Chủ nhật, 24/11/2024 05:39 (GMT+7)
Thứ sáu, 27/11/2020 06:15 (GMT+7)

Nhựa đang dần ‘chiếm lĩnh’ Trái đất

Theo dõi KTMT trên

Mỗi năm, thế giới thải ra 300 triệu tấn rác thải nhựa, gần 1/3 số túi nilon con người thải ra không được thu gom và xử lý. Hơn 9,1 tỉ tấn rác thải nhựa đang tích tụ trên Trái đất.

Nhựa có ở khắp mọi nơi

Nghiên cứu mới công bố trên tạp chí One Earth phân tích các mẫu tuyết và nước suối được thu thập bởi một đoàn thám hiểm National Geographic vào năm 2019. 

Những mẩu nhựa nhỏ bé được tìm thấy trong bán kính vài trăm mét từ đỉnh núi 8.850 m. Vi hạt nhựa xuất hiện trong tất cả các mẫu tuyết được thu thập từ 11 địa điểm trên Everest, có độ cao từ 5.300 m đến 8.440 m.

Các nhà khoa học tìm thấy trung bình 30 hạt vi nhựa trên một lít nước trong các mẫu tuyết và 119 hạt mỗi lít trong nhóm bị ô nhiễm nhiều nhất. Họ cũng đánh giá các mẫu nước suối từ 8 địa điểm, nhưng chỉ 3 mẫu có vi nhựa, có lẽ vì các dòng suối có thể rửa sạch ô nhiễm.

Nhựa đang dần ‘chiếm lĩnh’ Trái đất - Ảnh 1
Rác thải nhựa đang dần chiếm lĩnh Trái đất. (Ảnh minh họa)

Nồng độ vi nhựa cao nhất được tìm thấy xung quanh trại tập trung, nơi người leo núi và người đi bộ dành nhiều thời gian tập trung và nghỉ ngơi. Các nhà khoa học cho biết hạt vi nhựa có thể đến từ quần áo, lều và dây thừng được sử dụng bởi những người leo núi.

Ngoài ra, phát hiện khác gần đây về ô nhiễm vi nhựa ở những vùng xa xôi của dãy núi Alps của Thụy Sĩ và dãy núi Pyrenees của Pháp cho thấy các hạt này cũng có thể được gió mang đi từ những vùng xa hơn.

Imogen Napper - trưởng nhóm nghiên cứu từ tại Đại học Plymouth (Anh) - cho biết: “Tôi thực sự ngạc nhiên khi tìm thấy vi nhựa trong mỗi mẫu tuyết mà tôi phân tích. Đỉnh Everest là nơi mà tôi luôn coi là xa xôi và hoang sơ”.

Vi nhựa còn tồn tại rất nhiều trong lòng đại dương. Ô nhiễm nhựa trên biển còn sâu hơn nhiều so với mảng rác nổi ở Thái Bình Dương. Các nhà khoa học đã tìm được các sợi nhựa và mảnh vỡ từ ruột của sinh vật sống trong các rãnh đại dương xung quanh Vành đai Thái Bình Dương. Trong số 90 loài giáp xác được phân tích trong một nghiên cứu năm 2019, 65 loài ở độ sâu nhất là từ 10.890 m xuống rãnh Mariana chứa vi nhựa. Trong một nghiên cứu khác, các nhà nghiên cứu lấy mẫu nước ở Vịnh Monterey cho thấy rằng các mảnh vụn nhựa đang tích tụ bên dưới bề mặt và phổ biến nhất ở độ sâu 200 đến 600 m.

Và vi nhựa còn xuất hiện trong những lõi băng ở Bắc Cực. Kết quả của một nghiên cứu năm 2018 đã cho biết hàng triệu đến hàng chục triệu mảnh vi nhựa trên mỗi mét khối từ lõi băng ở Bắc Cực tan chảy. Nhóm nghiên cứu đã xác định được 17 loại nhựa, bao gồm một số loại được sử dụng trong vật liệu đóng gói và một số loại khác được sử dụng trong sơn hoặc sợi. Một báo cáo khác năm 2020 cho thấy mật độ vi nhựa thấp hơn trong lõi băng biển, dao động từ 2.000 đến 17.000 hạt nhựa trên một mét khối. Nghiên cứu năm 2020 cũng cho thấy rằng nước bên dưới những tảng băng trôi chứa từ 0 đến 18 hạt vi nhựa trên một mét khối.

Vi nhựa có cả trong ruột của con người. Một nghiên cứu năm 2019 ước tính rằng một người Mỹ trung bình tiêu thụ từ 39.000 đến 52.000 miếng vi nhựa mỗi năm. Các nhà nghiên cứu đưa ra con số này bằng cách dựa trên các nghiên cứu trước đây đã khảo sát các mảnh nhựa trong vòi nước và nước đóng chai và trong một số mặt hàng thực phẩm, chẳng hạn như cá, đường, muối và rượu.

Và những con số vẫn không ngừng gia tăng

Mỗi năm thế giới thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa, gần tương đương với trọng lượng của toàn bộ dân số toàn cầu. Loại chất dẻo này chiếm 10% tổng lượng chất thải hiện đang tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế và sức khỏe con người.

Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, lượng rác nhựa mỗi năm đủ để bao quanh Trái đất 4 lần và phải mất đến hàng nghìn năm mới có thể phân hủy. Trong thời gian chờ từng ấy rác nhựa biến mất thì chúng ta lại tiếp tục thải ra nhiều hơn, đồng nghĩa với việc phải gánh chịu những hậu quả.

Mỗi phút, toàn thế giới tiêu thụ 1 triệu chai nhựa, trong khi mỗi năm có đến 5.000 tỉ túi nhựa dùng một lần được sử dụng. Tổng cộng có một nửa số sản phẩm nhựa là loại chỉ để dùng một lần, từ ống hút, dây câu cá tới tã trẻ em hay túi bọc đồ. Đó là những con số kinh hoàng về ô nhiễm môi trường mà con người đang gây ra.

Gần 1/3 số túi nilon mà con người sử dụng không được thu gom và xử lý. Khoảng 12,7 triệu tấn rác thải nhựa bao gồm túi, chai, bao bì thực phẩm sẽ đi vào đại dương, tàn phá môi trường biển và ảnh hưởng đến đời sống của các sinh vật. Tại Hội nghị Davos, Thụy Sĩ, báo cáo ước tính lượng rác thải nhựa thải xuống biển cho đến năm 2050 sẽ nhiều hơn lượng cá (tính theo trọng lượng).

Trong 50 năm qua, lượng nhựa được tiêu dùng đã tăng gấp 20 lần và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới. Giới phân tích đánh giá nếu nhịp độ sử dụng sản phẩm nhựa tiếp tục tăng như hiện nay, sẽ có thêm 33 tỉ tấn nhựa được sản xuất vào năm 2050 và như vậy sẽ có hơn 13 tỉ tấn rác thải nhựa được chôn lấp trong các bãi rác hoặc đổ xuống đại dương.

Minh Phương

Bạn đang đọc bài viết Nhựa đang dần ‘chiếm lĩnh’ Trái đất. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới