Thứ năm, 28/11/2024 02:08 (GMT+7)
Thứ ba, 21/12/2021 10:35 (GMT+7)

Năng lượng tái tạo Việt Nam năm 2021 – Tăng trưởng ấn tượng trong chuyển dịch năng lượng bền vững

Theo dõi KTMT trên

Năng lượng tái tạo đang “bùng nổ” trên toàn cầu, với các công nghệ mới liên tục ra đời, hứa hẹn về một tương lai năng lượng sạch.

Năng lượng tái tạo Việt Nam năm 2021 – Tăng trưởng ấn tượng trong chuyển dịch năng lượng bền vững - Ảnh 1

Trong năm 2021, Việt Nam đã có ​​sự tăng trưởng ấn tượng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Điều này cho thấy tiềm năng cao của việc sử dụng điện tái tạo để giải quyết nhu cầu năng lượng.

Có thể thấy, tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam là rất lớn và dư địa phát triển dồi dào. Theo số liệu từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến ngày 31/10/2021, tổng công suất nguồn năng lượng tái tạo lắp đặt đạt 20.644MW; trong đó, thủy điện chiếm 29,6%; năng lượng mặt trời là 22,57%; năng lượng gió là 5,16%; khí chiếm 10%; dầu xấp xỉ 2% và sinh khối chiếm 0,28% trong tổng công suất nguồn điện.

Năng lượng tái tạo Việt Nam năm 2021 – Tăng trưởng ấn tượng trong chuyển dịch năng lượng bền vững - Ảnh 2

Bên cạnh đó, là một trong số ít quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, việc chuyển dịch khai thác các nguồn năng lượng tái tạo như mặt trời, gió, thủy triều, năng lượng sinh khối… tìm các nguồn nguyên liệu mới là hướng đi đúng đắn. Ưu việt của năng lượng tái tạo đó là các nguồn năng lượng sạch, không gây phát thải khí nhà kính và nước ta có nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo rất lớn, có ở mọi nơi, mọi địa phương. Về thủy điện có tổng tiềm năng kỹ thuật khoảng 26.000 MW, có thể cung cấp khoảng 100 tỷ kWh/năm.

"Chuyển dịch sang năng lượng xanh là rất quan trọng và cần thiết vì Việt Nam là một trong số ít các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Hơn nữa, phát triển xanh là hướng đi thông minh cho Việt Nam, một quốc gia có tiềm năng năng lượng dồi dào, đặc biệt là năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Phát triển năng lượng tái tạo cũng là một hướng đi hợp lý để Việt Nam tránh phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn nhiều thách thức đòi hỏi nỗ lực lớn và bước đi phù hợp của tất cả các bên liên quan để các công nghệ năng lượng tái tạo được đi vào thực tế phát triển và áp dụng" - TSKH Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) khóa VII chia sẻ.

Năng lượng tái tạo Việt Nam năm 2021 – Tăng trưởng ấn tượng trong chuyển dịch năng lượng bền vững - Ảnh 3

Là một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, Việt Nam đã chứng tỏ sự nghiêm túc theo đuổi quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, đặc biệt là khi áp dụng điện mặt trời.

Theo thống kê của Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), tính đến cuối năm 2020, Việt Nam lọt Top 10 quốc gia có công suất lắp đặt năng lượng mặt trời cao nhất thế giới.

Xét đến tiềm năng điện mặt trời và các mục tiêu năng lượng xanh đến năm 2050, Việt Nam có đủ điều kiện để trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực và thế giới về năng lượng tái tạo. Về các dự án điện gió, Việt Nam có một trong những nguồn tài nguyên gió tốt nhất ở Đông Nam Á, với tiềm năng ước tính là 311 GW.

Năng lượng tái tạo Việt Nam năm 2021 – Tăng trưởng ấn tượng trong chuyển dịch năng lượng bền vững - Ảnh 4

Các chuyên gia thị trường dự đoán nếu tiếp tục duy trì tốc độ mở rộng năng lượng tái tạo nhanh như 2 năm qua, Việt Nam sẽ tiếp tục vươn cao hơn nữa trong bảng xếp hạng, có khả năng vượt qua các quốc gia như Australia và Italia về phát triển năng lượng tái tạo và các giải pháp năng lượng sáng tạo.

Phó Giám đốc VCCI/HCM Nguyễn Hữu Nam cho biết, Việt Nam đang đứng trong Top 10 (xếp thứ 8) các quốc gia có đầu tư vào năng lượng tái tạo cao nhất trên thế giới, đạt 7,4 tỷ USD. Trong khi đó, Pháp và Đức là 7,3 và 7,1 tỷ USD. Với mức đầu tư này, Việt Nam đã vượt qua 2 cường quốc về kinh tế lớn của thế giới trong việc đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Bên cạnh đó, việc chuyển hướng từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo hay năng lượng xanh là một xu thế tất yếu trên thế giới và Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ. Việc chuyển đổi năng lượng này sẽ làm giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và bảo vệ môi trường, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào các loại nhiên liệu hóa thạch.

Năng lượng tái tạo Việt Nam năm 2021 – Tăng trưởng ấn tượng trong chuyển dịch năng lượng bền vững - Ảnh 5

Theo Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), Việt Nam là nước tiêu thụ điện lớn thứ hai ở Đông Nam Á. Đây là một trong những khu vực có nhu cầu năng lượng tăng nhanh nhất trên thế giới và trong 20 năm qua, nhu cầu tăng ở mức ổn định 6%/năm. Bốn nước tiêu thụ điện lớn nhất là Indonesia, Việt Nam, Thái Lan và Malaysia, chiếm hơn 80% tổng nhu cầu trong khu vực.

Theo đó, từ năm 2019, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để trở thành quốc gia đi đầu ASEAN về công suất lắp đặt điện mặt trời và điện gió. Dựa trên số liệu của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế, tính đến cuối năm 2020, tổng công suất quang điện mặt trời của Việt Nam đạt khoảng 16.500 MW, vượt xa mục tiêu 850 MW được đặt ra cho năm 2020 và thậm chí là đang tiến gần đến mục tiêu được đặt ra cho năm 2030 là 18.600 MW.

“Việt Nam đã có sự tăng trưởng ấn tượng của lĩnh vực năng lượng mặt trời và năng lượng gió trong những năm gần đây, cho thấy tiềm năng cao của việc sử dụng điện tái tạo trong việc giải quyết nhu cầu năng lượng” - Bà Emily Hamblin - Tổng Lãnh sự Anh tại TPHCM, Giám đốc Thương mại Anh tại Việt Nam. 

Số liệu thống kê cũng cho thấy, sản lượng điện mặt trời và điện gió của Việt Nam đã tăng từ 4,7 TWh năm 2019 lên 9,5 TWh năm 2020, tức là tăng gần 200%. Với mức tăng này của Việt Nam được đánh giá cao hơn nhiều so với nhiều nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cũng như nhiều quốc gia trên thế giới.

Năng lượng tái tạo Việt Nam năm 2021 – Tăng trưởng ấn tượng trong chuyển dịch năng lượng bền vững - Ảnh 6

Việc Chính phủ Việt Nam cam kết thúc đẩy cung cấp năng lượng và nhu cầu mạnh mẽ về cải thiện chất lượng không khí là những động lực cơ bản quan trọng trong hướng đi này. Các quy định và chính sách hỗ trợ được thiết kế và thực thi tốt như thuế nhập khẩu (FIT), ưu đãi thuế và miễn tiền thuế đất cũng được coi là những yếu tố cơ bản thúc đẩy tăng trưởng năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời, ở Việt Nam.

“Năng lượng tái tạo mang lại nhiều lợi ích, góp phần tích cực giảm thiểu tác động đến môi trường, biến đổi khí hậu; góp phần bảo đảm an ninh năng lượng; phát triển kinh tế - xã hội đất nước; giải quyết việc làm; nâng cao trình độ cho người lao động trong nước. Tuy nhiên, phát triển năng lượng tái tạo hiện nay còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách, tài chính và kỹ thuật. Để tháo gỡ các vấn đề này cần thực hiện quyết liệt các giải pháp đồng bộ từ các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp” - Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành nhấn mạnh.

Năng lượng tái tạo Việt Nam năm 2021 – Tăng trưởng ấn tượng trong chuyển dịch năng lượng bền vững - Ảnh 7

Theo các tổ chức quốc tế, Việt Nam đang là thị trường năng lượng tái tạo hấp dẫn nhất trong khu vực và trên thế giới, ghi nhận hàng loạt dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn đến từ các tập đoàn hàng đầu thế giới và các định chế tài chính uy tín. Để thu hút thêm vốn FDI và cung cấp cho các công ty nước ngoài nguồn năng lượng bền vững hơn, Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với năng lượng tái tạo.

Theo thông tin trên trang Nikkei Asia ngày 7/3/2021, Công ty năng lượng tái tạo TNB Renewables trực thuộc Tập đoàn Điện lực quốc gia Malaysia TNB dự kiến mua lại 39% cổ phần trong 5 dự án điện mặt trời áp mái của nhà cung ứng điện mặt trời hàng đầu Singapore - Sunseap Group tại Việt Nam. Theo đó, 5 dự án trong thỏa thuận này đặt tại miền Nam Việt Nam, có tổng công suất 21,6 MW và đã hoàn thành vào tháng 12/2020.

Tập đoàn Sunseap hiện nắm giữ 90% cổ phần trong 5 dự án này. Sau khi hoàn tất việc mua lại vào quý 1 năm nay, Sunseap sẽ sở hữu 51%, trong khi Sun Times Energy JSC, một cổ đông hiện hữu, sẽ tiếp tục nắm giữ 10% vốn chủ sở hữu.

Năng lượng tái tạo Việt Nam năm 2021 – Tăng trưởng ấn tượng trong chuyển dịch năng lượng bền vững - Ảnh 8

Tài trợ bền vững cũng là một trong ba trọng tâm trong khuôn khổ về phát triển bền vững của Ngân hàng Standard Chartered. Vào cuối tháng 5/2021, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam là ngân hàng tiên phong trong lĩnh vực tài trợ bền vững đối với điện gió. Cùng với Standard Chartered Trung Quốc, Standard Chartered Việt Nam đã hoàn tất giao dịch tài trợ thương mại tổng trị giá 462 triệu USD cho các dự án về năng lượng gió tái tạo tại Việt Nam. Standard Chartered Việt Nam cam kết sẽ hỗ trợ tài chính dự án điện gió chiến lược của khách hàng vì sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Tiếp đó đến tháng 10, BCG Energy thuộc Tập đoàn Bamboo Capital (Việt Nam) và tập đoàn Siemens Gamesa Renewable Energy (SGRE) đã ký Biên bản ghi nhớ về việc cung cấp thiết bị và giải pháp kỹ thuật để phát triển các dự án điện gió có tổng công suất hơn 500 MW và có tổng mức đầu tư ước tính 400 triệu USD tại Việt Nam trong thời gian tới.

Với tổng công suất lắp đặt trên toàn thế giới lên đến 13,8 GW, EDF Renewables hiện là một trong những công ty hàng đầu thế giới về năng lượng tái tạo. Đầu năm 2021, công ty này cũng ký kết hợp tác đầu tư vào 2 nhà máy điện gió tại tỉnh Đắk Lắk.

Năng lượng tái tạo Việt Nam năm 2021 – Tăng trưởng ấn tượng trong chuyển dịch năng lượng bền vững - Ảnh 9

Dòng vốn ngoại lớn đổ vào thị trường năng lượng tái tạo Việt Nam hiện nay không chỉ đến từ doanh nghiệp quốc tế trực tiếp thực hiện, vận hành các dự án mà còn đến từ các tổ chức tín dụng đa quốc gia uy tín như HSBC và Standard Chartered. Đầu tháng 10 vừa qua, Ngân hàng HSBC Việt Nam cho biết đã đạt thỏa thuận cung cấp khoản tín dụng xanh ngắn hạn phục vụ việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo cho Công ty Cổ phần Xây lắp Điện 1 (PCC1). PCC1 hiện đang sở hữu 3 dự án điện gió trên bờ tại tỉnh Quảng Trị với tổng công suất 144 MW và hướng đến mục tiêu nâng công suất lên 744 MW vào năm 2025.

Đây cũng là khoản tài chính bền vững đầu tiên mà HSBC cấp cho một doanh nghiệp điện gió trong nước và cũng là khoản tín dụng xanh thứ 3 cho các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, sau 2 giao dịch dành cho dự án điện mặt trời trên mái nhà của Công ty cổ phần Năng lượng Mặt trời REE vào năm ngoái.

Năng lượng tái tạo Việt Nam năm 2021 – Tăng trưởng ấn tượng trong chuyển dịch năng lượng bền vững - Ảnh 10

Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành tại quyết định số 2068/QĐ-TTg đã xác định, khuyến khích huy động mọi nguồn lực để đẩy mạnh phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế – xã hội bền vững.

Năng lượng tái tạo Việt Nam năm 2021 – Tăng trưởng ấn tượng trong chuyển dịch năng lượng bền vững - Ảnh 11

Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội ngày một tăng nhanh, hướng đến phát triển bền vững, giảm yếu tố tác động đến biến đổi khí hậu, mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo tại Dự thảo quy hoạch điện VIII xác định ưu tiên khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện; tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo đạt khoảng 11,9-13,4% vào năm 2030 và khoảng 26,5-28,4% vào năm 2045. Đặc biệt, ưu tiên hơn đối với điện mặt trời phân tán với mục đích tự dùng là chủ yếu, điện mặt trời nổi.

Năng lượng tái tạo Việt Nam năm 2021 – Tăng trưởng ấn tượng trong chuyển dịch năng lượng bền vững - Ảnh 12

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cũng khẳng định, Bộ Công Thương đã thực hiện tính toán bổ sung phương án phát triển nguồn điện (phương án điều hành tháng 11/2021) có xem xét tới yếu tố dự phòng khi tỉ lệ thực hiện nguồn điện không đạt so với quy hoạch, đồng thời xem xét giảm nguồn điện than theo tinh thần của Hội nghị COP26.

Theo đó, một số quan điểm lớn trong Quy hoạch điện VIII sẽ được điều chỉnh là giảm điện than; phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng mới. Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, chú ý bảo đảm hiệu quả, hài hòa, cân đối của hệ thống. Điện gió ngoài khơi đóng vai trò quan trọng, sẽ được tập trung ưu tiên trong giai đoạn tới. Sẽ xem xét lại việc phát triển điện mặt trời, hiện có nhược điểm là có số giờ vận hành hạn chế, chưa có hệ thống lưu trữ năng lượng.

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam được ước tính là 475 GW ở các vùng biển cách bờ 200km, gấp khoảng 8 lần tổng công suất đặt của cả nước năm 2020. Nếu thay điện than bằng 25 GW điện gió ngoài khơi, Việt Nam có thể giảm được 200 triệu tấn CO2 phát thải, gần 1/3 tổng dự báo phát thải trong kịch bản thông thường của ngành năng lượng đến 2030. Do đó, Quy hoạch điện VIII của Việt Nam cần tăng tỷ lệ điện gió và mặt trời.

Năng lượng tái tạo Việt Nam năm 2021 – Tăng trưởng ấn tượng trong chuyển dịch năng lượng bền vững - Ảnh 13

Đại diện Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), bà Virginia B.Foote đánh giá cao cam kết của Việt Nam tại COP26, việc xây dựng Quy hoạch điện VIII cũng như mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp. “Chúng tôi tán thành việc mở rộng các dự án năng lượng tái tạo trong những thập niên tiếp theo” - bà Virginia B.Foote bày tỏ.

Đồng thời, bà Virginia B.Foote cũng đề nghị, Việt Nam cần có giải pháp tiếp cận nguồn vốn linh hoạt hơn, bởi các tiến bộ công nghệ diễn ra hằng ngày; có kế hoạch thu xếp vốn tài chính nhanh chóng vào các dự án. Cùng quan điểm, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AMCHAM) góp ý cần có chính sách để mở rộng khả năng tham gia của tư nhân vào các dự án điện, như cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp.

Top 10 dự án năng lượng tái tạo tiêu biểu Việt Nam 2021

Trong khuôn khổ “Diễn đàn Cơ chế thu hút đầu tư phát triển bền vững Năng lượng tái tạo Việt Nam” và Chương trình bình chọn dự án năng lượng tái tạo tiêu biểu Việt Nam 2021, Ban tổ chức đã công bố kết quả bình chọn các dự án năng lượng tái tạo tiêu biểu 2021.

Năng lượng tái tạo Việt Nam năm 2021 – Tăng trưởng ấn tượng trong chuyển dịch năng lượng bền vững - Ảnh 14

Nội dung: Nguyễn Ánh
Đồ họa: Hoàng Việt

Bạn đang đọc bài viết Năng lượng tái tạo Việt Nam năm 2021 – Tăng trưởng ấn tượng trong chuyển dịch năng lượng bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới