Phát triển công nghiệp năng lượng: Động lực tăng trưởng mới cho Thanh Hóa
Trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa luôn xác định công nghiệp năng lượng là một trong những ngành kinh tế trụ cột, động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế.
Đây là một trong những nội dung quan trọng nhằm thực hiện thành công Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo nguồn tin từ Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hóa, với vị trí chiến lược, là cầu nối Bắc Bộ và Trung Bộ, tiếp giáp Lào, có cảng nước sâu Nghi Sơn và hạ tầng giao thông liên vùng phát triển, Thanh Hóa sở hữu tiềm năng lớn để phát triển các loại hình năng lượng đa dạng, từ lọc – hóa dầu, nhiệt điện than, khí (LNG), thủy điện đến điện mặt trời, điện gió, sinh khối và năng lượng từ rác thải.
Đến nay, Thanh Hóa đã thu hút hơn 55.000 tỷ đồng và 13 tỷ USD đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, với các dự án lớn, như: Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (9,3 tỷ USD), Nhiệt điện Nghi Sơn 2 (2,8 tỷ USD), Thủy điện Trung Sơn (7.775 tỷ đồng)... Nổi bật là Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, cơ sở trọng điểm quốc gia, cung ứng khoảng 40% nhu cầu xăng dầu cả nước.
Toàn tỉnh Thanh Hoá hiện có 17 nhà máy điện đang vận hành với tổng công suất gần 2.500 MW, nhiều dự án mới đang tiến hành xúc tiến. Đồng thời, tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo như thủy điện, điện mặt trời, điện gió, điện từ chất thải, góp phần từng bước chuyển đổi sang năng lượng sạch, bền vững. Hệ thống truyền tải điện được đầu tư hiện đại hóa, với 100% trạm biến áp 110 kV là trạm không người trực, gần 1.500 km đường dây cao áp và hơn 27.000 km đường dây trung, hạ áp. Toàn tỉnh đã đạt 100% dịch vụ điện trực tuyến cấp độ 4, thanh toán điện tử đạt gần 97%, góp phần tiết kiệm năng lượng, nâng cao năng suất và chất lượng cung ứng.
Giai đoạn 2021–2024, công nghiệp năng lượng đóng góp gần 22% GRDP toàn tỉnh, thu ngân sách từ lĩnh vực này đạt 25.000 – 30.000 tỷ đồng/năm, chiếm khoảng 60% tổng thu ngân sách tỉnh. Ngành công nghiệp năng lượng còn thúc đẩy phát triển hạ tầng, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân vùng dự án.
Tuy nhiên, quá trình phát triển cũng đối mặt với nhiều khó khăn, như: Quy hoạch còn chậm được phê duyệt, cơ chế đầu tư còn vướng mắc, thiếu chính sách ưu đãi thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo; một số dự án triển khai chậm, chất lượng điện chưa đồng đều ở vùng sâu, vùng xa; ý thức sử dụng điện tiết kiệm chưa cao; công nghệ ở nhiều cơ sở sản xuất còn lạc hậu, gây lãng phí và ảnh hưởng đến môi trường.
Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp năng lượng lớn của cả nước vào năm 2030, Thanh Hóa xác định 5 nhóm giải pháp trọng tâm, gồm: Tiếp tục triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách về phát triển năng lượng, nhất là Nghị quyết 55-NQ/TW và các quyết định quy hoạch tổng thể của Chính phủ giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2050; tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án chiến lược như Nhà máy điện khí LNG Nghi Sơn, Thủy điện Hồi Xuân, mở rộng Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn... Đồng thời, kiến nghị bổ sung các dự án điện mới với quy mô khoảng 10.000 MW vào Quy hoạch điện VIII; cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các dự án công nghệ cao, ít tiêu hao năng lượng; ưu tiên xây dựng kho dự trữ dầu thô, kho LNG quốc gia tại Khu kinh tế Nghi Sơn, phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ cho ngành năng lượng; đẩy mạnh chuyển đổi số, sử dụng năng lượng hiệu quả, khuyến khích các ngành đổi mới công nghệ, chuyển đổi xanh, khai thác các nguồn năng lượng mới như điện gió ngoài khơi, hydro xanh...; tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp về vai trò của ngành năng lượng đối với phát triển bền vững; thúc đẩy chuyển đổi số, hợp tác quốc tế và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất và tiêu dùng năng lượng.
Với quyết tâm chính trị cao, đồng bộ các giải pháp chiến lược và sự đồng hành của doanh nghiệp, nhà đầu tư, tỉnh Thanh Hóa đang từng bước khẳng định vị thế trung tâm công nghiệp năng lượng của cả nước, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế – xã hội vùng Bắc Trung Bộ và cả nước.
Đình Đông