Chủ nhật, 24/11/2024 05:59 (GMT+7)
Thứ ba, 13/04/2021 07:05 (GMT+7)

Phát triển kinh tế biển phải gắn kết hài hoà với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường

Theo dõi KTMT trên

Đó là một trong các trụ cột quan trọng nhằm PTBV kinh tế biển được nhấn mạnh tại Nghị quyết 36-NQ/TW – Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 BCH TW Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phát triển bền vững kinh tế biển trở thành xu thế chủ đạo của toàn cầu

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, chủ trương phát triển bền vững kinh tế biển đã thu được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức. 

“Phát triển kinh tế biển chưa gắn kết hài hoà với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Công tác bảo vệ an ninh, an toàn, phối hợp tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với sự cố môi trường trên biển còn nhiều bất cập. Một số chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra chưa đạt được; Lợi thế, tiềm năng là cửa ngõ vươn ra thế giới chưa được phát huy đầy đủ; Việc thực hiện chủ trương phát triển một số ngành kinh tế biển mũi nhọn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra… 

Ô nhiễm môi trường biển ở nhiều nơi còn diễn ra nghiêm trọng, ô nhiễm rác thải nhựa đã trở thành vấn đề cấp bách; Các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển bị suy giảm; Một số tài nguyên biển bị khai thác quá mức; Công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, biển xâm thực còn nhiều hạn chế, bất cập…”, Nghị quyết 36-NQ/TW nhận định. 

Dự báo trong thời gian tới, tình hình quốc tế tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, tranh chấp chủ quyền ranh giới biển và sự bất đồng giữa các nước tại Biển Đông. Ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu. Phát triển bền vững, hài hoà giữa phát triển với bảo tồn biển trở thành xu thế chủ đạo. Toàn cầu hoá và cách mạng khoa học - công nghệ tạo ra nhiều cơ hội và thách thức.

Tại Việt Nam, nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững; Thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; An ninh, trật tự, an toàn xã hội vẫn là những khó khăn, thách thức lớn. Hiểu rõ tầm quan trọng và tiềm năng từ biển, nhiều địa phương có biển của Việt Nam trong suốt thời gian qua đã chủ động đề ra kế hoạch phát triển kinh tế biển như TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Thừa – Thiên Huế…

Mới đây, tại Hội thảo “TP.HCM – Tầm nhìn kinh tế biển kết nối với chuỗi đô thị quốc tế”, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường Lưu Thế Anh cho biết, xu thế hiện nay của các nước trên thế giới có biển hay không có biển đều xoay trục từ phát triển dựa vào đất sang phát triển dựa vào biển. Tập trung ở các lĩnh vực liên quan như: Tài nguyên khoáng sản từ biển, năng lượng tái tạo từ gió và thủy triều, du lịch biển, vận tải biển, công nghệ sinh học biển,…

“Chuỗi đô thị biển Vũng Tàu – Cần Giờ - Gò Công tại vịnh Cần Giờ sẽ tạo mặt tiền biển đón nhận cơ hội phát triển kinh tế biển có giá trị gia tăng cao, làm bàn đạp cho TP.HCM trở thành một thành phố cửa gõ kết nối với khu vực và quốc tế. Khi đó TP.HCM không chỉ đóng vai trò quan trong với phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà còn là mấu chốt trong các chiến lược quốc tế”, ông Lưu Thế Anh nói. 

Phát triển bền vững kinh tế biển dựa trên nền tảng tăng trưởng xanh

Từ thực trạng và tình hình thực tiễn của thế giới cũng như trong nước, Việt Nam đặt mục tiêu phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; Phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển. 

Phát triển kinh tế biển phải gắn kết hài hoà với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường - Ảnh 1

“Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là quyền và nghĩa vụ của mọi tổ chức, doanh nghiệp và người dân Việt Nam”, Nghị quyết 36-NQ/TW xác định. 

Trong đó nhấn mạnh, phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; Bảo đảm hài hoà giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển; Tăng cường liên kết, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; Phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước.

Đồng thời, tăng cường quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển tự nhiên; Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Đẩy mạnh đầu tư vào bảo tồn và phát triển giá trị đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái biển; Bảo vệ tính toàn vẹn của hệ sinh thái từ đất liền ra biển. Gắn bảo vệ môi trường biển với phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm, sự cố môi trường, tăng cường hợp tác khu vực và toàn cầu.

Thực hiện các mục tiêu về kinh tế biển – xã hội – môi trường

Về kinh tế biển, Nghị quyết 36-NQ/TW đặt ra mục tiêu đến năm 2030, các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; Kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65 - 70% GDP cả nước. Các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các chuẩn mực quốc tế; Kiểm soát khai thác tài nguyên biển trong khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển. 

Về xã hội, đến năm 2030, chỉ số phát triển con người (HDI) của các tỉnh, thành phố ven biển cao hơn mức trung bình của cả nước; Thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển gấp từ 1,2 lần trở lên so với thu nhập bình quân của cả nước. Các đảo có người dân sinh sống có hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đầy đủ, đặc biệt là điện, nước ngọt, thông tin liên lạc, y tế, giáo dục...

Về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đến năm 2030 Việt Nam sẽ đánh giá được tiềm năng, giá trị các tài nguyên biển quan trọng. Tối thiểu 50% diện tích vùng biển Việt Nam được điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển ở tỉ lệ bản đồ 1: 500.000 và điều tra tỉ lệ lớn ở một số vùng trọng điểm. Thiết lập bộ cơ sở dữ liệu số hoá về biển, đảo, bảo đảm tính tích hợp, chia sẻ và cập nhật.

Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; Tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương. 

Ở các tỉnh, thành phố ven biển, 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường; 100% khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường.

Quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo; Tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; Phục hồi diện tích rừng ngập mặn ven biển tối thiểu bằng mức năm 2000.

Năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, động đất, sóng thần, quan trắc, giám sát môi trường biển, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bao gồm cả thông qua việc ứng dụng công nghệ vũ trụ và trí tuệ nhân tạo, đạt trình độ ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực. Có biện pháp phòng, tránh, ngăn chặn, hạn chế tác động của triều cường, xâm nhập mặn, xói lở bờ biển.

Đến năm 2045, Việt Nam kỳ vọng trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; Kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa; Tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương. 

Vương Liễu

Bạn đang đọc bài viết Phát triển kinh tế biển phải gắn kết hài hoà với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới