Những cổ phiếu nào miễn nhiễm trước tin đồn ngày 28/3?
Các nhóm ngành Thủy sản, Bán lẻ, Phân bón, Hóa chất đều đồng thuận bứt phá bên cạnh một số cổ phiếu nổi bật như FPT, VCS, BWE và bộ đôi HAG, HNG,... cũng ngược dòng tăng điểm.
Thị trường chứng khoán khởi đầu tuần mới (28/3) đầy sóng gió khi lực bán áp đảo, VN-Index có thời điểm mất gần 25 điểm trước khi cầu bắt đáy giúp chỉ số đóng cửa với mức giảm hơn 15 điểm. Dù vậy, vẫn có những nhóm cổ phiếu ngược dòng bứt phá thu hút dòng tiền giữa lúc thị trường đỏ lửa.
Nổi bật nhất là nhóm cổ phiếu Thủy sản với ACL, CMX, FMC, IDI đồng loạt "tím lịm", AAM cũng lộ trần trong khi VHC (+2,7%), MPC (+6,8%), ANV (+4,2%) đều tăng mạnh. Ngoại trừ MPC, AAM vẫn đang "lững thững", hầu hết các cổ phiếu trên đều đã vượt đỉnh trong phiên 28/3.
Sự bứt phá của cổ phiếu Thủy sản được hỗ trợ bởi thông tin tích cực đến từ số liệu xuất khẩu những tháng đầu năm. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết, tính đến 15/3/2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã chạm mốc 1,9 tỷ USD, tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Chứng khoán Mirae Asset, cá tra Việt Nam sẽ hưởng lợi trực tiếp từ việc Nga bị cấm vận.
Nhóm cổ phiếu Bán lẻ tiếp tục cho thấy sự bền bỉ khi MWG (+3,7%), DGW (+4,4%), PET (+4,8%), PSD (+2,5%) đều bứt phá mạnh. Trong đó, MWG đã tiến sát đến đỉnh cũ còn DGW và bộ đôi PET, PSD vẫn tăng không thấy đỉnh. FRT và PNJ là 2 cái tên trong nhóm này chững lại trong phiên hôm nay tuy nhiên mức việc điều chỉnh là cần thiết sau nhịp tăng mạnh gần đây.
Trong báo cáo triển vọng ngành Bán lẻ, SSI Research cho rằng nhu cầu về điện thoại di động và máy tính xách tay vẫn tăng trưởng trong năm 2022, mặc dù với tốc độ chậm hơn so với mức tăng trưởng 2 chữ số trong năm 2021. Với sự thiếu chip có thể sẽ kéo dài đến đầu năm 2023, các thương hiệu điện thoại di động cao cấp có thể vượt trội hơn do các công ty lớn có khả năng đàm phán tốt hơn để đảm bảo đủ chip trong sản xuất.
Nhóm cổ phiếu Hóa chất có một phiên đầy khởi sắc dưới sự dẫn dắt của DGC (+4,4%). Cổ phiếu này tiếp tục tăng mạnh lên lập đỉnh mới 234.900 đồng/cổ phiếu, xếp thứ 2 trên HoSE về thị giá. Vốn hóa thị trường cũng theo đó vượt 40.000 tỷ đồng. Theo sau là CSV (+6,4%), HVT (+2,8%) cũng đều tăng mạnh và đang "lăm le" vượt đỉnh bất cứ lúc nào.
Trong một báo cáo gần đây, SSI Research dự báo giá bán trung bình của phốt pho vàng của DGC sẽ tăng khoảng 25% so với cùng kỳ trong năm 2021, do nhu cầu cao từ các nhà sản xuất chip và và việc cắt giảm sản lượng phốt pho vàng ở Trung Quốc. Deloitte và IHS Markit đều có chung quan điểm rằng tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn có thể kéo dài đến đầu năm 2023 dẫn đến nhu cầu về phốt pho vàng từ các nhà sản xuất chip vẫn có thể tăng trong năm 2022.
Hưởng lợi kép từ hoạt động xuất khẩu khởi sắc và giá phân bón tăng mạnh, cổ phiếu Phân bón cũng không ngần ngại đi ngược thị trường phiên hôm nay. BFC (+5,3%), DPM (+1,7%), DCM (+4%) đều bứt phá để vượt đỉnh trong khi chỉ có LAS (+1%) cũng nhích nhẹ.
Ngoài các nhóm ngành có sự đồng thuận bứt phá đi ngược thị trường, một số cổ phiếu nổi bật như FPT, VCS, BWE hay bộ đôi HAG, HNG,... cũng tăng tích cực và dường như "miễn nhiễm" với những biến động của thị trường gây ra bởi tâm lý xao động của nhà đầu tư trước những luồng thông tin tiêu cực.
PV