Chủ nhật, 24/11/2024 06:21 (GMT+7)
Thứ hai, 06/06/2022 15:55 (GMT+7)

Phát triển năng lượng sạch, giải pháp bền vững cho tương lai ngành điện

Theo dõi KTMT trên

Từng được cho là nguồn năng lượng sạch, song thủy điện hiện đã và đang gây ra những tác động trực tiếp đến môi trường sinh thái, đất đai và diện tích rừng bị thu hẹp, đồng thời đặt ra vấn đề an toàn đập và vùng hạ du… 

Không thể phủ nhận các dự án thủy điện mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng xã hội, từng được cho là nguồn năng lượng sạch. Tuy nhiên nó đã tác động trực tiếp đến môi trường sinh thái, đất đai và diện tích rừng bị thu hẹp do quy hoạch và xây dựng các hồ chứa nước. Bên cạnh đó, một số dự án thủy điện đã tác động đến đất sản xuất nông nghiệp và rừng làm gia tăng rủi ro thiên tai đồng thời đặt ra vấn đề an toàn đập và vùng hạ du… 

Thủy điện giá rẻ nhưng tiềm ẩn nguy cơ môi trường

Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai vừa tổ chức cuộc họp rà soát công tác chuẩn bị vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng năm 2022. 

Tại cuộc hộp này, ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết, hiện nguồn nước trên các hệ thống sông đang về rất tốt nên công suất của phần lớn các hồ thuỷ điện được chạy tối đa, đặc biệt các nhà máy thuỷ điện trên sông Đà, công suất chạy 24/24 giờ. Bên cạnh đó, năm nay giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất nhiệt điện như than tăng giá rất cao, dẫn đến giá thành sản xuất điện tăng cao. 

"Giá than nhập khẩu đã tăng gấp 5 lần. Nếu điện mà chạy bằng than thì giá thành lên tới 4.000 đồng/kWh, trong khi thủy điện chưa đến 1.000 đồng/kWh" - ông Hải thông tin. Đồng thời, lãnh đạo EVN đề nghị cần có tính toán, chỉ đạo điều hành tích - xả hợp lý để sử dụng hiệu quả nguồn nước trên các hồ thủy điện cũng như đảm bảo an toàn với thiên tai.

Thủy điện từng được cho là nguồn năng lượng sạch. Nhưng những nghiên cứu gần đây đã cho thấy, thuỷ điện cũng góp phần làm tăng phát thải khí nhà kính - khí metan (CH2), một loại khí nhà kính rất mạnh.

Theo đó, các hồ chứa đập thủy điện có thể sản sinh ra một lượng đáng kể khí metan và carbon đioxit (CO2). Khí metan được sinh ra chủ yếu do vi khuẩn phân hủy chất hữu cơ trong điều kiện ít hoặc không có oxy.

Phát triển năng lượng sạch, giải pháp bền vững cho tương lai ngành điện - Ảnh 1
Thủy điện từng được cho là nguồn năng lượng sạch, nhưng cũng là nguyên nhân làm gia tăng rủi ro thiên tai đồng thời đặt ra vấn đề an toàn đập và vùng hạ du. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, các hồ thủy điện hình thành trên các con đập làm ngập chìm các khu rừng nhiệt đới cũng đồng nghĩa với việc làm mất đi những bể chứa CO2 hữu hiệu. Hay làm tăng phát thải CO2 vào khí quyển. Đây là nguyên nhân gây mất rừng đầu nguồn và rừng nguyên sinh, làm làm suy giảm đa dạng sinh học, suy thoái môi trường và ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu.

Thủy điện đòi hỏi một lượng nước lớn từ các con sông và phá hủy hệ sinh thái sông. Việc vận hành nhà máy thủy điện và nạn phá hủy rừng đang tạo ra xung đột về sử dụng nước; hủy hoại sinh kế và là nguyên nhân gây ra sự di cư của nhiều cộng đồng, những người có cuộc sống truyền thống lâu đời cạnh các con sông. Những người dân vùng hạ lưu cũng đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến nguồn nước và tác động xuyên biên giới bao gồm lũ lụt, thiếu nước và ô nhiễm nguồn nước.

Chính phủ Việt Nam đã có nghị định về môi trường tự nhiên cần phải được bảo vệ từ những tác động tiêu cực của việc phát triển công nghiệp không kiểm soát. Theo Nghị định 29/2011/ND-CP (Cung cấp đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường) đưa ra các đánh giá môi trường có thể thực hiện trước khi phê duyệt xây dựng một dự án được tiến hành. Thông tư 26/2011/TT­-BTNMT cung cấp các thông tin chi tiết để hướng dẫn chính quyền địa phương và các nhà đầu tư thông qua đánh giá các tác động môi trường. Tuy nhiên, có những lỗ hổng đáng kể và không nhất quán giữa thực tế thực hiện và quá trình ra quyết định của chính phủ trong thời gian qua.

Theo ông Bùi Quang Bình (Viện Nghiên cứu phát triển bền vững Vùng, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), dự án thủy điện đã gây ra những tác động đến đất canh tác thuộc lưu vực sông thông qua các hình thức: Thay đổi mục đích sử dụng đất canh tác, chuyển từ đất canh tác sang đất chuyên dụng; thay đổi tính chất, chất lượng, khả năng sử dụng để trồng trọt của đất canh tác thông qua lưu lượng nước theo mùa,... 

Cùng với đó, việc chuyển dòng của một số công trình thủy điện sang lưu vực khác, mà chưa xem xét đầy đủ tác động môi trường lên lưu vực, làm thay đổi chế độ thủy văn, gây ra những tác động lớn đến hệ sinh thái. Nhiều công trình khi thực hiện chức năng gây ra tình trạng thiếu nước cho hoạt động phát triển công nghiệp và các nhu cầu cấp nước đô thị ở khu vực hạ lưu, nhất là vào mùa khô.

Hướng tới các nguồn năng lượng tái tạo

Việt Nam có nhiều cơ hội trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về năng lượng tái tạo. Theo tính toán của Viện Năng lượng, tổng quy mô tiềm năng điện gió trên bờ và gần bờ của Việt Nam là 217GW; trong đó, tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi khoảng 160GW; tổng quy mô tiềm năng có thể phát triển của điện mặt trời là 386GW.

Báo cáo mới nhất của Viện Kinh tế năng lượng và phân tích Tài chính (IEEFA) ước tính, các tập đoàn đa quốc gia đóng góp khoảng 150 tỷ USD vào doanh thu xuất khẩu hàng năm của Việt Nam. Họ cũng đưa ra các cam kết cụ thể về trung hòa carbon hoặc giảm phát thải carbon ở các phạm vi và lộ trình khác nhau. Do đó, hành trình hướng tới phát triển bền vững của các thương hiệu toàn cầu này là cơ hội mà Việt Nam không thể bỏ qua.

Phát triển năng lượng sạch, giải pháp bền vững cho tương lai ngành điện - Ảnh 2
Việt Nam có nhiều cơ hội trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về năng lượng tái tạo. (Ảnh minh họa)

Nhiều chuyên gia cho rằng, để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 với chi phí thấp nhất, nguồn điện từ năng lượng tái tạo cần phải là nguồn thay thế cho nhiên liệu hóa thạch, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua sản xuất nhiên liệu điện phân. Hệ thống nguồn điện từ năng lượng tái tạo cần đáp ứng 70% nhu cầu năng lượng vào năm 2050. Các nguồn năng lượng tái tạo chính là điện mặt trời (75%) và điện gió (21%).

Lộ trình phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam, ngay từ rất sớm, nhận thấy tầm quan trọng hàng đầu của năng lượng tái tạo, Đảng, Nhà nước đã thể hiện sự quan tâm tới phát triển năng lượng tái tạo một cách xuyên suốt từ Nghị quyết Đại hội lần IX của Đảng năm 2001.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2068/TTg ngày 25/11/2015 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 và Quyết định số 428/TTg ngày 18/3/2016 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII); Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nêu rõ tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% vào năm 2030; 25 - 30% vào năm 2045.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An, Việt Nam đang hoàn thiện Quy hoạch điện VIII theo hướng đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo gắn với tăng cường đảm bảo hệ thống truyền tải. Đồng thời, dự kiến không phát triển dự án nhiệt điện than mới vào năm 2030, giới hạn nguồn điện khí LNG để tránh những rủi ro liên quan tới biến động giá dầu, căng thẳng địa chính trị trên thế giới. Với mục tiêu đạt được phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Quan trọng hơn đó là không để giá năng lượng vượt mức chi trả của người dân.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Phát triển năng lượng sạch, giải pháp bền vững cho tương lai ngành điện. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới