lao động quay trở lại thị trường lao động là 1 triệu đồng/tháng và người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp là 500.000 đồng/tháng. Thời gian thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2022.

Riêng ở các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% được giảm 2% thuế suất (còn 8%); Tập trung vốn cho các dự án quan trọng, cấp thiết, có tác động lan tỏa lớn, có khả năng giải ngân nhanh và hấp thụ ngay vào nền kinh tế, phù hợp với quy hoạch, sử dụng nguồn vốn hiệu quả, bảo đảm khả năng cân đối vốn để hoàn thành dự án trong giai đoạn 2022-2025; Ưu tiên hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với một số dự án mới có ý nghĩa quan trọng với phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2022: Sẽ giải ngân 50% gói 350.000 tỷ đồng - Ảnh 3
Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế đánh giá Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội 2022-2023 tương đối khả thi, khả năng hấp thụ cũng sẽ được đảm bảo. Chương trình hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, có tiêu chí và thậm chí là có cả danh mục một số dự án cụ thể, hỗ trợ cả tổng cung lẫn tổng cầu.

Để chương trình triển khai thành công, mặt khác, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách; nhất là giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, từ đó, trung hòa cung tiền, kiểm soát mặt bằng lãi suất, kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Cùng với đó, Việt Nam cần chấp nhận nợ công tăng, thâm hụt ngân sách tăng và tín dụng tăng trong tầm kiểm soát giai đoạn 2022-2023. Với tiềm lực, dư địa tài khóa và tiền tệ - tín dụng hiện nay, Việt Nam có thể tăng chi ngân sách, tăng tín dụng ở mức độ hợp lý (khoảng 13-14%/năm) và từ năm 2024 có thể quay lại quỹ đạo, kiểm soát những cán cân này lành mạnh hơn.

Cần hết sức chú trọng, quyết tâm cải tiến hiệu quả, kịp thời khâu thực thi. Ở đây, vai trò giám sát, đôn đốc của bộ, ngành chủ trì và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự giám sát của Quốc hội cùng với chế tài cụ thể sẽ mang lại kết quả tích cực hơn, TS Lực lưu ý.

Kỳ vọng năm 2022, nền kinh tế thế giới và Việt Nam sẽ có sự phục hồi khả quan với mức tăng trưởng của thế giới ước đạt từ 4,5-5% và Việt Nam có thể khoảng từ 6,5-7%, ông Lực phân tích.

Song song với xu hướng phục hồi kinh tế, áp lực lạm phát cũng có xu hướng gia tăng, đặc biệt khi giá cả, lạm phát toàn cầu và chi phí đầu vào dự kiến còn ở mức cao, tình trạng đứt gãy nguồn cung vẫn còn xảy ra ở một số lĩnh vực, địa bàn. Điều này gây áp lực trong việc điều hành chính sách tiền tệ năm 2022, vừa phải cân bằng giữa việc hỗ trợ phục hồi kinh tế; Đồng thời, chủ động đối phó với áp lực lạm phát, áp lực nợ xấu gia tăng, TS Cấn Văn Lực kết lời.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng các bộ ngành được giao xây dựng chính sách triển khai các gói hỗ trợ cần tham vấn rộng rãi cộng đồng doanh nghiệp và ghi nhận phản hồi vướng mắc từ thực tiễn để nhanh chóng có các sửa đổi, bổ sung kịp thời mới có thể giúp cho việc thực hiện chương trình thực sự phát huy hết hiệu quả như mong muốn.

Bùi Hằng (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Năm 2022: Sẽ giải ngân 50% gói 350.000 tỷ đồng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới