Những cô giáo ngược núi dạy chữ
Ngày 20/11 năm nay đến với vùng đất biên cương Tổ quốc khác hơn mọi năm, nắng nhạt màu vàng mật, từng khóm lau ra hoa khoe sắc trong bình yên mênh mang của vạn vật, trời đất như muốn bù đắp cho những ngày mưa lũ lịch sử vừa diễn ra ở vùng đất này.
Từ sáng sớm các em học sinh mang những cành hoa lau bẻ dọc đường đến tặng cô giáo của mình. Điểm trường Cu Dong thuộc Trường mầm non Húc của huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) có ba cô giáo Đinh Thị Sương, Thái Nguyễn Thiên Lý, Lê Thị Yến đến dạy học từ nhiều năm nay. Cô giáo Đinh Thị Sương thay mặt đồng nghiệp nhận những món quà độc đáo từ các em mà cảm xúc rưng rưng. Dù là học sinh mẫu giáo nhưng các em vẫn biết, hàng năm có một ngày rất đặc biệt để tôn vinh nghề dạy học, là ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Bao năm nay, nhiều cô giáo mầm non miền xuôi vẫn miệt mài lên công tác ở vùng rẻo cao Quảng Trị. Các cô gửi lại con cái nhờ người thân chăm sóc để leo ngược lên những ngọn núi sừng sững giữa đại ngàn Trường Sơn, nơi có các bản làng người dân tộc thiểu số Vân Kiều, Tà Ôi để cắm bản dạy học. Có lẽ chưa bao giờ các cô có một ngày 20/11 đúng nghĩa, nhưng các cô không một lần than vãn trước khó khăn, gian khổ không nản chí, trên hết là lòng yêu nghề dạy học và tình thương các cô dành cho học sinh.
Điểm trường Cu Dong có 33 học sinh chia thành hai lớp ghép nhỡ và lớn, lớp còn lại là bé. Từ điểm trường trung tâm các cô phải đi bộ ba giờ đồng hồ với các cung đường địa hình đi xuống vực sâu, leo lên sườn núi rồi băng quả những quả đồi sạt lở lởm chởm mới đến được điểm trường Cu Dong, ở lại dạy học, một tuần mới về nhà một lần. Trường không có khu tập thể giáo viên nên các cô hàng đêm sắp sạp nghỉ ngơi ngay lớp học. Những đêm mưa lớn, trường thì nằm sát sông, sợ bị lũ cuốn trôi, các cô phải vào nhà dân bản xin ngủ nhờ. Gian nan, vất vả các cô đối mặt không thể nào kể hết được. Buổi sáng, nhiều lúc các gia đình chỉ đưa con đến bên kia suối, các cô phải lội qua suối đón các em vào lớp học. Buổi chiều, sau giờ tan học, các cô phải đưa các em đến từng nhà bàn giao học sinh cho phụ huynh hoặc người thân các cháu, khi đó mới hoàn thành nhiệm vụ dạy học của một ngày.
Các năm trước dân bản thường cho các cháu mang theo cơm ăn trưa. Thấy suất ăn không đủ dinh dưỡng, nhà trường bàn với phụ huynh thay đổi chất lượng cơm trưa cho các cháu bằng cách mỗi ngày phụ huynh nộp 10 nghìn đồng (trong đó có sáu nghìn được nhà nước hỗ trợ) để các cô lo bữa ăn. Nhưng đâu phải phụ huynh nào cũng có tiền để nộp, có cơm để mang cho con mình ăn trưa, rồi bà con dân bản lên xin cô nợ lại tiền, vài tháng sau vẫn không có trả. Thương các em như con đẻ, các cô phải vận động thêm tiền để mua thức ăn cho các cháu. Bếp nấu ăn được tổ chức ở thôn Tà Rùng, cách trường hơn một km. Cơm chín, các cô lại gùi về chia phần cho các cháu mỗi bữa.
Đợt lũ tháng mười vừa qua, điểm trường Mầm non Cu Dong tràn ngập bùn đất. Đồ dùng dạy học, đồ chơi cho các cháu ngập sâu dưới 0,5 m bùn do lũ mang theo. Nước rút, các cô phải tự dọn dẹp bùn đất trong lớp học, tìm lại từng món đồ chơi lau rửa, phơi khô để các cháu có sử dụng lại.
Xa nhất trong các điểm lẻ của Trường mầm non Húc là điểm Ho Le. Bên ánh sáng leo lắt của ngọn nến trong đêm tối, hai cô giáo cắm bản Nguyễn Thị Thanh và Trần Thị Tha lần mò sửa soạn từng món đồ chơi, bọc lại sách vở, lau chùi bàn ghế để các em kịp có học trở lại sau nhiều tuần phải nghỉ do thiên tai. Hệ thống điện thắp sáng của điểm trường đang bị hỏng, ngành điện chưa kịp khắc phục nên các cô phải dùng tạm đèn nến. Người dân tộc thiểu số Vân Kiều ở Ho Le cho biết Ho Le nghĩa là cổng trời nên có độ cao vời vợi, cao đến trời, xa xôi, hẻo lánh, núi non trùng điệp; chỉ nghe tiếng gió rít liên hồi; tiếng cây rừng tạo ra muôn ngàn âm thanh cũng đủ khiến những ai mới đến Ho Le cảm thấy khiếp sợ. Trưởng bản Hồ Văn Ưng cảm phục cho biết các cô rất gan dạ mới đến dạy học ở Ho Le. Dân bản biết ơn các cô giáo rất nhiều vì đã mang con chữ đến dạy cho học sinh.
Muốn đến được Ho Le dạy học các cô phải đi bộ từ thôn Húc Ván, đến Tà Ri 1 qua Tà Ri 2 hơn sáu cây số leo núi, bên dốc cao, bên vực thẳm. Mùa mưa bùn đất sục đến gần đầu gối, nhiều khi nhấc chân lên không nổi để bước tiếp. Ngồi tựa vách đá bên sườn núi nghỉ vài phút đợi khỏe lại rồi các cô tiếp tục qua suối Tà Ri, Ho Le mới đến được trường.
Điểm lẻ Ho Le chỉ có 20 học sinh học ghép các độ tuổi từ ba đến năm. Điểm trường này cũng áp dụng mô hình bán trú nửa dân nuôi để giúp các em giảm bớt thời gian đi bộ về nhà ăn trưa rồi quay lại trường, dành thời gian cho học tập. Phụ huynh mang gạo đến giao các cô; cùng với số tiền được nhà nước hỗ trợ mỗi ngày sáu nghìn đồng/em, các cô phải vừa dạy học vừa tự nấu ăn phục vụ các em như con của mình. Nhiều gia đình khó khăn không đủ gạo nộp hàng tuần, hàng tháng, thương các em không có ăn trưa, nhiều khi các cô phải lấy phần lương ít ỏi của mình mua thêm gạo bù vào các bữa ăn. Có hôm ngon miệng, học trò nhỏ bé không biết nên ăn hết luôn phần của cô giáo. Thấy như vậy các cô càng thương yêu hơn vì biết rằng ở gia đình các em thiếu đi những bữa ăn đủ dinh dưỡng.
Còn điểm lẻ Tà Rùng ở đối diện ngay khu rừng ma của người Vân Kiều. Cô giáo Hồ Thị Xuân kể, điểm trường xa nhà dân nên các cô phải nhờ công an, trưởng bản, phụ huynh luôn để chế độ điện thoại đổ chuông để đêm hôm có gì trở ngại ảnh hưởng đến sự an toàn các cô gọi điện kịp đến giúp đỡ. Điểm Tà Rùng có hai lớp học ghép 3,4 tuổi và 4 đến 5 tuổi. Trường nằm trên đồi cao nguy cơ sạt lở luôn chực chờ. Những ngày mưa lũ vừa qua tại Tà Rùng liên tiếp xảy ra sạt lở núi vùi lấp làm tám người dân thiệt mạng, trong đó có một học sinh mầm non của điểm lẻ Tà Rùng.
Cô Lê Thị Uyên Như, Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện miền núi Hướng Hóa cho biết, toàn huyện có hơn 350 cô giáo mầm non cắm bản. Không thể kể hết nổi gian lao vất vả của giáo viên cắm bản. Để dạy chữ cho các em, các cô phải chấp nhận nhiều thiệt thòi, hy sinh về mình để luôn tiến lên phía trước. Trên hết vẫn là lòng yêu thương con trẻ đã giúp các cô luôn yêu nghề dạy học, yêu học sinh dân bản còn chịu nhiều thiệt thòi mà quên nỗi nhọc nhằn hàng ngày với trách nhiệm không gì đong đếm được. Các cô biết các em mai này lớn lên sẽ trở thành những ngọn lửa thắp sáng tương lai cho bản làng. Ngoài giờ dạy học các cô cùng lúc phải đóng nhiều vai, còn là những cán bộ phụ nữ, cán bộ dân số thôn bản vận động người dân sinh đẻ có kế hoạch và biết tổ chức cuộc sống cũng như nội trợ gia đình một cách êm ấm.
Mấy mươi năm dạy học, gia tài các cô giáo để lại cho người dân tộc thiểu số giữa đại ngàn Trường Sơn là các thế hệ học sinh thân yêu, không ít em đã trở thành những giáo viên, cán bộ để tiếp tục dìu dắt bà con mình từng bước phát triển kinh tế, đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu, góp phần xây dựng, bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc.
Lâm Quang Huy