NHNN tăng lãi suất điều hành nhằm ổn định thị trường tiền tệ, kiểm soát lạm phát
Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nâng lãi suất điều hành lần thứ 2 trong vòng 1 tháng qua là giải pháp chủ động, linh hoạt ổn định thị trường tiền tệ, ứng phó xu hướng lạm phát và tăng lãi suất trên thế giới.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh các mức lãi suất điều hành hiện tại, nâng thêm 1% và có hiệu lực từ 25/10. Đây là lần nâng lãi suất điều hành thứ 2 của Ngân hàng Nhà nước trong vòng một tháng qua.
Việc điều chỉnh này nhằm ổn định thị trường tiền tệ, đặc biệt là sự chủ động, linh hoạt để ứng phó với tình trạng lạm phát và lãi suất của nhiều nước trên thế giới đang có chiều hướng tăng cao.
Xu hướng điều chỉnh lãi suất trên toàn cầu
Lạm phát tăng cao kỷ lục đã buộc nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới phải ứng phó bằng cách thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay nhất trong vòng 15 năm qua.
Các số liệu thống kê cho thấy: Tính đến cuối tháng 9 vừa qua, khoảng 90 nền kinh tế trên toàn cầu đã thực hiện 257 lượt tăng lãi suất, cao hơn gấp đôi cả năm ngoái. Xu hướng tăng lãi suất đã diễn ra trên diện rộng, từ các nền kinh tế lớn như Mỹ hay châu Âu, cho tới các nền kinh tế mới nổi.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) là một trong những ngân hàng trung ương lớn tỏ ra quyết liệt nhất trong cuộc chiến chống lạm phát, khi đã tiến hành tổng cộng 5 đợt tăng lãi suất kể từ đầu năm tới nay. Các ngân hàng trung ương Anh, Australia hay Canada đều đã triển khai các biện pháp tương tự, trong khi ngân hàng trung ương châu Âu cũng tiến hành những đợt tăng lãi suất đầu tiên sau hơn 10 năm.
Tại các nền kinh tế mới nổi, lạm phát cao cũng buộc giới hoạch định chính sách phải mạnh tay hành động. Theo Reuters, quy mô các đợt tăng lãi suất mà nhóm này thực hiện kể từ đầu năm tới nay, hiện đã cao gấp đôi so với cả năm 2021.
Những dự báo về chính sách lãi suất của FED vào cuối năm
Hiện mọi sự chú ý của thị trường toàn cầu đang đổ dồn về hai cuộc họp chính sách cuối năm của FED, ngân hàng trung ương có ảnh hưởng lớn nhất thế giới. Cuộc họp kế tiếp sẽ diễn ra ngay trong tuần tới.
Việc FED tiếp tục tăng lãi suất đã là điều gần như chắc chắn. Vấn đề đang được giới đầu tư quan tâm, là liệu FED sẽ có lộ trình chính sách như thế nào?
Trong một phát biểu hồi tuần trước, Chủ tịch FED chi nhánh Philadelphia, ông Patrick Harker đã thể hiện quan điểm kiên định về việc ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tiếp tục tăng lãi suất để kìm đà leo thang giá cả. Ông cho biết: Đây là điều cần thiết, bởi "Số liệu lạm phát hiện vẫn chưa như mong muốn, nên lãi suất của FED có thể vượt mức 4%".
Quan điểm trên cũng nhận được sự đồng thuận của giới phân tích. 95% số chuyên gia được Reuters khảo sát đều bày tỏ tin tưởng rằng, FED sẽ tiến hành tăng lãi suất thêm 0,75 điểm % trong cuộc họp chính sách diễn ra vào tuần đầu tiên tháng 11tới.
Theo Thời báo Phố Wall, giới chức FED hiện vẫn đang bất đồng trong vấn đề tăng lãi suất tại cuộc họp vào tháng 12. Nhiều quan chức vẫn chủ trương duy trì đà tăng mạnh, Tuy nhiên, một số quan chức khác lại đang ủng hộ việc thực hiện mức tăng chậm hơn, để giảm bớt rủi ro cho nền kinh tế.
Kịch bản phổ biến nhất có thể xảy ra là các quan chức FED sẽ chấp thuận mức tăng 0,75 điểm % vào tháng 11, và 0,5 điểm % vào tháng 12. Còn trong năm 2023, các nhà hoạch định chính sách sẽ tiến hành nâng lãi suất dựa trên các số liệu kinh tế mới, với mức tăng có thể cao hơn một chút so với dự báo được đưa ra hồi tháng 9.
Nhiều ngân hàng thương mại tăng kỳ hạn ngắn lên mức kịch trần
Sau quyết định tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng nhà nước có hiệu lực từ ngày 25/10, một số ngân hàng thương mại đã điều chỉnh tăng lãi suất ở các kỳ hạn dưới 6 tháng lên kịch trần cho phép.
Trong đó, Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á (BacABank) nâng lãi suất tiền gửi 1-5 tháng từ 5%/năm lên kịch trần 6%/năm.
Với kỳ hạn dài hơn, ngân hàng không điều chỉnh so với ngày 10/10.
Hiện ngân hàng này đang niêm yết lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-9 tháng 7,6%; kỳ hạn 10-11 tháng ở mức 7,7%/năm. Ở kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động BacABank hiện ở mức 8%/năm; 13-15 tháng là 8,1%/năm.
Hiện tại, 8,2%/năm đang là mức lãi suất cao nhất được ghi nhận tại Ngân hàng Bắc Á áp dụng cho các kỳ hạn từ 18 tháng đến 36 tháng.
Một số ngân hàng khác như Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương tín (Sacombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeaBank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế (VIB) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc dân (NCB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng đã tăng mạnh lãi suất các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng từ 4,1%-4,6%/năm trước đó lên 5,6%-6%/năm theo biểu lãi suất mới, tương đương mức tăng 1,4%-1,5% cho các ký hạn từ 1 đến dưới 6 tháng.
Riêng Sacombank đã điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-11 tháng từ mức 5,8%-6,3%/năm lên 7%-7,25%/năm với kênh quầy, còn gửi online sẽ được cộng thêm từ 0,25%-0,5%, hiện mức cao nhất của ngân hàng này là 7,75%/năm.
Các ngân hàng lớn như Agribank, Vietinbank, Vietcombank, BIDV cũng đang cân nhắc trước chính sách lãi suất mới của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, các ngân hàng này đang phối hợp để có sự đồng thuận điều chỉnh lãi suất tiền gửi nhằm giúp thị trường tránh sự xáo trộn.
Bà Phùng Nguyễn Hải Yến -Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết: "Chúng tôi luôn luôn điều chỉnh lãi suất ở mức thấp hơn thị trường và cũng thấp hơn điều hành của Ngân hàng Nhà nước, về cơ bản sẽ cũng không tăng hết mức 1% và làm sao đảm bảo phù hợp với thị trường, đảm bảo tình hình huy động vốn của ngân hàng."
Trên thực tế, việc tăng mạnh lãi suất tiền gửi 1%-2%/năm chỉ trong vòng hơn 1 tháng đã có tác động lớn tới mặt bằng chi phí huy động đầu vào, từ đó ảnh hưởng tới biên lợi nhuận của các ngân hàng. Bởi vậy, không khó hiểu khi việc điều chỉnh lãi suất được các ngân hàng cân nhắc thận trọng.
Tăng lãi suất nhằm giảm sức ép lên lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô
Theo các chuyên gia, quyết định tăng lãi suất điều hành từ ngày 25/10 của Ngân hàng Nhà nước là bước đi tiếp theo sau khi cơ quan này nâng biên độ tỷ giá giao ngay giữa đồng Việt Nam và USD.
Bên cạnh đó, sự phối hợp đồng bộ giữa các công cụ chính sách tiền tệ sẽ góp phần đạt được các mục tiêu quan trọng như giảm bớt áp lực lên mặt bằng lãi suất, tỷ giá trong nước và sức ép của lạm phát để ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi trong bối cảnh đồng USD lên giá mạnh.
Theo TS.Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nhận định: "Nếu không tăng lãi suất thì đồng nghĩa là tự phá giá đồng tiền của mình, điều này ảnh hưởng tới giá nhập khẩu của chúng ta, vì thế, Ngân hàng Trung ương buộc phải tăng lãi suất để tương thích với giá USD, đây là xu hướng chung của các Ngân hàng Trung ương thế giới".
Quan trọng hơn, việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất là để tránh tạo ra khoảng cách quá lớn trong điều hành so với mặt bằng chung xu hướng của nhiều quốc gia lớn trên thế giới, từ đó, giúp giữ chân các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Đặc biệt, cũng có ý kiến cho rằng: Trong bối cảnh lạm phát ở Việt Nam còn “thấp,” vẫn dưới mức mục tiêu 4% mà Quốc hội đặt ra từ đầu năm, mục đích nâng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước là để bảo vệ tỷ giá, chứ không phải kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý rằng mức lạm phát theo tháng ở Việt Nam đã tăng khá mạnh trong năm nay.
Một điều quan trọng nữa là kỳ vọng lạm phát. Lạm phát hiện tại có thể vẫn dưới mục tiêu, trong vòng kiểm soát, nhưng kỳ vọng lạm phát vẫn còn nguyên, càng tăng tiến theo đà tăng một cách “bướng bỉnh” của lạm phát ở nhiều nước trên thế giới, bất chấp các đợt các ngân hàng trung ương tăng lãi suất rầm rộ.
Bởi vậy, việc tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước là tất yếu. Nhưng không chỉ có tác dụng giảm áp lực lạm phát và lạm phát kỳ vọng, tăng lãi suất tất nhiên còn hỗ trợ tỷ giá nên gián tiếp giảm áp lực lạm phát. Do đó, dù mục đích tăng lãi suất lần này là để làm gì thì chỉ cần biết tăng lãi suất là điều bắt buộc phải làm.
Theo nhiều chuyên gia, việc điều chỉnh tăng lãi suất sẽ thu hút được nguồn tiền nhàn rỗi của người dân, doanh nghiệp, nhất là những người gửi tiết kiệm không kỳ hạn.
Trước đó, đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, Ngân hàng Nhà nước đã tăng từ 0,2% lên 0,5%/năm từ ngày 23/9. Như vậy, chỉ sau hơn 1 tháng, trần lãi suất đối với loại tiền gửi này đã tăng tới 0,8% và tính theo lần thì mức tăng là gấp 5 lần.
Như vậy, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn tăng mạnh sẽ giúp người gửi tiền (cả có kỳ hạn hay không kỳ hạn) đều có lợi hơn so với trước.
An Như