Chủ nhật, 24/11/2024 06:48 (GMT+7)
Thứ ba, 09/03/2021 14:28 (GMT+7)

Nhức nhối nạn 'chảy máu' tài nguyên

Theo dõi KTMT trên

Thời gian qua, tình trạng khai thác trái phép các loại khoáng sản như vàng, đất, cát, đá… diễn ra rầm rộ tại nhiều địa phương. Hoạt động khai thác một cách ồ ạt cũng đã khiến nhiều cánh rừng bị xóa sổ, những dòng sông bị ô nhiễm nặng...

So với các nước khu vực Đông Nam Á và thế giới, Việt Nam có diện tích đất liền không lớn, nhưng có vị trí địa chất, địa lý thuận lợi cho sự hình thành và phát triển khoáng sản; một số loại khoáng sản có trữ lượng đáng kể. Theo thống kê của Bộ TN&MT, nguồn tài nguyên khoáng sản của Việt Nam khá đa dạng và phong phú với trên 5000 mỏ, điểm quặng của khoảng 60 loại khoáng sản khác nhau nằm phân bố rải rác tại 46/63 tỉnh thành trên cả nước.

Một số địa phương có trữ lượng khoáng sản đa dạng về chủng loại được cấp phép khai thác như: Thái Nguyên (có 19 loại khoáng sản rắn), Sơn La (14 loại), Quảng Bình, Quảng Trị, Gia Lai, Hải Phòng, Yên Bái... Ngoài ra, còn có 18 khu vực có lượng khoáng sản phân tán nhỏ lẻ trên tổng diện tích 182,7 ha phân bố tại các tỉnh Lào Cai, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Thọ, Hải Dương, Nghệ An, Quảng Nam.

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, hoạt động khai thác khoáng sản đặc biệt là khai thác trái phép đã tác không nhỏ đến môi trường xung quanh. Biểu hiện rõ nét nhất là việc sử dụng thiếu hiệu quả các nguồn khoáng sản tự nhiên; tác động đến cảnh quan và hình thái môi trường; tích tụ hoặc phát tán chất thải; làm ảnh hưởng đến sử dụng nước, ô nhiễm nước, tiềm ẩn nguy cơ về dòng thải axit mỏ... Những hoạt động này đang phá vỡ cân bằng điều kiện sinh thái được hình thành từ hàng chục triệu năm, gây ô nhiễm nặng nề đối với môi trường, trở thành vấn đề cấp bách mang tính chính trị và xã hội của cộng đồng một cách sâu sắc.

Nhức nhối nạn 'chảy máu' tài nguyên - Ảnh 1
Việt Nam có vị trí địa chất, địa lý thuận lợi cho sự hình thành và phát triển khoáng sản. (Ảnh minh họa)

Nạn khai thác vàng trái phép ở Quảng Nam tại các huyện miền núi không chỉ làm mất rừng, mất đất sản xuất, gây ô nhiễm môi trường mà còn làm cho cuộc sống người dân nơi đây bị đảo lộn, tệ nạn xã hội ngày càng phát sinh,...

Riêng trong năm 2012, các cơ quan chức năng của tỉnh đã phá hủy, tịch thu 450 máy nổ, 30 máy phát điện, 40 máy xay đá, 10 xe múc, hàng nghìn lít dầu diesel; đồng thời phá hủy 327 lán trại và các thiết bị khai thác vàng trái phép, đuổi khỏi hiện trường hơn 1.230 lượt người; lập biên bản xử phạt 282 trường hợp vi phạm, với tổng số tiền 5,5 tỉ đồng.

Tuy nhiên, việc kiểm soát và quản lý tại các bãi vàng còn nhiều bất cập. Nhiều bãi vàng chậm đóng cửa mỏ khi đã hết thời gian hoạt động, khiến khai thác vàng trái phép càng thêm phức tạp.

Tại bãi vàng 38 thuộc xã Phước Hòa, trước đây UBND tỉnh Quảng Nam đã cấp phép khai thác cho Công ty TNHH Nguyên Thành Đạt (trụ sở tại thị trấn Khâm Đức, Phước Sơn). Tháng 8/2019, giấy phép đã hết thời hạn thăm dò. Từ đó đến nay, Công ty TNHH Nguyên Thành Đạt phớt lờ các thủ tục hồ sơ có liên quan, không thực hiện báo cáo đánh giá kết quả thăm dò trữ lượng.

Tương tự, mỏ vàng Bồng Miêu (huyện Phú Ninh) cũng trở thành điểm nóng khai thác trái phép, bởi mỏ vàng này vẫn chưa được đóng cửa. Theo báo cáo tài chính, tổng tài sản của Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu là hơn 302 tỉ đồng, trong khi tổng nợ doanh nghiệp này phải trả hơn 1.200 tỉ đồng. 

