Nỗ lực chống ô nhiễm bụi mịn tại xứ sở chùa Vàng Thái Lan
Trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng trở nên trầm trọng, Thái Lan đặt mục tiêu giảm 10% số ngày bị ô nhiễm nặng ở thủ đô Bangkok và 17 tỉnh phía Bắc trong năm 2023 thông qua các nỗ lực kiểm soát chặt chẽ các nguồn bụi mịn PM 2.5.
Trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm bụi mịn trong không khí ngày càng trở nên trầm trọng ở Thái Lan, Trung tâm Giảm thiểu ô nhiễm không khí Thái Lan (CAPM) vừa thông báo sẽ đưa ra nhiều biện pháp toàn diện nhằm nỗ lực giải quyết vấn đề này.
Theo đó, Thái Lan đặt mục tiêu giảm 10% số ngày bị ô nhiễm nặng ở thủ đô Bangkok và 17 tỉnh phía Bắc trong năm 2023 thông qua các nỗ lực kiểm soát chặt chẽ các nguồn bụi mịn PM 2.5.
Ông Pinsak Suraswadi, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm Thái Lan mới đây cho biết chính phủ nước này đã thông qua kế hoạch đặc biệt nhằm giảm thiểu ô nhiễm khói mù vào năm tới. Theo đó, các biện pháp khác nhau sẽ được triển khai tại 3 khu vực trọng tâm của kế hoạch này gồm khu vực đô thị, nông nghiệp và rừng.
Lý giải nguyên nhân, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm Thái Lan cho hay, 63% lượng ô nhiễm khói mù trong thành phố chủ yếu là do hoạt động giao thông và các nhà máy. Do đó, Cục Kiểm soát ô nhiễm sẽ phối hợp với các đối tác như Cơ quan quản lý đô thị Bangkok nhằm thiết lập thêm các trạm kiểm soát khí thải từ các phương tiện giao thông.
Bên cạnh đó, Kế hoạch cũng đề xuất các trạm nhiên liệu của các Tập đoàn xăng dầu như Bangchak và PTT cung cấp xăng có hàm lượng sulfur dioxide (SO2) thấp nhằm giảm tỉ lệ bụi mịn trong mùa khói mù. Ngoài ra, Cục kiểm soát ô nhiễm sẽ tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng tất cả 896 nhà máy than, luyện sắt và xi măng ở thủ đô cũng như các tỉnh lân cận, vốn được coi là nguồn chính phát thải bụi mịn PM 2.5, để đảm bảo các cơ sở này tuân thủ những tiêu chuẩn khí thải.
Tại các khu vực nông nghiệp, Cục Khuyến nông (Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã) đặt mục tiêu giảm 10% số điểm nóng ô nhiễm tại các khu vực canh tác ở 62 tỉnh tại Thái Lan trong năm tới thông qua phối hợp chặt chẽ với nông dân nhằm ngăn chặn tình trạng đốt rơm rạ.
Chính quyền Thái Lan cũng đang nỗ lực giảm 20% số vụ cháy rừng bằng cách hạn chế nguồn chất đốt, đặt mục tiêu loại bỏ và tiêu hủy 3.000 tấn lá và cành khô, song song với tăng cường áp dụng hệ thống đánh giá nguy cơ hỏa hoạn.
Mức độ khói mù tại Thái Lan dự kiến có thể sẽ còn tệ hơn vào năm 2023 do thời tiết lạnh kéo dài và tác động của hiện tượng thời tiết La Nina suy giảm.
Trong những năm qua, chất lượng không khí ở thành phố gần 10 triệu dân đã giảm rõ rệt trong những năm gần đây. Năm 2020, nhiều dự án xây dựng lớn được yêu cầu tạm dừng để không khiến tình trạng tồi tệ hơn. Thành phố cũng thiết lập nhiều trạm kiểm soát để kiểm tra lượng khí thải của các phương tiện giao thông, theo Reuters. Tuy nhiên, cuộc sống của người dân Bangkok vẫn bị ảnh hưởng đáng kể.
Được biết, môi trường không phải thách thức duy nhất mà Bangkok đang phải đối mặt. Mật độ dân số cao gây ra nhiều vấn đề về an sinh xã hội, nhất là tình trạng tắc nghẽn giao thông diễn ra thường xuyên.
Theo báo cáo của Công ty công nghệ địa lý Tom Tom năm 2018, Bangkok là thành phố có tình trạng tắc đường tệ thứ 8 thế giới. Thành phố nằm gần biển và chỉ cao hơn mực nước biển khoảng 1,5 m, nên Bangkok có nguy cơ ngập lụt cao vì nước biển dâng do biến đổi khí hậu. Ngoài ra, thành phố này còn bị lún xuống khoảng 2 cm mỗi năm.
Trước đó, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) vừa công bố một báo cáo cho thấy, sự gia tăng tần suất, cường độ và thời gian của các đợt nắng nóng sẽ không chỉ làm gia tăng các vụ cháy rừng trong thế kỷ này mà còn làm chất lượng không khí xấu đi - gây hại cho sức khỏe con người và hệ sinh thái.
Khi trái đất nóng lên, cháy rừng và ô nhiễm không khí liên quan sẽ gia tăng, ngay cả trong bối cảnh kịch bản phát thải thấp. Ngoài các tác động đến sức khỏe con người, điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến các hệ sinh thái khi các chất ô nhiễm không khí lắng đọng từ bầu khí quyển đến bề mặt Trái đất.
Cũng theo WMO, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất về khí hậu - chủ yếu là châu Á - là nơi sinh sống của khoảng 1/4 dân số thế giới. Biến đổi khí hậu có thể làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm ôzôn, dẫn đến những tác động xấu đến sức khỏe của hàng trăm triệu người.
Bởi vì chất lượng không khí và khí hậu có mối liên hệ với nhau, những thay đổi của một bên không thể tránh khỏi gây ra những thay đổi ở bên còn lại. Quá trình đốt cháy hóa thạch cũng tạo ra nitơ oxit, có thể phản ứng với ánh sáng mặt trời để tạo thành khí ôzôn và nitrat. Đổi lại, những chất ô nhiễm không khí này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe hệ sinh thái, bao gồm nước sạch, đa dạng sinh học và lưu trữ carbon.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố báo cáo cập nhật về cơ sở dữ liệu không khí sau 6 tháng điều tra. Kết quả điều tra từ hơn 6.000 thành thị ở khắp mọi nơi cho thấy, 99% dân số toàn cầu đang hít thở trong một bầu không khí không đảm bảo, chứa nhiều vật chất có thể gây ra các bệnh về đường hô hấp. Chất lượng không khí kém nhất thuộc về vùng Địa Trung Hải, khu vực Đông Nam Á và châu Phi.
Báo cáo cũng cho biết, PM2.5 và PM10 đi vào đường hô hấp khi con người hít thở, nhưng mức độ xâm nhập khác nhau tùy theo kích thước hạt bụi. Trong khi PM10 đi vào cơ thể qua đường dẫn khí và tích tụ trên phổi, thì PM2.5 nguy hiểm hơn vì chúng bé đến mức có thể luồn lách vào các túi phổi, tĩnh mạch phổi và xâm nhập vào hệ tuần hoàn máu.
PM2.5 là nguyên nhân gây nhiễm độc máu, máu khó đông khiến hệ tuần hoàn bị ảnh hưởng, làm suy nhược hệ thần kinh điều khiển hoạt động của cơ tim gây ra các bệnh tim mạch. Ngoài ra, PM2.5 còn chứa nhiều kim loại nặng có khả năng gây ung thư, hoặc tác động đến DNA và gây ra đột biến gen.
Lan Anh