Chủ nhật, 24/11/2024 06:37 (GMT+7)
Thứ năm, 02/05/2024 16:49 (GMT+7)

Ngân hàng nhận TSBĐ là phần vốn góp nhưng không xác định giá trị để cấp hạn mức vốn tín dụng

Theo dõi KTMT trên

Trên thực tế vẫn có nhiều ngân hàng yêu cầu chủ sở hữu của phần vốn góp, cổ phần thế chấp loại quyền tài sản này để làm tà sản bảo đảm (TSBĐ) cho nghĩa vụ vay của doanh nghiệp nhưng lại không xác định giá trị để cấp hạn mức tín dụng.

Dẫn nhập

Trong thực tế, không ít các ngân hàng và doanh nghiệp thỏa thuận dùng quyền tài sản là phần vốn góp, cổ phần để thế chấp bảo đảm cho các khoản vay. Tuy nhiên, hành lang pháp lý cho cho việc xác lập, công bố giao dịch bảo đảm, việc xác định giá trị để cấp hạn mức tín dụng, quyền của chủ sở hữu và phương thức xử lý loại tài sản bảo đảm này….đang còn nhiều khoảng trống. Điều này dẫn đến không ít doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đa ngành dính phải bẫy dẫn đến nguy cơ bị “thâu tóm” một cách đúng quy trình” nếu không nhận diện và có các chế tài điều chỉnh kịp thời.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ xin bàn về việc nhận tài sản bảo đảm (TSBĐ) là phần vốn góp của thành viên trong công ty TNHH và cổ phần của cổ đông trong công ty cổ phần mà không đề cập nhiều đến công ty hợp danh vì mô hình này không được sử dụng phổ biến tại Việt Nam. 

1.Hành lang pháp lý để Ngân hàng nhận tài sản bảo đảm là phần vốn góp, cổ phần

1.1. Phần vốn góp, cổ phần có phải là một loại tài sản?

Pháp luật Việt Nam hiện hành quy định tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản(1). Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai(2). Bất động sản bao gồm: (i) Đất đai; (ii) Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai; (iii) Tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng; (iv) Tài sản khác theo quy định của pháp luật. Động sản là những tài sản không phải là bất động sản(3).

Khi quy định quyền tài sản là một loại tài sản, nhà làm luật đã tránh sử dụng khái niệm tài sản động sản vô hình, có lẽ bởi vì, về bản chất, một tài sản được coi là động sản chỉ khi nó có thể được di chuyển hay tự di chuyển từ nơi này sang nơi khác. Nếu áp dụng nguyên tắc này vào tài sản động sản vô hình thì rõ ràng sẽ không phù hợp.

Hơn nữa, Bộ luật Dân sự cũng không sử dụng khái niệm tài sản vô hình hay tài sản hữu hình. Tuy nhiên, dù luật không quy định trong 04 loại hình tài sản trên đâu là tài sản hữu hình và đâu là tài sản vô hình, nhưng chúng ta có thể dễ hình dung rằng 03 loại hình tài sản là vật, tiền và giấy tờ có giá được xem là các tài sản hữu hình thì quyền tài sản có thể được coi là tài sản vô hình bởi tại một văn bản dưới luật có giải thích rằng tài sản vô hình là tài sản không có hình thái vật chất và có khả năng tạo ra các quyền, lợi ích kinh tế (4).

Ngân hàng nhận TSBĐ là phần vốn góp nhưng không xác định giá trị để cấp hạn mức vốn tín dụng - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

 Có lẽ chính vì lý do đó mà khi đề cập đến tính chất của các loại tài sản, Bộ luật dân sự 2015 đã dành riêng hẳn Điều 115 để định nghĩa về quyền tài sản, theo đó quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác.

Trước đó, Bộ luật dân sự 2005 quy định hai thuộc tính của quyền tài sản là “trị giá được bằng tiền” và “có thể chuyển giao” thì Bộ luật dân sự 2015 đã loại bỏ đi thuộc tính thứ hai nên quyền tài sản có phạm vi rộng hơn, tức bất kỳ quyền nào trị giá được bằng tiền đều có thể là quyền tài sản.

Quyền tài sản được Bộ luật dân sự công nhận là một loại tài sản có thể dùng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự. Vậy quyền tài sản bao gồm những quyền gì? Ngoài quyền sự dụng đất và quyền khai thác tài nguyên được quy định tại Điều 322.2 và 322.3 BLDS 2005 ra, thì các quyền tài sản khác dùng để bảo đảm nghĩa vụ dân sự là các quyền tài sản thuộc sở hữu của bên bảo đảm bao gồm quyền tài sản phát sinh từ quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng, quyền đòi nợ, quyền được nhận số tiền bảo hiểm đối với vật bảo đảm, quyền tài sản đối với phần vốn góp trong doanh nghiệp, quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng và các quyền tài sản khác thuộc sở hữu của bên bảo đảm đều được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.

Tuy nhiên, khi các nhà làm luật soạn thảo BLDS 2015 lại không có điều khoản liệt kê về quyền tài sản dùng để bảo đảm nghĩa vụ dân sự như BLDS 2005 nữa mà chỉ quy định quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác. Điều đó cho thấy BLDS 2015 đã có cách nhìn thoáng và rộng hơn về quyền tài sản, tức quyền gì trị giá được bằng tiền thì được coi là quyền tài sản chứ không cần quan tâm nó có được chuyển giao hay không.

Mặc dù, Bộ luật dân sự 2015 không còn liệt kê phần góp vốn trong doanh nghiệp như Bộ luật dân sự 2005 nữa, nhưng phần vốn góp của thành viên trong công ty TNHH, công ty hợp danh và cổ phần của cổ đông trong công ty cổ phần vẫn là một loại quyền tài sản bởi phần vốn góp là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty(5) nên nó đương nhiên trị giá được bằng tiền.

1.2. Phần vốn góp, cổ phần có là đối tượng của giao dịch bảo đảm không?

Mặc dù, Luật doanh nghiệp 2020 (Luật doanh nghiệp) không đề cập đến một cách rõ ràng khả năng thế chấp phần vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn hay cổ phần trong công ty cổ phần. Tuy nhiên, Điều 49.1(e), Luật doanh nghiệp 2020 quy định thành viên công ty TNHH có quyền “Định đoạt phần vốn góp của mình bằng cách chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ, tặng cho và hình thức khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty”.

Theo quy định này, chúng ta có thể thấy các nhà soạn luật tỏ ra khá do dự trong việc liệt kê cụ thể quyền định đoạt phần vốn góp của thành viên công ty TNHH tham gia vào giao dịch bảo đảm nhưng lại có quy định bằng hình thức khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.

Điều 115 Luật doanh nghiệp liệt kê một loạt quyền của cổ đông phổ thông trong đó không đề cập đến quyền sử dụng cổ phần làm tài sản bảo đảm nhưng điều đáng nói là điều luật này cũng có quy định mở là cổ đông phổ thông có “các quyền khác” nhưng lại giới hạn là việc thực hiện các quyền này phải “theo quy định của luật này và Điều lệ công ty”.

Ngoài ra, Điều 6.5 Thông tư số 08/2018/TT-BTP (Thông tư 08) ngày 20 tháng 6 năm 2018 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số vấn đề về đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng và trao đổi thông tin về đăng ký biện pháp bảo đảm tại các trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp (“Thông tư 08”) quy định có thể đăng ký tài sản bảo đảm là “phần vốn góp trong doanh nghiệp theo quy định của pháp luật doanh nghiệp”.

Tóm lại, nếu theo đúng câu chữ của quy định này thì thành viên công ty TNHH, cổ đông công ty cổ phần chỉ được sử dụng phần vốn góp, cổ phần để bảo đảm khoản vay nếu điều này được cho phép một cách rõ ràng theo quy định của pháp luật và luật này cũng như phải được quy định trong Điều lệ của công ty. Đó chính là điều kiện tiên quyết để phần vốn góp, cổ phần trở thành đối tượng của giao dịch bảo đảm.

Do phần vốn góp, cổ phần là một loại quyền tài sản, nên nó không tồn tại dưới dạng hữu hình và vì thế không thể đặt ra vấn đề là chuyển giao hay không chuyển giao. Điều 317.1 Bộ luật dân sự 2015 quy định “Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp)”.

Do đó, thế chấp được coi là biện pháp bảo đảm phù hợp hơn đối với phần vốn góp, cổ phần chứ không phải là cầm cố, vì cầm cố là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ(6).

2.Phần vốn góp, cổ phần được Ngân hàng nhận làm tài sản bảo đảm cho hợp đồng tín dụng như thế nào?

Như đã đề cập ở trên cho thấy, mặc dù Bộ luật dân sự, Luật doanh nghiệp và các Nghị định, thông tư hướng dẫn về giao dịch bảo đảm vẫn chưa có một quy định chung, cụ thể về thế chấp phần vốn góp, cổ phần cũng như phương thức xử lý tài sản để bảo đảm nghĩa vụ cho hợp đồng tín dụng.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có nhiều ngân hàng yêu cầu chủ sở hữu của phần vốn góp, cổ phần thế chấp loại quyền tài sản này để đảm bảo cho nghĩa vụ vay của doanh nghiệp nhưng lại không xác định giá trị để cấp hạn mức tín dụng, cho dù doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đa ngành đã thế chấp đủ tài sản theo Tỷ lệ khoản vay trên giá trị (LTV) mà ngân hàng quy định nên không hề mong muốn thế chấp thêm phần vốn góp, cổ phần do những nguy cơ tiềm ẩm rủi ro về lâu về dài.

Ngân hàng nhận TSBĐ là phần vốn góp nhưng không xác định giá trị để cấp hạn mức vốn tín dụng - Ảnh 2

Nguyên nhân nào dẫn đến việc ngân hàng và doanh nghiệp lại có quan điểm trái ngược nhau như vậy?

Chúng ta biết bằng thước đo đánh giá về rủi ro cho vay mà các ngân hàng kiểm tra trước khi phê duyệt một khoản thế chấp chính là Tỷ lệ khoản vay so với giá trị (Loan to Value Ratio - LTV; LTV = MA/APV. Trong đó MA: Số tiền thế chấp - Mortgage Amount, APV: Giá trị tài sản được thẩm định - Appraised Property Value). Do đó, Tỷ lệ khoản vay trên giá trị được coi là một yếu tố quan trọng trong việc xác định tính đủ điều kiện để đảm bảo thế chấp cho khoản vay hoặc hạn mức tín dụng.

Vậy khi doanh nghiệp đã có tài sản bảo đảm được ngân hàng định giá (thường là các công ty AMC do ngân hàng sở hữu 100% vốn điều lệ thực hiện việc định giá) thì tại sao ngân hàng lại lại yêu cầu doanh nghiệp thế chấp thêm phần vốn góp, cổ phần nhưng lại quy định LTV là 0%?.

Với lý do mà Ngân hàng đưa ra có lẽ vẫn chỉ là vấn đề quản trị rủi ro, bởi đối với bên cho vay thì tài sản thế chấp càng nhiều cho khoản vay thì tính bảo đảm càng cao, cho dù kể cả tài sản thế chấp đó chưa có hành lang pháp lý điều chỉnh rõ ràng hay có được xác định giá trị để cấp hạn mức tín dụng hay không?.

Còn đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đa ngành sở hữu nhiều tài sản, dự án khác nhau thì các đồng chủ sở hữu doanh nghiệp luôn có vai trò vô cùng quan trọng vì vốn chủ sở hữu là nguồn vốn do doanh nghiệp sở hữu hoặc được góp vốn, đồng sở hữu bởi các cổ đông, thành viên công ty (chủ sở hữu) tạo dựng nguồn lực để đưa doanh nghiệp đi vào hoạt động.

Vốn chủ sở hữu = Tổng tài sản doanh nghiệp (ngắn hạn + dài hạn) - Tổng các khoản nợ phải trả. Vốn chủ sở hữu có thể được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau như phần vốn góp, cổ phần của chủ sở hữu doanh nghiệp; Lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh; Chênh lệc tài sản, tỷ giá.. nhưng phần vốn góp, cổ phần vẫn là nguồn vốn chủ sở hữu quan trọng nhất vì nó được hình thành từ khi doanh nghiệp mới được thành lập, ó được coi như là nguồn vốn “khởi nghiệp”, vốn “tự có” đầu tiên để doanh nghiệp có thể thực hiện bất kỳ hoạt động kinh doanh nào.

Khi doanh nghiệp lớn mạnh, tổng tài sản tăng lên thì đồng nghĩa với tổng tài sản của chủ sở hữu tăng lên theo tỷ lệ góp vốn nên nếu chủ sở hữu phải thế chấp phần vốn góp, cổ phần của mình tại doanh nghiệp thì đồng nghĩa với nguy cơ mất quyền kiểm soát hoàn toàn đối với các tài sản còn lại của doanh nghiệp không là đối tượng của hợp đồng thế chấp.

Điều nguy hiểm là trên thực tế, không ít ngân hàng khi nhận tài sản bảo đảm là phần vốn góp, cổ phần của chủ sở hữu thì đồng thời yêu cầu các chủ sở hữu ký sẵn các hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp/cổ phần “khống”có xác nhận của người đại diện theo pháp luật để phòng ngừa trường hợp phải xử lý tài sản thế chấp nếu doanh nghiệp không có khả năng trả nợ nhưng các cơ chế xử lý tài sản thế chấp là phần vốn góp, cổ phần đang có phần vướng mắc.

3.Rào cản trong việc xử lý tài sản chế chấp là phần vốn góp, cổ phần

Điều 303, Bộ luật dân sự 2015 quy định ba phương thức xử lý tài sản thế chấp là phần vốn góp hay cổ phần theo thỏa thuận là (i) bán đấu giá tài sản; (ii) bên nhận thế chấp tự bán tài sản; (iii) bên nhận thế chấp nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm; và (iv) phương thức khác.

Việc chọn phương thức xử lý thế chấp phần vốn góp, cổ phần được thực hiện theo một trong các phương thức nêu trên mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp. Trong trường hợp không có thỏa thuận, phần vốn góp hay cổ phần sẽ được bán đấu giá, trừ trường hợp luật có quy định khác(7).

Trong thực tế, một trong những khó khăn đặt ra khi xử lý tài sản bảo đảm là phần vốn góp, cổ phần là phải xác định thời điểm chuyển giao quyền sở hữu đối với phần vốn góp, cổ phần đó như thế nào. Điều 31, Luật doanh nghiệp quy định khi thay đổi bất cứ nội dung nào của Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn mười ngày kể từ ngày có thay đổi.

Doanh nghiệp có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu không đăng ký hoặc đăng ký không đúng thời hạn việc thay đổi thành viên hay cổ đông sáng lập theo quy định tại Điều 44 Nghị định số 122/2021/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

Rào cản đáng kể nhất hiện nay khi nhận thế chấp phần vốn góp, cổ phần chính là thủ tục chuyển quyền sở hữu phần vốn góp, cổ phần được thế chấp khi xử lý thế chấp. Điều 52.2, Luật doanh nghiệp nêu rõ “thành viên chuyển nhượng vẫn có các quyền và nghĩa vụ đối với công ty tương ứng với phần vốn góp có liên quan cho đến khi thông tin về người muaquy định tại các điểm b, c và đ khoản 2 Điều 48 của Luật này được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký thành viên”.

Tương tự Điều 126.7, Luật doanh nghiệp quy định trong trường hợp chuyển nhượng cổ phần, “người nhận [chuyển nhượng] cổ phần trong các trường hợp quy định tại Điều này chỉ trở thành cổ đông công ty từ thời điểm các thông tin của họ […] được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký cổ đông”.

Như vậy, về nguyên tắc, người nhận chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần hay người nhận phần vốn góp, cổ phần để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm chỉ trở thành thành viên hay cổ đông của công ty sau khi (i) thông tin của họ được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký thành viên hay sổ đăng ký cổ đông của công ty có phần vốn góp hay cổ phần được thế chấp và (ii) công ty đã thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi thành viên công ty TNHH, thủ tục thông báo thay đổi thông tin của cổ đông sáng lập công ty cổ phần.

Điều đáng tiếc là pháp luật doanh nghiệp hiện hành không có quy định nào về thủ tục đăng ký thay đổi thành viên công ty TNHH hay thủ tục thông báo thay đổi thông tin của cổ đông sáng lập công ty cổ phần khi xử lý thế chấp.

Ngoài ra, cần lưu ý rằng Điều 324.2(c) Bộ luật dân sự quy định người thứ ba giữ tài sản thế chấp có nghĩa vụ “giao lại tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp […] theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật”.

Rất khó có thể xác định rõ việc giao tài sản bảo đảm này được thực hiện theo cách nào trong trường hợp thế chấp phần vốn góp, cổ phần. Tuy nhiên, có thể hiểu là quy định này đặt ra trách nhiệm đối với người đại diện theo pháp luật của công ty phải phối hợp để thực hiện các thủ tục chuyển quyền sở hữu cho bên mua hay bên nhận thế chấp nhận chính phần vốn góp, cổ phần thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm nêu trên.

Một điểm đáng chú ý khác là Luật doanh nghiệp vẫn còn thiếu vắng các quy định về việc chấp thuận tư cách thành viên góp vốn hay cổ đông của bên nhận thế chấp hay bên thứ ba mua phần vốn góp, cổ phần khi xử lý tài sản bảo đảm. Thực vậy, Luật doanh nghiệp chỉ quy định việc chấp thuận thành viên mới của công ty TNHH trong trường hợp chuyển nhượng, tặng cho phần vốn góp hay sử dụng phần vốn góp để trả nợ.

Theo đó, về nguyên tắc, khi chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho người khác, thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên muốn chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người khác trước hết phải chào bán phần vốn đó cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện; và chỉ được chuyển nhượng với cùng điều kiện chào bán đối với các thành viên còn lại cho người không phải là thành viên nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc không mua hết trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày chào bán(8).

Tương tự, trường hợp người được tặng cho là người khác thì chỉ trở thành thành viên của công ty khi được Hội đồng thành viên chấp thuận(9). Hơn nữa, trong trường hợp thành viên sử dụng phần vốn góp để trả nợ thì người nhận thanh toán chỉ được trở thành thành viên của công ty nếu được Hội đồng thành viên chấp thuận, nếu không sẽ bắt buộc phải chào bán phần vốn góp đó(10).

Còn đối với công ty cổ phần, trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông(11).

Có thể thấy, tinh thần của Luật doanh nghiệp là hạn chế việc chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần cho các bên thứ ba dẫn đến việc bên này được tham gia vào Hội đồng thành viên hay Hội đồng quản trị của công ty khi chưa có sự đồng ý của các thành viên hay cổ đông hiện hữu.

4.Vậy tại sao ngân hàng vẫn nhận tài sản thế chấp là phần vốn góp, cổ phần?

Như ở trên đã phân tích cho thấy việc xử lý tài sản bảo đảm là phần vốn góp, cổ phần đang gặp rất nhiều rào cản từ luật thực định cho đến thực tiễn. Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn nhận thế chấp loại quyền tài sản này mà không xác định giá trị để cấp hạn mức tín dụng. Nguyên nhân có thể đến từ một số lý do sau:

Thứ nhất, với một doanh nghiệp đơn ngành chỉ gắn liền với một dự án nào đó (doanh nghiệp dự án) thì việc thế chấp phần vốn góp, cổ phần cũng sẽ không gây ra rủi ro gì nhiều cho các chủ sở hữu bởi chẳng may doanh nghiệp không trả được nợ cho ngân hàng mà phải xử lý tài sản bảo đảm thì vốn chủ sở hữu với tài sản khác của doanh nghiệp tựu chung cũng chỉ là một.

Nhưng nếu là doanh nghiệp đa ngành, sở hữu nhiều dự án, nhiều tài sản nhưng chỉ thế chấp một số tài sản nhất định kèm theo thế chấp cả phần vốn góp, cổ phần của các chủ sở hữu và vì một lý do nào đó mà doanh nghiệp không trả nợ vay đúng hạn thì ngân hàng có thể “vô hiệu hóa” sự điều hành của ban lãnh đạo doanh nghiệp và “nuốt chọn” các tài sản khác của doanh nghiệp.

Thứ hai, việc nhận tài sản thế chấp là phần vốn góp, cổ phần có thể thể tạo ra các lớp vỏ bọc “thế chấp chồng thế chấp” bởi vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp được hình thành từ cả vốn góp của chủ sở hữu và kết quả từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngoài ra, do cơ chế giám sát việc góp vốn điều lệ còn nhiều bất cập dẫn đến không ít doanh nghiệp chỉ sở hữu “vốn điều lệ ảo” trên sổ sách kế toán. Điều này gây bất lợi cho nhiều doanh nghiệp có vốn điều lệ được các chủ sở hữu góp thật nhưng vẫn bị ngân hàng coi là ảo và đó cũng là lý do ngân hàng nhận tài sản bảo đảm là phần vốn góp, cổ phần nhưng lại không xác định giá trị để cấp hạn mức tín dụng.

Thứ ba, Dù luật các tổ chức tín dụng mới đã được Quốc hội thông qua, nhưng đâu đó vẫn còn hiện tượng “sở hữu chéo” giữa các ông chủ ngân hàng với các doanh nghiệp sân sau nên việc nhận tài sản thế chấp là phần vốn góp, cổ phần thường được ngân hàng đồng thời yêu cầu các chủ sở hữu ký sẵn các hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp/cổ phần “khống” cho công ty sân sau có xác nhận của người đại diện theo pháp luật để phòng ngừa trường hợp phải xử lý tài sản thế chấp nếu doanh nghiệp không có khả năng trả nợ nhưng do các cơ chế xử lý tài sản thế chấp là phần vốn góp, cổ phần đang có phần vướng mắc.

Thứ tư, trong các cơ chế xử lý tài sản thế chấp được quy định trong hợp đồng thế chấp, các ngân hàng thường đưa cả chế tài yêu cầu bên thế chấp tự nguyện bàn giao tài sản và hoặc được quyền thu giữ tài sản. Nếu doanh nghiệp không tự nguyện, ngân hàng có thể gửi văn bản đề nghị phối hợp đến nhiều cơ quan có thẩm quyền để gây sức ép và hòng làm mất uy tín cho doanh nghiệp.

Một khi ban lãnh đạo doanh nghiệp (Hội đồng thành viên, HĐQT, ĐHĐCĐ) đã vị “vô hiệu hóa” và uy tín doanh nghiệp bị hạ thấp thì đồng nghĩa với mọi nỗ lực tạo dựng của chủ sở hữu doanh nghiệp trong suốt thời gian dài bị dập tắt, thậm chí nhiều dự án của doanh nghiệp không thể cán đích đúng hạn theo quy định trong Giấy chứng nhận đầu tư và vô hình chung ảnh hưởng đến cả chính sách vĩ mô, môi trường đầu tư, ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người lao động, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách cho Nhà nước.

5.Đề xuất hướng tháo gỡ các xung đột trong việc nhận tài sản bảo đảm là phần vốn góp, cổ phần.

Việc ngân hàng nhận thế chấp tài sản bảo đảm là phần vốn góp, cổ phần nhưng lại không xác định giá trị để cấp hạn mức tín dụng đã và đang gây ra cho không ít doanh nghiệp rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” có nguy cơ đứng bên bờ vực phá sản.

Ngoài việc, ngân hàng đã nhận đủ tài sản thế chấp của doanh nghiệp đáp ứng Tỷ lệ khoản vay so với giá trị (LTV) do chính ngân hàng đặt ra nhưng lại yêu cầu cầu thế chấp phần vốn góp, cổ phần của các chủ sở hữu một cách riêng biệt mà đáng lý ra ngân hàng cần xem xét phần vốn góp, cổ phần là một thứ tài sản “bao trùm” lên toàn bộ sự sống còn của doanh nghiệp đã phần nào cho thấy những “tảng băng” lạ đang xuất hiện trong dòng chảy thuận hòa của cộng đồng doanh nghiệp.

Cộng đồng doanh nghiệp đã và đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ đại dịch Covid-19 và làn sóng suy thoái của thị trường bất động sản và mặc dù đã được Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước ban hành nhiều chính sách nhằm yêu cầu các ngân hàng thương mại miễn giảm lãi suất vay, giãn thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tái cơ cấu.

Tuy nhiên trên thực tế không ít ngân hàng vẫn cố tình “om giữ” nhiều đống tài sản của doanh nghiệp có giá trị lớn hơn rất nhiều so với khoản vay còn dư nợ mà không hợp tác để cùng doanh nghiệp tái cấu trúc nhằm duy trì mối quan hệ cộng sinh.

Vậy để giải quyết triệt để vấn đề trên, thiết nghĩ Quốc hội cần khẩn trương thành lập một Ủy ban giám sát chuyên trách để đánh giá lại hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua, đồng thời Chính phủ cần yêu cầu Cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước cần vào cuộc để thanh tra toàn diện hoạt động nhận tài sản thế chấp là phần vốn góp, cổ phần nhưng không xác định giá trị để cấp hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp.

                                                        Phan Khắc Nghiêm
                                                   Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH NPK Quốc tế

(1) Bộ luật dân sự 2015, Điều 105.1
(2) Bộ luật dân sự 2015, Điều 105.2
(3) Bộ luật dân sự 2015, Điều 107
(4) Tiểu mục 3.1 Mục 3 Tiêu chuẩn thẩm định giá số 13 Thẩm định giá tài sản vô hình Ban hành kèm theo Thông tư 06/2014/TT-BTC
(5) Luật doanh nghiệp 2020, Điều 4.18
(6) Bộ luật dân sự 2015, Điều 309
(7) Bộ luật dân sự 2015, Điều 303.2
(8) Luật doanh nghiệp 2015, Điều 52.1
(9) Luật doanh nghiệp 2015, Điều 53.4
(10) Luật doanh nghiệp 2015, Điều 53.7
Luật doanh nghiệp 2015, Điều 120.3

Bạn đang đọc bài viết Ngân hàng nhận TSBĐ là phần vốn góp nhưng không xác định giá trị để cấp hạn mức vốn tín dụng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới