Nhận thức, thái độ và hành vi của người dân về quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Hải Hậu, Nam Định
Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trung bình 1,1 kg/người/ngày. Trong các nhân tố có ảnh hưởng trực tiếp tới chỉ số nhận thức, thái độ và hành vi của người dân về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, nhân tố “hiểu biết về quản lý CTRSH” ảnh hưởng lớn nhất.
Tóm tắt:Nghiên cứu thực hiện đánh giá hiện trạng phát sinh chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH). Phương pháp tham vấn chuyên gia, điều tra xã hội học bằng bảng hỏi và mô hình hóa phương trình cấu trúc (SEM) được kết hợp để phân tích mối quan hệ phức tạp giữa nhận thức, thái độ và hành vi của cư dân. Kết quả phân tích từ số liệu điều tra cho thấy, CTRSH phát sinh trung bình 1,1 kg/người/ngày. Trong các nhân tố có ảnh hưởng trực tiếp tới chỉ số nhận thức, thái độ và hành vi của người dân về quản lý CTRSH, nhân tố “hiểu biết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt” ảnh hưởng lớn nhất. Dựa trên kết quả nghiên cứu, một số biện pháp phù hợp được đề xuất nhằm thúc đẩy công tác phân loại chất thải sinh hoạt, giảm thiểu lượng chất thải sinh hoạt cần xử lý, đồng thời nâng cao nhận thức, thái độ và hành vi bảo vệ môi trường của cư dân.
1. Đặt vấn đề
Tương tự như các nước đang phát triển khác, Quản lý chất thải rắn là một vấn đề môi trường lớn ở Việt Nam [25]. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, Lượng rác thải phát sinh bình quân đầu người/ngày của người dân Việt Nam ước tính là 1,14 kg, cao hơn so với con số trung bình của các nước thu nhập trung bình khác là 0,79 kg [6]. Tại một số địa phương ven biển, CTRSH đã là một trong những nguyên nhân gây ra nhiễm môi trường biển. Một đặc điểm cơ bản của nông thôn nói chung và khu vực ven biển nói riêng là tính cộng đồng rất cao, do đó, mô hình quản lý CTRSH ở nông thôn phải có những khác biệt so với đô thị. vấn đề quản lý CTRSH phải được quản lý theo cách thức thể hiện tốt nhất ý chí của cộng đồng.
Khu vực ven biển huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định được lựa chọn nghiên cứu điển hình do kinh tế của khu vực này khá đa dạng trong đó gắn liền với các ngành nghề liên quan đến biển như đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản, làm muối và du lịch. Phát triển kinh tế nhưng Hải Hậu cũng có giải pháp quản lý chất thải rắn phù hợp, nên huyện Hải Hậu đã trở thành một huyện đầu tiên trong cả nước đạt các tiêu chí Nông thôn mới.
2. Phương pháp nghiên cứu
2.1. Phương pháp điều tra xã hội học
Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi được sử dụng để thu thập thông tin về nhận thức, thái độ và hành vi của người dân về hiện trạng phát sinh, phân loại, thu gom CTRSH.
Đối tượng điều tra bao gồm: cán bộ quản lý (Phó Chủ tịch huyện, cán bộ phụ trách thu gom của công ty xử lý CTR), cư dân tại huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.
Cỡ mẫu điều tra:
Kích cỡ mẫu điều tra được tính theo công thức của Glover (2003):
Trong đó:
n: cỡ mẫu điều tra
N: kích cỡ tổng thể (Dân số trung bình trong khu vực nghiên cứu)
e: mức sai số chấp nhận (e nằm trong khoảng 0,05 đến 0,1; trong nghiên cứu này, chọn e = 0,1)
Theo cục thống kê tỉnh Nam Định, với dân số huyện Hải Hậu là 262.901 người (1/4/2019), khi đó cỡ mẫu phiếu được tính như sau:
Cấu trúc phiếu điều tra:
- Thông tin cá nhân của người được phỏng vấn: Họ và tên, giới tính, địa chỉ, số điện thoại (nếu có), độ tuổi, loại nhà ở, trình độ học vấn, nghề nghiệp, thành viên trong gia đình đang sinh hoạt tại địa bàn, thu nhập bình quân.
- Các câu hỏi về hiện trạng phát sinh, lưu giữ, phân loại, thu gom và xử lý CTRSH trong hộ gia đình.
- Các câu hỏi về sự hiểu biết, về thái độ, về chuẩn mực chủ quan, về sự hiểu biết kiểm soát hành vi và hành vi trong quản lý CTRSH hộ gia đình.
- Đề xuất của người dân giúp cho quản lý CTRSH hiệu quả và hợp lý hơn
2.2. Phương pháp tham vấn chuyên gia
Từ kết quả từ hội thảo của đề tài TNMT.2022.01.47 thông qua ý kiến của các chuyên gia về quản lý xã hội và quản lý môi trường. Nội dung tham vấn bao gồm: về các tiêu chí, câu hỏi đưa vào phiếu điều tra khảo sát để đánh giá nhận thức, thái độ, hành vi của người dân; xây dựng các giải pháp nâng cao công tác phân loại, thu gom và quản lý CTRSH, từ đó đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả và phù hợp tại khu vực nghiên cứu.
2.3. Phương pháp mô hình cấu trúc tuyến tính (SEM)
Lựa chọn mô hình SEM để giải bài toán quan hệ phức tạp giữa nhận thức, thái độ, biến số đặc trưng xã hội và hành vi nhờ phần mềm SPSS 20.
Trong đó:
Hiểu biết về quản lý CTRSH: Trong nghiên cứu này, xây dựng câu hỏi theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, cụ thể là hành động phân loại, thu gom, chuyển giao CTRSH; lợi ích của việc phân loại CTRSH và cách tính giá dịch vụ CTRSH.
Thái độ với quản lý CTRSH: Với nghiên cứu này, để đo lường mức độ quan tâm thì câu hỏi trong phiếu sẽ yêu cầu người được hỏi thể hiện mức độ quan tâm đối tới các vấn đề đó là phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế CTRSH; đồng ý với nhận định quản lý CTRSH đúng cách là trách nhiệm của mọi người; hay việc tin tưởng vào cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý CTRSH hiệu quả và sự hài lòng về dịch vụ thu gom, vận chuyển CTRSH hiện nay.
Chuẩn mực chủ quan: Nhằm cho biết mức độ ảnh hưởng về việc phân loại, tái sử dụng tái chế CTRSH từ các thành viên trong gia đình, bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp và áp lực từ cơ quan quản lý nhà nước.
Hành vi quản lý CTRSH: Bằng cách dựa trên sự tham vấn chuyên gia để áp dụng thang đo Likert để dự đoán hành vi và với phương pháp chấm điểm cho người dân về nhận thức phân loại, thu gom và tái sử dụng, tái chế CTRSH tại nguồn.
Đặc điểm nhân khẩu học: Tập trung thu thập thông tin chung của người dân được phỏng vấn như: Họ tên, giới tính, địa chỉ, tuổi, loại nhà ở, trình độ học vấn, nghề nghiệp, số nhân khẩu đang sinh hoạt tại địa phương và thu nhập trung bình tháng.
3. Kết quả và thảo luận
3.1. Đánh giá hiện trạng phát sinh, phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt hộ gia đình tại huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định
Nghiên cứu chủ yếu lượng CTRSH được phát sinh chủ yếu từ hộ gia đình thuộc địa bàn tiêu biểu đặc trưng cho vùng nông thôn ven biển là huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.
Theo điều tra bằng bảng hỏi thì lượng CTRSH phát sinh trong một ngày tại hộ gia đình được trình bày tại bảng 3.1.
Qua bảng 3.1 ta thấy, phần lớn các hộ gia đình được điều tra có lượng CTRSH nằm ở nhóm từ 4 - 5 kg/hộ/ngày, phát sinh thấp nhất là 1kg với các hộ gia đình chỉ có 1 đến 2 thành viên, cao nhất là 9kg với các gia đình đông thành viên hoặc các hộ gia đình làm nghề khai thác và nuôi trồng thủy hải sản, dịch vụ kinh doanh, buôn bán hoặc đời sống của họ cao.
Vì vậy việc đánh giá nhận thức, thái độ, hành vi của người dân là cần thiết, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả quản lý CTRSH cũng như thúc đẩy người dân tăng cường phân loại, tái sử dụng và tái chế CTRSH.
Theo điều tra khảo sát tỷ lệ phân loại CTRSH tại khu vực ven biển tỉnh Nam Định được trình bày tại hình 3.1.
Dựa theo hình 3.1 tại khu vực ven biển tỉnh Nam Định có 93% hộ gia đình đã phân loại; chỉ có 7% hộ gia đình không phân loại
Mỗi hộ gia đình đã được trang bị 2 thùng rác có hai màu khác nhau gồm:
+ Thùng rác hữu cơ (màu xanh) để chứa CTR dễ phân hủy như: rau, củ, quả các loại, vỏ trái cây, đồ ăn thừa...
+ Thùng rác vô cơ (màu vàng) để chứa rác khó phân hủy, như: vỏ bao bì, bìa carton, các chất thải rắn sinh hoạt thông thường không phân hủy...
CTR hữu cơ sau khi phân loại: được hộ gia đình sử dụng ủ vi sinh làm phân bón cho cây trồng hoặc tái sử dụng cho gia súc gia cầm:
+ Chủ hộ có vườn thì đào hố ủ rác hữu cơ, CTR hữu cơ sau khi phân hủy tạo mùn có thể sử dụng làm phân bón cho cây trồng. Hồ ủ CTR phải có nắp đậy và được phun chế phẩm vi sinh thường xuyên.
+ Chủ hộ không có vườn thì dùng thùng ủ CTR hữu cơ đặt ở khu vực cạnh nhà, chỗ thuận tiện bỏ CTR, khi CTR hữu cơ phân hủy thành phân thì lấy ra để bón cây.
CTR vô cơ sau phân loại: bỏ vào thùng, xô chứa rác hoặc túi nylon, bao tải chuyển cho Tổ thu gom CTRSH đem đến khu xử lý của xã, thị trấn.
Tại địa điểm nghiên cứu 100% hộ dân đều sử dụng dịch vụ thu gom CTR với tần suất thu gom là 3 lần/tuần vào thứ Hai, thứ Năm và thứ Bẩy với mức phí là 8.000 đồng/người/tháng đối với hộ gia đình và 100.000 đồng/hộ/tháng. Với tình trạng thu gom hiện nay thì mức phí thu gom như này là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, ý thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, không hợp tác và chấp hành các quy định của địa phương về nộp phí dịch vụ vệ sinh, thu gom xử lý CTR.
3.2. Đánh giá nhận thức, thái độ, hành vi của người dân về quản lý chất thải rắn sinh hoạt
Để đánh giá độ hiệu lực của thang đo, nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích nhân tố khám phá (Exploratory factor analysis - EFA) để kiểm định giá trị hội tụ của dữ liệu và kiểm định hệ số tin cậy các biến của mô hình theo thang đo Cronbach’s Alpha
- Kiểm định Cronbach’s Alpha
Kiểm địnhh Cronbach Alpha được sử dụng để đánh giá sự phù hợp của các biến trong mô hình. Theo Nunnally (1978), một thang đo tốt nên có giá trị Cronbach’s Alpha từ 0,7 trở lên. Hair & cộng sự (2009) cũng cho rằng, một thang đo đảm bảo tính đơn hướng và đạt độ tin cậy nên đạt ngưỡng Cronbach’s Alpha từ 0.7 trở lên, tuy nhiên, với tính chất là một nghiên cứu khám phá sơ bộ, ngưỡng Cronbach’s Alpha là 0.6 có thể chấp nhận được.
Tất cả các thang đo đều đạt được những yêu cầu về hệ số Cronbach’s Alpha trên 0,6 (thấp nhất là 0,602 cao nhất là 0,790 ) biểu lộ một mức độ cao của độ tin cậy trong thang đo.
Kết quả kiểm định của độ tin cậy thang đo của các biến quan sát được thể hiện trong bảng 3.5.
(Nguồn: Kết quả xử lý số liệu từ phần mềm SPSS)
Các nhân tố: hiểu biết về chất thải rắn sinh hoạt và cách quản lý, thái độ với quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chuẩn mực chủ quan và hành vi đều đều được đo lường từ 3 đến 6 biến quan sát. Kết quả kiểm định cho thấy biến quan sát HB3 có hệ số Cronbach’s Alpha = 0,791 lớn hơn hệ số Cronbach's Alpha của cả nhóm là 0,790. Tuy nhiên hệ số tương quan biến tổng của biến là 0,480 > 0,3 và Cronbach’s Alpha của cả nhóm lớn hơn 0,6. Do vậy không cần loại biến HB3 trong trường hợp này. Tương tự như vậy với biến quan sát TD4, CQ1 và HV3.3 cũng không cần loại biến trong trường hợp này.
Ngoài ra, tất cả các biến quan sát đều có hệ số tương quan tổng lớn hơn 0,3. Vì vậy, có thể kết luận được rằng thang đo được sử dụng trong nghiên cứu là phù hợp và đáng tin cậy
- Phân tích nhân tố khám phá (EFA)
a) Kiểm định Kaiser – Meyer – Olkin (KMO)
Hệ số KMO được dùng để đánh giá sự thích hợp của phân tích nhân tố. Hệ số KMO đạt giá trị trong khoảng (0,5 - 1) là điều kiện đủ để tiến hành phân tích nhân tố. Trị số KMO càng lớn đồng nghĩa mức độ phù hợp càng cao.
Nghiên cứu đã tiến hành xử lý 19 biến quan sát và thu được kết quả kiểm định KMO qua bảng 3.2.
Giá trị KMO = 0,852 > 0,5 và kết quả sig Bartlett’s Test = 0.000 < 0.05 phản ánh phân tích nhân tố khám phá là phù hợp.
b) Phân tích nhân tố khám phá (Exploratory factor analysis - EFA)
Đây là một phương pháp phân tích định lượng dùng để rút gọn một tập gồm nhiều biến đo lường phụ thuộc lẫn nhau thành một tập biến ít hơn (gọi là các nhân tố) để chúng có ý nghĩa hơn nhưng vẫn chứa đựng hầu hết nội dung thông tin của tập biến ban đầu (Hair và nnk. 2009).
Trong EFA, mỗi biến đo lường được biểu diễn như là một tổ hợp tuyến tính của các nhân tố cơ bản, còn lượng biến thiên của mỗi biến đo lường được giải thích bởi những nhân tố chung (common factor). Biến thiên chung của các biến đo lường được mô tả bằng một số ít các nhân tố chung cộng với một số nhân tố đặc trưng (unique factor) cho mỗi biến.
Giá trị riêng (eigenvalue) được sử dụng để xác định số lượng nhân tố trong phân tích EFA. Với tiêu chí này, chỉ có những nhân tố nào có giá trị riêng > 1 mới được giữ lại trong mô hình phân tích. Với kết quả KMO phù hợp, tiến hành phân tích kết quả kiểm định giá trị riêng và phương sai trích với 19 biến quan sát, kết quả được thể hiện ở bảng 3.3 và kết quả ma trận mẫu thể hiện ở bảng 3.4
Có 4 nhân tố với 19 biến được trích với giá trị riêng là 1,118 lớn hơn 1 với tổng phương sai tích lũy là 68,844%. Qua đó có thể nói rằng 4 nhân tố này giải thích 68,844 % biến thiên của dữ liệu, và với 19 biến này có thể giải thích được 68,844% lượng thông tin.
Hệ số tải nhân tố (Factor Loading), hay còn gọi là trọng số nhân tố, biểu thị mối quan hệ tương quan giữa biến quan sát với nhân tố. Hệ số tải nhân tố càng cao, nghĩa là tương quan giữa biến quan sát đó với nhân tố càng lớn và ngược lại. Theo Hair và nnk (2009) thì hệ số tải ở mức ± 0.3 là điều kiện tối thiểu để biến quan sát được giữ lại. Giá trị tiêu chuẩn của hệ số tải cần phải phụ thuộc vào kích thước mẫu. Với nghiên cứu này, tác giả chọn ngưỡng hệ số tải là 0.5 với cỡ mẫu là 100 phiếu.
- Phân tích nhân tố khẳng định (CFA)
Phương pháp CFA giúp nhà phân tích tìm kiếm các kiểm định thống kê để xem xét một mô hình do lường có phù hợp với dữ liệu hay không, nếu mô hình đo lường phù hợp với dữ liệu, CFA cũng cho nhà phân tích khẳng định độ giá trị lý thuyết của mô hình đo lường (Schumacker & Lomax, 2006).
Kết quả CFA cho thấy, mô hình đạt được độ tương thích với dữ liệu thực tế cao với các chỉ số trong bảng 3.4
Dán bảng dữ liệu bảng 3.4 vào AMOS 20 ta phân tích được nhân tố khẳng định CFA. Sau đó chuẩn hóa và kiểm định số liệu từ kết quả phân tích nhân tố khẳng định CFA.
Các mối quan hệ được kiểm định và chấp nhận các giả thuyết thu được và kiểm tra trên AMOS 20, các trọng số đã được chuẩn hóa để từ đó chỉ ra mối quan hệ giữa các biến số KT<>CQ, KT<>HV, KT<>TD, CQ<>TD, CQ<>HV, HV<>TD,… Điều này khẳng định con người nếu như có đủ kiến thức pháp luật, kiến thức về môi trường nói chung và quản lý CTRSH nói riêng sẽ có những chuyển biến tích cực trong thái độ, hành vi, của người đó tới việc bảo vệ môi trường nói chung, quản lý CTRSH nói riêng.
Các mối quan hệ được kiểm định và chấp nhận các giả thuyết gồm HV3.1, HV3.2, HV3.3, HV3.4 có thể được cụ thể hóa như sau:
+ Giả thuyết HV3.1: yếu tố đặc tính người dân (kiến thức) có tác động tích cực đến hành vi của người dân. Kết quả ước lượng cho thấy, giả thuyết này được chấp nhận (β=0,623, p<0,05).
+ Giả thuyết HV3.2: yếu tố đáp ứng của đơn vị cung ứng về dịch vụ thu gom CTRSH có tác động tích cực đến hành vi của người dân. Kết quả ước lượng cho thấy, giả thuyết này được chấp nhận (β=0,646, p<0,05).
+ Giả thuyết HV3.3: yếu tố chuẩn mực chủ quan có tác động tích cực đến hành vi của người dân. Kết quả ước lượng cho thấy, giả thuyết này được chấp nhận (β=0,682, p<0,05).
+ Giả thuyết HV3.4: yếu tố thái độ của người dân đối với CTRSH (môi trường nói chung) có tác động tích cực đến hành vi. Kết quả ước lượng cho thấy, giả thuyết này được chấp nhận (β=0,168, p<0,05).
4. Đề xuất các giải pháp
Giải pháp cải thiện nhân tố “kiến thức về quản lý CTRSH”
Căn cứ theo mô hình SEM thì nhân tố này là nhân tố tác động lớn nhất đối với việc hành vi quản lý CTRSH trong số các nhân tố đưa ra. Có thể kết luận rằng yếu tố này ảnh hướng rất nhiều đến hành vi của người dân trong việc bảo vệ môi trường nói chung, và quản lý CTRSH nói riêng, nên một số giải pháp được đề xuất như sau:
Địa phương tăng cường tập huấn, đào tạo, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho các cán bộ làm công tác môi trường của các xã, thị trấn. Hỗ trợ, hướng dẫn người dân áp dụng các mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phù hợp với điều kiện và nhu cầu của từng gia đình.
Hướng dẫn nâng cao nhận thức người dân về hiệu quả của việc phân loại CTRSH tại nguồn, kèm theo các quy định, biện pháp xử lý đối với các hộ gia đình không thực hiện việc phân loại CTRSH tại nguồn.
Phổ biến thực hiện chương trình phân loại CTRSH tại nguồn tới các hộ gia đình.
Phổ biến cho người dân thế nào là CTRSH thải hữu cơ, thế nào là CTRSH thải vô cơ, mua các sản phẩm có ít bao bì, lợi ích của việc tái sử dụng các túi đựng nhiều lần, sử dụng các loại bao bì dễ phân hủy, giảm dần thói quen sử dụng túi nylon khó phân hủy.
Tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của người dân, cộng đồng dân cư về BVMT nói chung và công tác thu gom, phân loại CTRSH nói riêng; về hiệu quả và lợi ích từ việc phân loại CTRSH tại nguồn...
Tăng cường sự vào cuộc của các cơ quan báo chí, truyền hình, các tổ chức đoàn thể, các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng các chuyên đề về BVMT...
Đưa chương trình giáo dục và thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật kiến thức về BVMT nói chung và CTR nói riêng vào các cấp học, bậc học trong hệ thống giáo dục đào tạo và các loại hình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ của các tổ chức chính trị.
Thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật kiến thức về BVMT trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Thành lập các nhóm tình nguyện và tập trung thực hiện các sáng kiến tăng cường sự tham gia của người dân để làm sạch đường phố và nâng cao ý thức về các vấn đề CTR.
Xây dựng và phát huy các mô hình tự quản về môi trường của cộng đồng dân cư; xây dựng và nhân rộng mô hình phân loại rác thải tại nguồn.
Kêu gọi khuyến khích người dân hưởng ứng các hoạt động BVMT của các tổ chức phi chính phủ và của đất nước.
Phát động các phong trào ra quân, tổng vệ sinh môi trường; xây dựng ngày thứ 7 tình nguyện; ngày chủ nhật xanh...
Một số giải pháp khác
Bên cạnh giải pháp nâng cao kiến thức về quản lý CTRSH, để cải thiện nhân tố hành vi đối với quản lý CTRSH, tác giả đề xuất như sau:
Một là, UBND tỉnh Nam Định cần xem xét việc thiết lập hành vi sống xanh, sống sạch như một chuẩn mực tạo ra áp lực cho xã hội, từng bước trở thành chuẩn mực chủ quan của cá nhân người dân. Để thực hiện tốt điều này việc thúc đẩy tuyên truyền, truyền thông hiện đại, truyền thống như: phổ biến chuẩn mực qua mạng xã hội, truyền thông và giáo dục, tận dụng hiệu quả kênh thông tin đang có cho việc BVMT như mạng internet, các fanpages, hệ thống giáo dục truyền thông về BVMT trong các trường học…
Hai là, đối với độ tuổi thanh thiếu niên bằng cách định kỳ tổ chức chương trình kế hoạch nhỏ cho cho học sinh, giúp các em có ý thức thu gom giấy vụn, rác thải nhựa tại gia đình, phát động phong trào trồng cây xanh, biểu dương, khen thưởng cho học sinh tích cực trong công tác BVMT. Các cán bộ, giáo viên trong nhà trường khuyến khích việc trồng cây xanh, thu gom CTRSH, hướng dẫn phân lọai CTRSH cho học sinh qua các bài học về BVMT. Các tổ chức xã hội tại địa bàn phường, xã, thị trấn khuyến khích các khu dân cư, thôn, xóm xây dựng đường làng ngõ xóm xanh-sạch-đẹp, kêu gọi gây quỹ từ việc thu gom CTRSH và phục vụ các hoạt động cộng đồng. Từ đó tạo ra ảnh hưởng tới thái độ tích cực thi đua BVMT tại địa phương.
Ba là, thường xuyên tổ chức các chiến dịch ra quân vệ sinh môi trường các khu công cộng với sự kết hợp giữa các Đoàn, Đội, Hội. Kết nối các doanh nghiệp, tuyên truyền, mở talkshows giới thiệu các sản phẩm tái chế, các sản phẩm thân thiện với môi trường cho người dân để từ đó thay đổi thói quen sử dụng và giảm thiểu những tác động ảnh hưởng đến môi trường, sự phát triển bền vững.
Tài liệu tham khảo
[1] Bộ Tài nguyên và Môi trường (2019), Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2019, Chuyên đề: Quản lý chất thải rắn sinh hoạt, Hà Nội.
[2] Bộ Tài nguyên và Môi trường (2023), Tác động của chất thải rắn sinh hoạt đến sức khỏe cộng đồng, Hà Nội.
[3] Châu Loan (2022), Nam Định nỗ lực thu gom, xử lý, phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, Tạp chí Môi trường, Hà Nội.
[4] Cục Thống kê Nam Định (2022), Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tỉnh Nam Định năm 2022, Nam Định.
[5] Hoàng Nam (2021), Bảo vệ môi trường biển: Tình trạng ô nhiễm ở mức đáng báo động, Hà Nội.
[6] Lâm Hà (2021), Tác động của chất thải rắn sinh hoạt với môi trường tự nhiên của Việt Nam, Tạp chí Môi trường Đô thị Việt Nam, Hà Nội.
[7] Huỳnh Thị Đan Xuân, Khổng Tiến Dũng,.. (2021), “Ứng dụng mô hình đánh giá tổng hợp DPSIR trong nghiên cứu thực trạng quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở Đồng bằng sông Cửu Long”. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 57, Số Chuyên đề Môi trường và Biến đổi khí hậu (2021)(1): 108-120
[8] Nguyễn Thanh Hiệp (2019),“Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi dự định của người dân trong hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương”, luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.
[9] Nguyễn Văn Phước (2008), Giáo trình quản lý và xử lý chất thải rắn, NXB Xây dựng, Hà Nội.
[10] Quốc hội (2020), Luật Bảo vệ môi trường 2020 số 72/2020/QH14, Hà Nội.
[11] Sở Tài nguyên và Môi trường (2020), Báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Nam Định thời kỳ 2016 - 2020, Nam Định.
[12] Tăng Văn Dũng (2020), “Hiện trạng và sự sẵn lòng chi trả của hộ gia đình đối với dịch vụ thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại huyện Châu Phú, tỉnh An Giang”, An Giang.
[13] UBND tỉnh Nam Định (2017), Quyết định: Ban hành quy định mức giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn các huyện thuộc tỉnh Nam Định, Nam Định.
[14] Chen Wang, Zhongzhu Chu, Wei Gu (2021), “Participate or not: Impact of information intervention on residents’ willingness of sorting municipal solid waste”, China.
[15] Cổng thông tin điện tử tỉnh Nam Định,<https://namdinh.gov.vn/portal/Pages/dieu_kien_tu_nhien.aspx>, ngày truy cập 22/05/2023
Phạm Thị Diễm Phương, Hoàng Thị Huê,
Nguyễn Xuân Lan, Bùi Thị Thanh Thủy
Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội
Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội