Phát huy vai trò của truyền thông trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Ngày 18/9, tại TP. Đà Nẵng, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tổ chức Tọa đàm "Sử dụng năng lượng TK&HQ: Hiệu quả thực thi và vai trò của công tác truyền thông tại địa phương".
Tham dự Tọa đàm, về phía Ban Tổ chức có ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương; ông Trần Viết Nguyên - Phó Trưởng ban, Ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); ông Nguyễn Văn Trừ - Phó Giám đốc Sở Công thương TP. Đà Nẵng.
Về phía khách mời có ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Năng lượng Việt Nam; ông Đào Nhật Đình - Hội đồng Khoa học, Tạp chí Năng lượng Việt Nam; chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn; TS. Lê Anh Tuấn - Giảng viên Trường Đại học Điện lực; cùng nhiều đại biểu, khách mời, các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương.
Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ hoạt động của Dự án “Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam II” do Bộ Công Thương phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức.
Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là cần thiết, quan trọng
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng, Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua Đảng và Nhà nước rất quan tâm quan tâm đến sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. "Việt Nam là một trong những nước đầu tiên có Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được Quốc hội thông qua năm 2010 và có hiệu lực từ 2011. Chúng ta có các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chúng ta có hệ thống văn bản pháp luật tương đối đầy đủ và đồng bộ trong các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế để thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả", ông Trịnh Quốc Vũ thông tin.
Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 đặt mục tiêu tiết kiệm 8-10% tổng năng lượng tiêu thụ toàn quốc cho toàn giai đoạn. Để hoàn thành mục tiêu này, trong những năm qua Bộ Công Thương đã tích cực triển khai nhiều hoạt động truyền thông, tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Chia sẻ về những kết quả đạt được trong thực thi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ông Nguyễn Văn Trừ - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết: Thời gian qua, Sở Công Thương Đà Nẵng đã triển khai một số việc trong đó phối hợp với Ban chỉ đạo Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để xây dựng và triển khai kế hoạch hành động cũng như thực hiện công tác kiểm toán năng lượng.
“Chúng tôi có đội ngũ chuyên gia kiểm toán năng lượng và thực hiện các dịch vụ công về kiểm toán năng lượng cho các doanh nghiệp. Qua đó, chúng tôi đã tổ chức các hội thảo tuyên truyền nâng cao nhận thức, khảo sát tư vấn cho các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm để có giải pháp kỹ thuật, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và hướng đến sản xuất sạch hơn”- ông Nguyễn Văn Trừ nói.
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng, năm 2023, thành phố Đà Nẵng đã tổ chức Giải thưởng Tiết kiệm năng lượng cấp thành phố, Sở Công Thương cũng tổ chức một chương trình riêng, qua đó nhận thấy các doanh nghiệp đã áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, sản xuất sạch hơn.
Kết quả, năm 2023 tổng lượng điện tiết kiệm của thành phố Đà Nẵng đạt 68,39 triệu kWh tương đương tỷ lệ tiết liệm 2% tổng sản lượng điện tiêu thụ của toàn thành phố.
Phát huy hơn nữa vai trò của truyền thông
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, nhiều chương trình về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được Bộ Công Thương triển khai đến các địa phương và ông cũng nhất trí với Bộ Công Thương và các địa phương rằng công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được triển khai rất tốt, hiệu quả.
Tuy nhiên, lượng thông tin về tiết kiệm năng lượng chưa nhiều vì thông tin cần kiểm đếm quá nhiều, phạm vi rộng nên cần thời gian để xem xét. Việc truyền thông, đưa tin về những điển hình doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng, lĩnh vực tiết kiệm năng lượng... là trách nhiệm của truyền thông, tuy là “gió” nhưng góp thành “bão”.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Lễ phát động cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu kiến thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2024” cũng là cách để toàn dân, báo chí tham gia chương tình để nâng cao nhận thức về tiết kiệm năng lượng. "Chủ đề tiết kiệm năng lượng không hề dễ viết, ta phải hiểu sâu, và muốn mở rộng mạng lưới truyền thông thì vai trò của báo chí rất quan trọng", chuyên gia lưu ý.
Đánh giá về sự thay đổi nhận thức, thực hành của người dân và doanh nghiệp về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thời gian qua, ông Trần Viết Nguyên – Phó Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, thực hiện nhiệm vụ đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất và tiêu dùng, nhiều năm qua EVN bám sát vào chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, của Bộ Công Thương, Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo (Chỉ thị số 20), qua đó EVN đã có những điểm nhấn chỉ tiêu cụ thể. Đây là thành công lớn nhất của Chỉ thị số 20 từ trước đến nay với sự đo lường cụ thể nên việc triển khai tại các địa phương cũng có nhiều thuận lợi.
"Hiện chúng tôi đã hiện đại hóa hệ thống đo đếm điện năng với tỷ lệ số hóa lên đến trên 90%, qua đó chúng tôi có số liệu tiết kiệm điện được để có giải pháp, kế hoạch cụ thể truyền thông để điều chỉnh hành vi sử dụng điện sao cho hiệu quả và tiết kiệm"- ông Nguyên nhấn mạnh.
Thời gian tới, EVN tiếp tục sẽ phối hợp chặt chẽ với các Sở Công Thương trên toàn quốc nhằm thực thi tốt Chỉ thị số 20 của Thủ tướng để có thể giảm công suất đỉnh của hệ thống với mục tiêu đến năm 2025 giảm được 1.500MW thông qua chương trình Điều chỉnh phụ tải, giảm tổn thất điện năng trên hệ thống truyền tải và phân phối.
Ông Trần Viết Nguyên đánh giá, công tác truyền thông được EVN xem là giải pháp quan trọng nhất vì đây là giải pháp phù hợp nhất, đặc biệt là truyền thông về chính sách quy định của Nhà nước, thông qua đó xã hội có nhận thức về các quy định của Chính phủ.
EVN không chỉ truyền thông về cơ chế chính sách mà còn truyền thông về giải pháp sử dụng điện toàn và hiệu quả. Toàn bộ các tài liệu truyền thông được số hoá và đăng tải trên trang web EVN và các đơn vị trực thuộc, các kênh chăm sóc khách hàng…
"Ngoài các kênh sẵn có, EVN cũng thực hiện chuyển đổi số nên đã tận dụng tối đa truyền thông đa phương tiện như Tiktok, Youtube, Fanpage, Website. EVN nhiều năm qua luôn đồng hành và sát cánh cùng báo chí từ trung uong đến địa phương để tuyên truyền các chính sách chủ trương của Đảng", ông Trần Viết Nguyên chia sẻ.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, cả nước tiết kiệm được 2,6 tỷ kwh điện, tương ứng 2,38% so với cùng kỳ, cao hơn mức tối thiểu so với mức Chính phủ giao. Kết quả này có sự tham gia tích cực của báo chí truyền thông, giúp ngời dân hiểu rõ hơn, thực thi tổ hơn các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Còn theo ông Lê Anh Tuấn - Phụ trách Khoa Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Điện lực: Là đơn vị nghiên cứu, đào tạo chúng tôi nhận thấy cần kiểm soát, siết chặt hơn nữa về công tác thực thi tiết kiệm năng lượng, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông. Đến giờ chúng ta có được thành công là nhờ triển khai đa dạng các phương thức truyền thông. Trong đó, một số chương trình truyền thông là điểm nhấn như liên quan đến các cuộc thi về năng lượng, chương trình về Giờ Trái đất, lĩnh vực này là lĩnh vực kỹ thuật, giống như một số lĩnh vực kể cả chuyển đổi số, cần sự chia sẻ của các chuyên gia.
“Trường Đại học Điện lực là trường có mối quan hệ chặt chẽ với Bộ Công Thương và EVN, các chuyên gia của chúng tôi “phủ cả” lĩnh vực kinh tế năng lượng và kỹ thuật, sẵn sàng chia sẻ thông tin và hỗ trợ các nhà báo trong công tác truyền thông về sử dụng năng lượng hiệu quả”- ông Lê Anh Tuấn khẳng định.
Ở góc nhìn khác, chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh cho biết: Công tác tiết kiệm năng lượng chưa có nhiều thông tin tại các địa phương. Các cơ quan truyền thông mới chỉ tập trung thông tin tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Do vậy, thời gian tới công tác truyền thông tại các địa phương cần được đẩy mạnh và hình thành mạng lưới kết nối giữa cơ quan báo chí và chuyên gia.
Phát động Cuộc thi “Khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng”
Ngày 19/9/2024, Bộ Công Thương và Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) đã phát động cuộc thi “Khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng”.
Cuộc thi được thiết kế riêng cho hai nhóm đối tượng và được triển khai song song.
Nhóm thứ nhất dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp từ giai đoạn tiền hạt giống (pre-seed stage) đến giai đoạn hạt giống (seed stage) đã đăng ký tại Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài đã có kế hoạch hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, có sản phẩm thử nghiệm (minimum viable product) tập trung vào các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả cho công nghiệp, xây dựng và giao thông vận tải.
Nhóm thứ hai được thiết kế riêng cho nhóm các học sinh, sinh viên trong độ tuổi từ 15 đến 25, có ý tưởng về các giải pháp hiệu quả năng lượng trong ngành công nghiệp, xây dựng và giao thông vận tải, phù hợp với bối cảnh tại Việt Nam.
Dự kiến sẽ lựa chọn tối đa 30 đội thi tốt nhất (gồm 15 doanh nghiệp khởi nghiệp và 15 nhóm học sinh, sinh viên) tham gia chương trình huấn luyện và đào tạo trong vòng 9 tuần, với sự dẫn dắt của các chuyên gia, cố vấn trong lĩnh vực khởi nghiệp và năng lượng.
Tổng giá trị giải thưởng của cuộc thi lên đến 35.000 USD cho các nhóm các doanh nghiệp khởi nghiệp và 10.000 USD cho nhóm học sinh sinh viên khởi nghiệp.
Cuộc thi đã chính thức nhận hồ sơ đăng ký trực tuyến từ ngày 6 tháng 8 năm 2024 tại địa chỉ https://ais4ee.vn. Hạn nộp hồ sơ là 9 giờ sáng ngày 25 tháng 9 năm 2024 (giờ Việt Nam). Thông tin chi tiết và thể lệ tham dự có tại https://ais4ee.vn. Mọi thắc mắc, xin liên hệ Ban tổ chức cuộc thi qua email: [email protected].
P.V