Ninh Bình: Chủ động khoanh vùng, giám sát các ổ dịch sốt xuất huyết trên địa bàn
Để nâng cao hiệu quả phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, ngành Y tế tỉnh Ninh Bình đã chủ động khoanh vùng, giám sát các ổ dịch và tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường sống.
Tính đến ngày 8/8/2024, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã ghi nhận 21 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 6 ca nội tỉnh. Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, không chỉ ở những ổ dịch mới mà ngay cả những ổ dịch cũ cũng có nguy cơ cao bùng phát dịch.
Vừa qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp với Viện dịch tễ trung ương, Trung tâm Y tế huyện Yên khánh, thành phố Ninh Bình thu thập mẫu bọ gậy tại các khu vực có ổ dịch để tiến hành các xét nghiệm cần thiết nhằm đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh trên địa bàn, đưa ra các biện pháp xử lý, phòng chống hiệu quả.
Tại các nơi phát hiện ra ổ dịch mới, việc thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát về hoạt động xử lý ổ dịch sốt xuất huyết trên địa bàn được đảm bảo nghiêm túc, kịp thời và đúng quy trình. Trong đó, nhanh chóng xác định nguồn gốc dịch bệnh, tiến hành khoanh vùng, thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống, hạn chế thấp nhất nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Gần đây nhất, tỉnh này ghi nhận 1 ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh. Rất may, bệnh nhân đã được chẩn đoán, điều trị kịp thời và được xuất viện về nhà. Cán bộ y tế địa phương thường xuyên quan tâm, tuyên truyền, hướng dẫn hộ dân về cách diệt lăng quăng, bọ gậy ở quanh khu vực nhà ở, không để muỗi - vật trung gian gây bệnh có cơ hội phát triển.
Để tích cực, chủ động phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, ngành Y tế tỉnh Ninh Bình khuyến cáo người dân cần thực hiện thường xuyên các biện pháp phòng bệnh sau: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng (bọ gậy) bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ; lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá để không cho muỗi đẻ trứng; ngủ trong màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch, các chiến dịch diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường. Khi bị sốt thì đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, hiện chưa có vắc xin điều trị đặc hiệu và vắc xin tiêm phòng. Vì vậy, các địa phương cần chủ động về nhân lực, phương tiện vật tư, hóa chất phòng dịch. Người dân không được lơ là, chủ quan, mà luôn nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh mọi lúc, mọi nơi theo khuyến cáo ngành Y tế nhằm đảm bảo sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Sông Hồng