Nhiều cây sưa đỏ ở Hà Nội bị chết: Xem xét trách nhiệm thế nào?
Chuyện cây sưa ở Hà Nội bị chết, chặt trộm không còn là mới. Do giá gỗ sưa đắt, lợi dụng đêm tối mưa, gió bão, thời gian qua một số đối tượng đã thực hiện chặt trộm đem bán cho thương lái nước ngoài.
Mới đây, tại Hà Nội tiếp tục có 7 cây sưa đỏ bị chết do đánh chuyển để nhường đất cho công trình giao thông. Điều đó đang dấy lên lo ngại về sự suy giảm số lượng cây sưa có đường kính từ 14-60 cm tại Thủ đô.
Vừa qua, để thi công nút giao giữa đường Hoàng Quốc Việt, đường Nguyễn Văn Huyên (Nghĩa Đô - Cầu Giấy), Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội đã có văn bản đề nghị với Sở Xây dựng thành phố về việc đánh chuyển, dịch chuyển một số cây xanh trong vùng ảnh hưởng. Sau khi xem xét, ngày 11/3/2020 Sở Xây dựng Hà Nội đã cấp giấy phép số 15/GP-SXD về việc cho phép chặt hạ, dịch chuyển 125 cây xanh thuộc khu vực trên.
Theo đó, dịch chuyển là 110 cây; trong đó, đáng chú ý có 34 cây sưa (đường kính thân từ 14-30 cm, chiều cao vút ngọn là từ 5 – 7 m); chặt hạ 15 cây (cong, sâu mục, không đúng chủng loại cây đô thị).
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm toàn bộ trong quá trình chặt hạ, dịch chuyển cây xanh. Cùng với đó, thực hiện lựa chọn các đơn vị có đủ năng lực theo quy định hiện hành để chặt hạ, dịch chuyển chăm sóc cây đảm bảo sinh trưởng ổn định…
Đáng chú ý, đối với 34 cây sưa (tạm xác định là sưa đỏ thuộc danh mục gỗ quý hiếm, theo Nghị định 32/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ), trong quá trình dịch chuyển phải thực hiện cắt tỉa cành nhánh, thu hồi cành gỗ theo quy định. Cây trồng phải được bảo vệ, chống giữ thân chắc chắn, ngay thẳng. Sau khi dịch chuyển cây sẽ phải được trồng ngay và chăm sóc. Sau một năm trồng, cây mới được bàn giao lại cho nhà nước quản lý.
Trao đổi với Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội được biết, đến thời điểm ngày 5/3, đơn vị chưa nhận bàn giao số cây sưa trên từ Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố để chăm sóc theo quy định.
Ghi nhận tại đường hè Nguyễn Văn Huyên mới, hàng cây sưa được trồng ngay ngắn, có gông, rào sắt bảo vệ. Tuy nhiên, một số cây có hiện tượng cành khô, không có lá. Trên cành và phần thân, gốc có cây bị bong tróc vỏ, trơ lõi gỗ, dáng vẻ bề ngoài cho thấy nhiều cây không còn khả năng sinh trưởng.
Để thực hiện việc dịch chuyển và trồng lại số cây sưa trên sang bên hè đường Nguyễn Văn Huyên mới, phía Ban Quản lý dự án đầu tư công trình xây giao thông Hà Nội đã thuê Công ty TNHH Tư vấn, thương mại Thành Công Xanh triển khai. Qua nhiều đợt kiểm tra đánh giá vào những thời điểm khác nhau trong năm 2020 và 2021, Ban Quản lý dự án đầu tư công trình xây giao thông Hà Nội nhận thấy ngoài những cây sưa sinh trưởng bình thường thì có 7 cây sưa đã chết.
Trước thực tế này, Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội đã có văn bản báo cáo Sở Xây dựng Hà Nội về hiện trạng số cây chết, đề xuất được trồng thay thế và thanh lý cây sưa chết theo quy định của nhà nước.
Việc đánh chuyển, thậm chí chặt hạ cây xanh khi xây dựng công trình công ích là việc tất yếu. Còn khi được yêu cầu giữ lại số cây xanh để trồng sang vị trí khác thì cây có thể bị chết trong quá trình đánh chuyển là bình thường. Nhưng ở đây là cây sưa đỏ, loại có giá trị kinh tế đặc biệt cao, thì thiết nghĩ cần có phải có một quy trình đánh chuyển, trồng lại đặc biệt hơn.
Ở đây, theo giấy phép số 15/GP-SXD do Sở Xây dựng thành phố Hà Nội ban hành có ghi rõ: "Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm toàn bộ trong quá trình triển khai thực hiện chặt hạ, dịch chuyển cây xanh".
Nhìn nhận dưới góc độ lâm nghiệp, Tiến sỹ Đặng Văn Hải, Trường Đại học Lâm Nghiệp Việt Nam cho biết, việc cây chết khi trồng lại là khó tránh khỏi. Song, hiện nay khoa học hiện đại cho phép ứng dụng nhiều biện pháp để cây có thể bén rễ, xanh cành sau ít ngày đánh chuyển. Có điều, cần phải rà soát xem đơn vị thực hiện dịch chuyển có làm đúng quy trình không (cắt cành, kích thích rễ, đánh bầu, phân mùn, bọc thân…); trong quá trình trồng có được chăm sóc theo quy định như gông, chống như thế nào.
Đặc biệt, theo Tiến sỹ Đặng Văn Hải phải kiểm tra xem có sự tác động ác ý của con người làm cho cây bị chết không. "Vì giá sưa rất cao, theo giá "chợ đen", một cân lõi gỗ sưa đỏ ở mức hàng chục triệu đồng nên không loại trừ có những kẻ động cơ xấu muốn cây chết để đem bán đấu giá, họ thu mua hưởng lợi". Vị chuyên gia còn nhìn nhận về khía cạnh việc lựa chọn đơn vị tham gia đánh chuyển, trồng lại. Đó là, năng lực triển khai công việc, kinh nghiệm tương tự chưa, tham vấn các nhà chuyên môn thế nào? Những vấn đề này cũng cần được làm rõ, khi nhiều cây sưa bị chết.
Dưới góc độ pháp lý, Thạc sỹ, luật sư Nguyễn Văn Hà (Văn phòng Luật sư Hà An và cộng sự tại Long Biên) phân tích, cây xanh đường phố là tài sản của nhà nước, hiển nhiên nó phải được bảo vệ. Do vậy, cần thiết có Công an vào cuộc tìm hiểu xem là cây chết do đâu. Trong trường hợp tìm ra nguyên nhân từ ý thức chủ quan sẽ bị xử lý đến mức hình sự. Ngoài ra, đơn vị cá nhân làm chết cây còn có thể phải bồi thường thiệt hại cho nhà nước, có làm như vậy mới tránh được sự việc tương tự đối với cây xanh.
Mạnh Khánh