Mỏ than Suối Bàng tại Sơn La, có trữ lượng khoảng 237.500 tấn, nằm trên địa bàn xã Suối Bàng, huyện Vân Hồ (Sơn La).

Từ năm 2011, Công ty Cổ phần Khoáng sản Sơn La (Công ty KS) được UBND tỉnh Sơn La cấp giấy phép khai thác than số 1975/QĐ-UBND, ngày 30/8/2011.

Theo đó, đơn vị này được phép khai thác than tại điểm mỏ than Suối Bàng bằng phương pháp khai thác hầm lò trên diện tích gần 45 ha. Cũng theo giấy phép, Công ty KS được phép khai thác với công suất tối đa 25.000 tấn/năm, liên tục trong vòng 10 năm. Để được cấp phép, Công ty KS đã hoàn thiện các nội dung báo cáo cơ quan quản lý nhà nước như thiết kế mỏ, biện pháp bảo đảm an toàn khai thác, bảo vệ môi trường, ký, nộp quỹ môi trường, kế hoạch khai thác… Tuy nhiên, đó là các nội dung khai thác bằng phương pháp hầm lò. Trên thực tế, đơn vị khai thác không thực hiện đúng giấy phép được cấp mà tự ý khai thác theo phương pháp lộ thiên. Nhiều nội dung cam kết khác như trong giấy phép đề cập không được thực hiện.

Hệ quả là nhiều quả đồi bị đào xới tan hoang, hàng trăm ha rừng tự nhiên, rừng sản xuất “không cánh mà bay”. Nhiều km đường giao thông bị hàng đoàn xe tải hạng nặng ngày đêm quần nát. Bụi than, bụi đất vây phủ, bóp nghẹt không gian sống của các hộ dân sinh sống gần khai trường. Không những vậy, đơn vị khai thác còn ngang nhiên đổ thải theo dọc triền núi, gây ô nhiễm nguồn nước, khiến cho sản xuất của nhiều hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Nạn khai thác đá cảnh tại Nghệ An, địa điểm tại xã Nghĩa Hiếu, huyện Nghĩa Đàn đã tồn tại trong một thời gian dài. Mặc dù chính quyền đã tiến hành xử phạt nhưng các “đá tặc” vẫn tiếp tục phá nát các quả đồi, vườn cam để tìm cổ thạch. Thực tế, nhiều khu vực đồi xã Nghĩa Hiếu đã bị xé nát, hàng trăm tảng đá với khối lượng hàng ngàn m3 nằm ngổn ngang đang được chủ hàng chuẩn bị chuyển đi. 

Nhức nhối nạn 'chảy máu' tài nguyên - Ảnh 2
Tình trạng khai thác đá cảnh trái phép đang diễn ra rầm rộ tại xã Nghĩa Hiếu, Nghĩa Đàn, Nghệ An.

Việc khai thác khoáng sản trái phép diễn ra công khai, kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí năm này qua năm khác nhưng không bị cơ quan chức năng xử lý triệt để. Việc khai thác trái phép khiến tài nguyên bị thất thoát, môi trường bị ô nhiễm, gây sạt lở đất đai, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến dư luận bức xúc.

Hà Tĩnh: Xử phạt hơn 2,5 tỉ đồng vi phạm hoạt động khai thác khoáng sản trong năm 2020

Báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Trong năm 2020, đơn vị đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan đến lĩnh vực phụ trách. Được biết, các hoạt động liên quan đến khai thác khoáng sản, đất đai, môi trường, tài nguyên nước vẫn luôn thu hút sự quan tâm, theo dõi.

Trong đó, riêng hoạt động khai thác khoáng sản: Ban hành Quyết định số 181/QĐ-STNMT ngày 5/5/2020 về việc kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động khoáng sản và các quy định khác có liên quan đối với 55 tổ chức khai thác khoáng sản trên địa bàn.

Kết quả kiểm tra đã tham mưu UBND tỉnh Hà Tĩnh thu hồi 3 giấy phép khai thác khoáng sản, xử phạt vi phạm hành chính đối với hai tổ chức này với số tiền 862 triệu đồng; Thanh tra Sở TN&MT Hà Tĩnh cũng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm, xử phạt hành chính trong lĩnh vực khoáng sản 510 triệu đồng.

Ngoài ra, Sở TN&MT đã phối hợp với Công an tỉnh mở đợt cao điểm công tác kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, kết quả đã bắt giữ 167 vụ; xử lý 150 vụ, 185 đối tượng và xử phạt 317,8 triệu đồng; UBND các huyện, thị xã thường xuyên thực hiện việc kiểm tra, xử lý các đối tượng vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, bảo vệ môi trường trên địa bàn quản lý. Trong năm 2020, thực hiện xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực khoáng sản hơn 1,2 tỉ  đồng.

Minh Phương

Bạn đang đọc bài viết Nhức nhối nạn 'chảy máu' tài nguyên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới