Chủ nhật, 24/11/2024 04:35 (GMT+7)
Thứ năm, 09/05/2024 23:21 (GMT+7)

Nhà máy thu khí carbon công suất lớn nhất thế giới chính thức hoạt động, liệu có ổn?

Theo dõi KTMT trên

Nhà máy Mammoth đã vượt qua "kẻ tiền nhiệm" Orca để trở thành nhà máy thu khí carbon trực tiếp lớn nhất thế giới hiện nay.

Trong cuộc hành trình giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu, nhiều sáng kiến để giảm phát thải carbon đã ra đời, trong đó phải kể đến công nghệ thu khí trực tiếp (Direct Air Capture - DAC). Nhà máy thu khí trực tiếp quy mô lớn đầu tiên trên thế giới mang tên Orca ra mắt năm 2021 sau nhiều năm xây dựng. Nối tiếp thành công của Orca, nhà máy thu khí trực tiếp lớn nhất thế giới mang tên Mammoth cũng chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày 8/5 vừa qua tại Iceland. Cả 2 nhà máy đều thuộc sở hữu của công ty chuyên về lĩnh vực thu khí trực tiếp Climeworks của Thụy Sĩ.

Nhà máy thu khí carbon công suất lớn nhất thế giới chính thức hoạt động, liệu có ổn? - Ảnh 1
Nhà máy Mammoth công nghệ thu khí carbon trực tiếp đã đi vào hoạt động tại Iceland.

Công nghệ thu giữ khí carbon - tiềm năng lớn của nhân loại

Theo công bố Climeworks, nhà máy Mammoth có quy mô gấp 10 lần so với nhà máy tiền nhiệm là Orca. Nó được thiết kế để đảmm bảo công suất thu tới 36 nghìn tấn carbon từ khí quyển mỗi năm. Con số này tương đương với việc loại bỏ khoảng 7.800 ô tô chạy bằng xăng xả mỗi năm.

Thu khí trực tiếp DAC là công nghệ hút carbon rồi bơm xuống lòng đất để tái sử dụng. Quy trình phức tạp đòi hỏi nhiều năng lượng nên Climeworks sử dụng chính năng lượng tái tạo từ địa nhiệt để vận hành hệ thống máy móc. Quy trình bao gồm các công đoạn hút không khí rồi tách carbon bằng hóa chất. Carbon sau khi được tách sẽ tiếp tục được bơm sâu xuống lòng đất để tái sử dụng hoặc chuyển hóa thành sản phẩm rắn. Carbon phản ứng với đá bazan thông qua quá trình tự nhiên sẽ biến thành đá và lưu trữ vĩnh viễn trong lòng đất. Toàn bộ quá trình đo đạc, xác minh và chứng nhận đều thông qua một bên thứ ba độc lập.

Nhà máy Mammoth được khởi công xây dựng từ tháng 6/2022. Nó được thiết kế với 72 hộp thu khí có thể xếp chồng lên nhau và di chuyển dễ dàng. Những hộp thu khí này sẽ có tác dụng thu khí carbon từ khí quyển. Hiện tại nhà máy mới lắp đặt 12 hộp. Số hộp còn lại sẽ được hoàn thiện trong vài tháng tới.

Climeworks không công bố chi phí chính xác của công nghệ thu khí trực tiếp, mà chỉ cho biết mức giá vào khoảng 1.000 USD/ tấn carbon. Ông Jan Wurzbacher, người đồng sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành của Climeworks cho biết, công ty đang hướng tới giá thành tốt hơn trong tương lai khi quy mô nhà máy tăng và chi phí giảm, cụ thể là 300 - 350 USD/ tấn carbon vào năm 2030, sau đó mới là mục tiêu 100 USD/ tấn carbon vào năm 2050.

Nhà máy thu khí carbon công suất lớn nhất thế giới chính thức hoạt động, liệu có ổn? - Ảnh 2
Nhà máy Mammoth tọa lạc trước dãy núi hùng vĩ của Iceland.
Nhà máy thu khí carbon công suất lớn nhất thế giới chính thức hoạt động, liệu có ổn? - Ảnh 3
Mỗi hộp thu khí được thiết kế 12 cánh quạt gió.

Những thách thức còn gặp phải của công nghệ thu khí trực tiếp

Trong khi công ty công nghệ Climeworks đặt rất nhiều niềm tin và tham vọng vào các dự án của mình, nhiều nhà khoa học vẫn có góc nhìn chỉ trích đối với phương pháp này. Trước hết là về giá thành. Những người chỉ trích cho rằng, giá để thu giữ carbon trực tiếp là quá đắt hiện nay.

Giáo sư Stuart Haszeldine của Đại học Edinburgh, Anh Quốc cho biết, công nghệ thu khí trực tiếp là một bước tiến mới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, kết quả thu được từ công nghệ này chỉ đạt một phần rất nhỏ so với mục tiêu cần thiết. Theo Cơ quan Năng lượng (Quốc tế International Energy Agency - IEA), tổng các thiết bị loại bỏ carbon trên thế giới chỉ có thể loại bỏ 0,01 triệu tấn carbon mỗi năm. Trong khi đó, mỗi năm thế giới cần loại bỏ 70 triệu tấn carbon vào năm 2030 để đạt được mục tiêu khí hậu toàn cầu. Con số này thực sự chênh lệch rất nhiều.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học còn lo ngại, công nghệ thu giữ khí trực tiếp sẽ khiến các công ty trên toàn cầu tập trung quá nhiều. Lúc này họ sẽ quên đi nhiệm vụ phải giảm khí phát thải mà tổ chức quản lý đã đặt ra.

Một lý do khác nữa công nghệ thu khí trực tiếp vẫn bị đem lên bàn mổ xẻ là vì nó có khả năng tăng cường khai thác dầu mỏ. Nhờ có carbon, các công ty nhiên liệu hóa thạch vẫn sẽ khai thác được những mỏ dầu khó và cũ nhất. Điều này có thể sẽ câu thêm thời gian cho ngành nhiên liệu hóa thạch.

Trước những thách thức này, Climeworks khẳng định không liên kết với bất cứ với công ty nhiên liệu hóa thạch nào. Họ vẫn đặt trọn niềm tin vào tiềm năng của công nghệ thu khí trực tiếp. 2 nhà máy Orca và Mammoth chỉ là giai đoạn khởi đầu cho kế hoạch loại bỏ 1 triệu tấn carbon vào năm 2030. Tham vọng lớn hơn của Climeworks sẽ là hệ thống các nhà máy thu khí trực tiếp ở Kenya và Mỹ để tiến tới mục tiêu loại bỏ 1 tỷ tấn carbon vào năm 2050.

Ngoài Orca và Mammoth, nhiều nhà máy thu khí trực tiếp khác có quy mô lớn hơn cũng đang trên đà lộ diện.  Được biết, nhà máy Stratos có quy mô 500 nghìn tấn carbon mỗi năm ở bang Texas, Mỹ đang được xây dựng.

Nhà máy thu khí carbon công suất lớn nhất thế giới chính thức hoạt động, liệu có ổn? - Ảnh 4
Công nghệ thu khí trực tiếp tiềm năng cũng đóng góp một phần vào quá trình giảm phát thải carbon, chống biến đổi khí hậu.

Theo: Tổng hợp CNN, Climeworks

Gia Tuệ

Bạn đang đọc bài viết Nhà máy thu khí carbon công suất lớn nhất thế giới chính thức hoạt động, liệu có ổn?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới