Ông Trần Hồng Thái được bầu làm Phó Chủ tịch Hiệp hội khí tượng châu Á
Tổng cục trưởng Khí tượng Thủy văn Việt Nam Trần Hồng Thái, đại diện thường trực của Việt Nam tại Tổ chức Khí tượng Thế giới, được bầu vào vị trí Phó Chủ tịch Hiệp hội Khí tượng châu Á khu vực 2.
Ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn. (Ảnh: Công Tường/TTXVN) |
Ngày 28/10, thông tin từ Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam cho biết Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đã gửi Công điện thông báo chính thức về việc ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam, đại diện thường trực của Việt Nam tại Tổ chức Khí tượng Thế giới, được bầu vào vị trí Phó Chủ tịch Hiệp hội Khí tượng châu Á khu vực 2 (RA II).
Đây là kết quả do Chủ tịch RA II đề xuất lên Tổ chức Khí tượng Thế giới và được chấp thuận ngày 25/10.
Như vậy là lần đầu tiên trong các nhiệm kỳ Việt Nam tham gia WMO và RA II, đại diện của nước ta được bầu làm Phó Chủ tịch RA II trong bối cảnh có nhiều đề cử từ các quốc gia thành viên kỳ cựu tại khu vực châu Á.
Hiệp hội Khí tượng châu Á khu vực II là một trong số 6 hiệp hội thành viên của Tổ chức Khí tượng thế giới với 35 quốc gia thành viên.
Phạm vi hoạt động của RA II bao phủ một vùng rộng lớn của Ấn Độ Dương và một phần của Thái Bình Dương.
Đây là một khu vực có một hệ sinh thái rộng lớn và cũng là địa bàn có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất trên thế giới.
Do vậy, những thách thức lớn đang đặt ra cho các quốc gia trong khu vực đối với sự phát triển này đó là: giảm thiểu thiên tai và sự tác động xấu môi trường, biến đổi khí hậu, sử dụng quá mức tài nguyên ven biển và biển, quản lý và phát triển tài nguyên nước ngọt, sử dụng đất và suy thoái đất, năng lượng, quản lý du lịch, xóa đói giảm nghèo và bảo tồn đa dạng sinh học.
Do vậy, việc giám sát thời tiết và khí hậu là hết sức cần thiết nhằm từng bước giải quyết những thách thức có liên quan đến sự phát triển kinh tế-xã hội hiện tại và cho các thế hệ tương lai.
RA II có sứ mệnh thúc đẩy và hỗ trợ cho các quốc gia trong khu vực để giải quyết các nhu cầu xã hội quan trọng hướng tới mục tiêu mà WMO đã đề ra đó là: khung toàn cầu về dịch vụ khí hậu (GFCS); dịch vụ khí tượng hàng không; Nâng cao năng lực cho các nước đang phát triển và kém phát triển nhất; triển khai Hệ thống Quan sát toàn cầu tích hợp WMO (WIGOS) và Hệ thống thông tin WMO (WIS); giảm thiểu rủi ro thiên tai (DRR).
Với trách nhiệm là quốc gia thành viên, Việt Nam những năm qua đã chủ động tham gia tích cực vào WMO.
Tổng cục Khí thượng Thủy văn đã được giao làm đại diện thường trực của Việt Nam tại WMO, bước đầu tiếp cận và tham gia tích cực các hoạt động quản lý và chuyên môn của WMO như trực tiếp điều hành hoạt động hiệu quả một số hoạt động và dự án tầm khu vực, tham dự đầy đủ Đại hội đồng lần thứ 18 của WMO, tham gia Ban Kiểm soát Ủy nhiệm thư tại Đại hội đồng lần thứ 18; chủ trì Trung tâm Hỗ trợ dự báo khu vực Đông Nam Á, Trung tâm cảnh báo lũ quét Đông Nam Á...
Những hoạt động chủ động của Việt Nam đã nhận được sự đánh giá cao của Tổ chức Khí tượng Thế giới và các nước thành viên.
Nhân dịp này Tổng thư ký WMO Petteri Talass đã chúc mừng Việt Nam và bày tỏ ý định sẽ cùng Ban Thư ký của WMO hỗ trợ tối đa cho đại diện của Việt Nam trong vai trò Phó Chủ tịch RA II hoàn thành nhiệm vụ mới vì lợi ích của các nước thành viên trong khu vực và trên thế giới.
Đây là điều kiện tốt để ngành Khí tượng Thủy văn Việt Nam tiếp tục chủ động tham gia tích cực vào Tổ chức Khí tượng Thế giới, tăng cường vị thế của Việt Nam trong khu vực châu Á, góp phần nâng cao năng lực phòng tránh thiên tai, đảm bảo an ninh trong khu vực và bảo vệ chủ quyền biển đảo, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng đất nước.