Nước biển nóng nhanh gấp 3 lần, các đảo quốc Thái Bình Dương bị ảnh hưởng nặng bởi biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu do con người gây ra chính là nguyên nhân làm cho nhiệt độ nước đại dương nóng lên nhanh chóng trong những năm gần đây. Điều này cũng kéo theo những hệ lụy lớn cho các quốc đảo ở ven biển Thái Bình Dương.
Trong bài phát biểu tại Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương tại Tonga ngày 27/8, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (United Nations - UN) - ông Antonio Guterres cho biết, các đảo thuộc vùng biển Thái Bình Dương đang có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng cao do nhiệt độ nước biển ở khu vực này đang tăng với tốc độ nhanh gấp 3 lần so với thế giới.
Được biết, Tonga là một trong 18 thành viên của Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương với các quốc đảo san hô đang bị đe dọa bởi mực nước biển dâng cao. Trong chuyến công tác ghé thăm Tonga lần này, ông Guterres muốn ban hành lệnh khẩn cấp trên toàn cầu về bảo vệ biển và đại dương.
Báo cáo cho thấy khu vực biển Tây Nam Thái Bình Dương đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất do mực nước biển dâng cao. Ở một số nơi, mực nước còn dâng cao gấp đôi mức trung bình toàn cầu trong 30 năm qua. Mực nước biển dâng cao chính là nguyên nhân làm khuếch đại tần suất và mức độ của các đợt triều cường và lũ lụt vùng ven biển. Trên góc nhìn toàn cảnh, lũ lụt không chỉ nhấn chìm các cộng đồng ven biển mà còn gây ảnh hưởng tới nghề đánh bắt cá, phá hoại mùa màng và làm ô nhiễm nguồn nước ngọt. Tất cả những ảnh hưởng kể trên sẽ khiến các quốc đảo tại khu vực biển Thái Bình Dương rơi vào tình trạng đặc biệt nguy hiểm.
Theo ông Guterres, nhiệt độ nước biển ấm lên chính là hậu quả của biến đổi khí hậu gây ra. Khi nước biển ấm lên sẽ làm cho thể tích nước biển tăng, mực nước biển ngày một dâng cao.
Để chấm dứt tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra, ông Guterres kêu gọi toàn cầu từng bước loại bỏ sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Ngoài ra, ông cũng nêu ra ý tưởng về các khoản đầu tư thích ứng với khí hậu tại các quốc gia dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nhất.
Năm 2023, trong Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu của Liên Hợp quốc, quỹ hỗ trợ cho các quốc gia nghèo đối phó với thảm họa khí hậu đã được phê duyệt. Tuy nhiên, thách thức hiện nay của quỹ vẫn là thu hút đóng góp từ các quốc gia giàu có.
Theo: Reteurs
Gia Tuệ