Chủ nhật, 24/11/2024 05:26 (GMT+7)
Thứ bảy, 05/10/2024 17:57 (GMT+7)

Ngành Xây dựng Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển

Theo dõi KTMT trên

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng bày tỏ mong muốn Vietnam Construction Awards 2024 và Diễn đàn Triển vọng ngành xây dựng Việt Nam sẽ là sự kiện hàng năm và là sân chơi để các doanh nghiệp xây dựng trao đổi, bàn luận các vấn đề nóng...

Ngày 5/10, tại Trung tâm Hội nghị Quốc Gia Hà Nội đã diễn ra Chương trình “Vietnam Construction Awards 2024 và Diễn đàn Triển vọng ngành Xây dựng Việt Nam” do Tổng hội Xây dựng Việt Nam tổ chức.

Đến tham dự và phát biểu tại chương trình, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng dành lời khen cho Tổng hội Xây dựng Việt Nam với ý tưởng tổ chức chương trình.

Tín hiệu khởi sắc của ngành xây dựng

Thứ trưởng Bùi Xuân Dũng cho biết: Giai đoạn 2021-2024, ngành Xây dựng gặp nhiều khó khăn, thách thức do số lượng dự án, công trình đầu tư xây dựng mới giảm sút, có thời điểm giá vật liệu xây dựng tăng cao; vướng mắc, bất cập trong quản lý đầu tư xây dựng xuất hiện nhiều hơn do có sự thay đổi nhanh của thực tiễn.

Ngành Xây dựng Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển - Ảnh 1Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng phát biểu tại Chương trình “Vietnam Construction Awards 2024 và Diễn đàn Triển vọng ngành Xây dựng Việt Nam”.

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024, Bộ Xây dựng đã có Quyết định số 60/QĐ-BXD ngày 25/01/2024 ban hành Chương trình hành động để triển khai với 10 nhiệm vụ, giải pháp, 7 chỉ tiêu theo các chỉ tiêu Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng chủ trì và các chỉ tiêu chung của Chính phủ; 17 nhiệm vụ cụ thể thuộc tất cả các lĩnh vực quản lý của Bộ, trong đó phân công rõ đơn vị chủ trì, tiến độ, thời gian hoàn thành. Trong đó, công tác hoàn thiện thể chế được Bộ Xây dựng đặc biệt quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện, coi đây là công cụ chủ yếu hỗ trợ các doanh nghiệp, đồng thời thực hiện nhiều giải pháp trước mắt và ngắn hạn để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quản lý đầu tư xây dựng.

Ngành Xây dựng Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển - Ảnh 2Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng phát biểu tại sự kiện.

Theo Thứ trưởng, đến thời điểm hiện nay, các khó khăn, vướng mắc liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng về quản lý, phát triển nhà ở, kinh doanh bất động sản, quản lý hoạt động xây dựng, quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng... đã cơ bản được giải quyết, tháo gỡ. Cụ thể là:

Thứ nhất: Bộ Xây dựng đã tham mưu, xây dựng, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua 02 Luật: Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 05 Nghị định, 01 Quyết định và ban hành theo thẩm quyền 02 Thông tư hướng dẫn, quy định chi tiết. Việc thông qua Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở có hiệu lực sớm từ ngày 01/08/2024 sẽ đảm bảo được sự thống nhất, đồng bộ giữa các Luật; với nhiều chính sách mới, đột phá theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, kịp thời thảo gỡ nhiều tồn tại, hạn chế trong thực tiễn thi hành, tạo điều kiện môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư kinh doanh.

Thứ 2: Bộ Xây dựng đã hoàn thành dự thảo, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2024/NĐ-CP quy định về hệ thống thông tin, Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng và hoàn thiện dự thảo, đang trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định số 15 2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng theo đúng tinh thần chi đạo của Thủ tướng: tăng cường phân cấp, phân quyền triệt để cho các địa phương, cho cấp cơ sở; cắt giảm tối đa các giấy tờ, thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết để giảm chi phí thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Thứ 3: Về định mức xây dựng, suất vốn đầu tư xây dựng: Ngày 30/8/2024, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 09/2024/TT-BXD sửa đổi, bổ sung một số định mức xây dựng ban hành tại Thông tư số 12/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021; Ngày 22/8/2024, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 816/QĐ-BXD Công bố suất vốn đầu tư xây dựng và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình năm 20233. Việc ban hành kịp thời sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống định mức xây dựng, tạo thuận lợi cho các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng có đầy đủ công cụ để phục vụ công tác lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng, nhất là đối với các dự án đầu tư công, các công trình giao thông trọng điểm quốc gia.

Thứ 4: Hiện nay, Bộ Xây dựng đã hoàn thiện dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, đã trình Chính phủ, báo cáo Quốc hội (dự kiến được thông qua tại kỳ họp thứ 8 diễn ra vào tháng 10 2024). Đối với 2 Dự án Luật là Luật Cấp, thoát nước và Luật Quản lý phát triển đô thị: đã được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025. Đây là cơ sở pháp lý, công cụ quản lý đồng bộ, toàn diện, thống nhất để điều chỉnh hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, khắc phục được các tồn tại, hạn chế, bất cập và khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu đối với giai đoạn phát triển mới của đất nước; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Thứ trưởng Bùi Xuân Dũng cho biết: Sự tăng trưởng của ngành Xây dựng còn phụ thuộc nhiều vào sự phục hồi của thị trường bất động sản, tiến độ tháo gỡ vướng mắc, triển khai các dự án đầu tư công.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành để tháo gỡ khó khăn cho công trình trọng điểm quốc gia để góp phần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tại các dự án này (như: sửa đổi, bổ sung hệ thống định mức xây dựng, tình trạng thiếu hụt vật liệu xây dựng, kiểm soát chất lượng công trình xây dựng...

Cũng trong thời gian qua, Bộ Xây dựng đã đề xuất nhiều giải pháp để nỗ lực đẩy mạnh phát triển thị trường bất động sản, dẩy mạnh triển khai Đề án đầu tư ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030, trong đó tham mưu Lãnh đạo Chính phủ tổ chức nhiều hội nghị, cuộc họp để chỉ đạo triển khai, giải quyết khó khăn vướng mắc, giao chỉ tiêu cho từng địa phương thực hiện.

Trong những tháng đầu năm 2024, thị trường bất động sản đã dần sôi động trở lại. Đầu tư công được đẩy mạnh (ngày 22/03/2024 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 24/CĐ-TTg về việc đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024), các dự án giao thông trọng điểm được phân bổ tỷ trọng lớn của ngồn vốn đầu tư công trong năm 2024 sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa tới nhiễu ngành nghề, doanh nghiệp trong nền kinh tế như vật liệu xây dựng, xây dựng, bất động sản dân cư, bất động sản khu công nghiệp và logistics, đặc biệt là nhóm ngành xây dựng hạ tầng.

Thứ trưởng bày tỏ tin tưởng với những dấu hiệu tích cực của thị trường bất động sản, sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương về đẩy mạnh đầu tư công và các chính sách pháp luật đã được ban hành, các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam nói riêng, toàn ngành Xây dựng nói chung sẽ có những bước đột phá, tiếp tục phát triển, nâng cao vị thế và đạt được nhiều thành tựu trong thời gian tới, góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Diễn đàn Triển vọng ngành xây dựng Việt Nam sẽ là sân chơi thường niên của doanh nghiệp xây dựng

Chia sẻ về chương trình Viet Nam Construction Awards 2024 và Diễn đàn Triển vọng ngành xây dựng Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng nói: “Thay mặt lãnh đạo Bộ Xây dựng tôi xin ghi nhận và hoan nghênh ý tưởng tổ chức Diễn đàn Triển vọng ngành xây dựng Việt Nam do Tổng hội Xây dựng Việt Nam tổ chức. Hy vọng rằng sự kiện sẽ là chương trình thường niên hàng năm, và là sân chơi để doanh nghiệp xây dựng trao đổi, bàn luận các vấn đề nóng với các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách, đại diện cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh ngành Xây dựng. Qua đó, các doanh nghiệp cũng sẽ có những cơ hội hợp tác, thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại ngành xây dựng”.

Ngành Xây dựng Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển - Ảnh 3TS. Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam tặng hoa Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng.

Thứ trưởng bày tỏ hy vọng rằng các doanh nghiệp xây dựng sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh nội tại của bản thân đã được tích lũy, xây dựng và củng cố trong thời gian qua làm điểm tựa để doanh nghiệp tạo ra những chuyển biến tích cực trong thời gian tới.

(1) Nâng cao năng lực quản lý tài chính hiệu quả, rà soát, cắt giảm và tối ưu hóa chi phí;

(2) Giữ vững uy tín, thương hiệu đã được xây dựng trên thị trường;

(3) Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý và vận hành;

(4) Tổ chức, đào tạo có đội ngũ nhân sự giỏi về chuyên môn, giàu kinh nghiệm, kỷ luật cao;

(5) Hoạt động kinh doanh đa dạng tạo cơ sở vững chắc để bứt phá bản thân.

"Đề nghị Tổng hội Xây dựng Việt Nam, tiếp tục phát huy hiệu quả vai trò là cầu nối giữa các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng với các cơ quan quản lý nhà nước, phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai các dự án để Chính phủ, các Bộ, ngành địa phương kịp thời có giải pháp tháo gỡ”, Thứ trưởng Bùi Xuân Dũng kết luận.

Xuân Hòa

Bạn đang đọc bài viết Ngành Xây dựng Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới