Nhiệt độ gia tăng, khoảng 83 triệu người có nguy cơ tử vong
Nghiên cứu chỉ ra rằng, tỉ lệ tử vong cao nhất do nhiệt độ Trái Đất gia tăng dự kiến xảy ra tại những khu vực nóng nhất và nghèo nhất trên thế giới, bao gồm châu Phi, Trung Đông và Nam Á.
Theo nghiên cứu được công bố mới đây của Viện Trái Đất thuộc Trường Đại học Columbia (Mỹ), nhiệt độ gia tăng do khí thải nhà kính có thể cướp đi sinh mạng của khoảng 83 triệu người (tương đương dân số của cả nước Đức) tính đến năm 2100. Trong đó, tỉ lệ tử vong cao nhất dự kiến xảy ra tại những khu vực nóng nhất và nghèo nhất trên thế giới, bao gồm châu Phi, Trung Đông và Nam Á.
Dựa trên các mô hình được phát triển bởi chuyên gia kinh tế môi trường từng đoạt giải Nobel William Nordhaus, tác giả nghiên cứu Daniel Bressler đã tính toán số ca tử vong trực tiếp vì nắng nóng có liên quan đến tình trạng nóng lên trên toàn cầu hiện nay. Trong đó, ước tính của tác giả không bao gồm số người thiệt mạng do mực nước biển dâng cao, siêu bão, mất mùa hay tình hình bệnh dịch thay đổi do sự ấm lên của khí quyển.
Theo tính toán dựa trên kịch bản nhiệt độ Trái Đất tăng thêm 4,1 độ C đến năm 2100, mỗi 4.434 tấn carbon thải vào khí quyển Trái Đất trong năm 2020 sẽ giết chết 1 người trong thế kỷ này.
Thực tế cho đến thời điểm hiện tại, Trái Đất đã nóng lên khoảng 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Khối lượng khí ô nhiễm thải ra trong suốt cuộc đời của trung bình 3 công dân Mỹ sẽ góp phần gây ra cái chết của 1 người khác.
Nghiên cứu của tác giả Bressler khẳng định, chi phí xã hội do khí thải carbon gây ra có thể rơi vào mức 258 USD/tấn, cao hơn nhiều so với con số 51 USD/tấn do chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đề ra hồi tháng 2, nếu các nền kinh tế trên toàn thế giới nỗ lực để làm suy giảm lượng người thiệt mạng do nóng lên toàn cầu.
Ngoài ra, việc tăng phí carbon có thể lập tức cắt giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, từ đó cứu thêm nhiều mạng người. Giới hạn mức tăng nhiệt độ trung bình lên 2,4 độ C vào cuối thế kỷ này, so với mức giảm thải tối thiểu như hiện nay khiến nhiệt độ toàn cầu tăng 3,4 độ C, có thể cứu 74 triệu người khỏi cái chết vì nắng nóng.
“Để làm được điều này, Chính phủ các nước cần triển khai nhiều chính sách lớn liên quan đến định giá carbon, mua bán khí phát thải, đầu tư công nghệ carbon thấp và lưu trữ năng lượng”, ông Bressler nhấn mạnh.
Trước đó, nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Climate Change đã chỉ ra rằng, hơn một phần ba số ca tử vong do nhiệt trên thế giới mỗi năm là do ảnh hưởng trực tiếp của sự nóng lên toàn cầu. Hàng chục nhà nghiên cứu đã xem xét các trường hợp tử vong do nhiệt ở 732 thành phố ở 43 quốc gia trên toàn cầu từ năm 1991 và tính toán ra rằng 37% số ca tử vong là do nhiệt độ cao hơn từ sự nóng lên toàn cầu.
Theo các nhà khoa học, khi nhiệt độ tăng lên, các đợt nắng nóng gay gắt và thường xuyên hơn sẽ ảnh hưởng không cân đối đến người cao tuổi và những người mắc các bệnh mãn tính tiềm ẩn như hen suyễn, khiến họ dễ mắc bệnh và tử vong sớm.
Sự ấm lên của Trái Đất còn được ghi nhận đáng chú ý nhất ở khu vực Bắc Á, đặc biệt là Bắc Cực. Vào ngày 20/6/2020, nhiệt độ ở Thị trấn Verkhoyansk (thuộc Siberia, Nga, nơi được biết đến với cái lạnh cực độ) đã tăng vọt lên mức 38,0 độ C, đánh dấu nhiệt độ nóng nhất từng được ghi nhận ở phía Bắc vòng Bắc Cực.
Nhiệt độ tăng lên đã khiến cho băng biển ở khu vực Bắc Cực tiếp tục tan chảy. Viện Khí tượng Đan Mạch ghi nhận diện tích băng biển tại Bắc Cực trong tháng 10/2020 ở mức thấp kỷ lục trong ít nhất 40 năm qua, đạt 6,5 triệu km2 do nước biển ấm bất thường. Trong năm 2020, khối băng lớn thứ 2 thế giới là Greenland cũng đã mất đi 152 tỉ tấn băng do hiện tượng tan chảy. Đây là những nguyên nhân chính làm gia tăng mực nước biển toàn cầu trong những năm gần đây.
Theo Báo cáo Tình trạng khí hậu toàn cầu năm 2020 của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) công bố vào tháng 12/2020, nhiệt độ trung bình toàn cầu trong năm vừa qua cao hơn khoảng 1,2 độ C so thời kỳ tiền công nghiệp (giai đoạn 1850-1900). Mức tăng này cũng tương tự với con số công bố vào đầu tháng 1/2021 của Cơ quan Theo dõi biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu (EU - C3S). Với mức nền nhiệt đó, năm 2020 trở thành một trong 3 năm nóng nhất từng được ghi nhận trên Trái Đất trong lịch sử và cũng khép lại một thập kỷ có nhiệt độ cao kỷ lục do tác động của biến đổi khí hậu.
Lan Anh (T/h)