Chủ nhật, 24/11/2024 05:24 (GMT+7)
Chủ nhật, 16/02/2020 14:41 (GMT+7)

‘Phù thuỷ’ GAPIT là ai trong cáo buộc Viettel ‘chơi xấu’ đối thủ tại Myanmar?

Theo dõi KTMT trên

Gapit Communications, có trụ sở tại Hà Nội, là đối tác truyền thông thân thiết đồng hành cùng Viettel trong 15 năm qua, bị Facebook chỉ đích danh liên quan đến chiến dịch Mytel và Viettel 'nói xấu đối thủ' trên mạng xã hội này.

‘Phù thuỷ’ GAPIT là ai trong cáo buộc Viettel ‘chơi xấu’ đối thủ tại Myanmar? - Ảnh 1
Facebook cáo buộc Viettel và Mytel ‘chơi xấu’ đối thủ viễn thông tại Myanmar.

Chiến dịch “nói xấu 1,15 triệu USD”

Nhà mạng Mytel – do công ty liên kết của Viettel phát triển tại Myanmar đang đối mặt cáo buộc “loan tin giả” trên mạng xã hội Facebook nhằm hạ uy tín đối thủ cạnh tranh trong cuộc đua giành giật thị phần viễn thông tại quốc gia Đông Nam Á có hơn 53 triệu dân này.

Sự việc bại lộ và ngày 12/2, ông Nathaniel Gle Rich, Trưởng bộ phận Chính sách bảo mật của Facebook đã công bố xoá 13 tài khoản và 10 trang (pages) lớn từ cả Facebook lẫn Instagram của người dùng đến từ các quốc gia như Nga, Iran, Việt Nam và Myanmar do vi phạm chính sách cộng đồng của mạng xã hội này.

Facebook cáo buộc các quản trị viên của trang đã dùng tài khoản ảo để điều khiển hoạt động dưới dạng những trang tổng hợp thông tin viễn thông tiêu dùng độc lập, được cho là “fake news” nhằm làm giảm uy tín của các công ty viễn thông khác trong mắt khách hàng của họ tại thị trường Myanmar. Thậm chí, các trang này cũng đăng những bài kêu gọi “gây áp lực”, bình luận chỉ trích những dịch vụ, chương trình khuyến mại mà các nhà mạng này cung cấp… Hay lan truyền tin về những thất bại trong kinh doanh và kế hoạch nhà mạng rút lui khỏi ở Myanmar, tin giả lừa đảo của các nhà mạng này với khách hàng… được cho là hành vi “chơi xấu đối thủ cạnh tranh” xuất hiện như các trang, nhóm, tài khoản ảo.

Được biết, Myanmar hiện có 4 nhà mạng viễn thông gồm MPT (Myanmar), Telenor (Nauy), Ooredoo (Qatar) và Mytel của Viettel (Vietnam) mới gia nhập thị trường từ tháng 6/2018.

Phía Facebook đã chỉ đích danh Mytel và Viettel có liên quan tới nguồn gốc đăng tải các “fake news” nêu trên cùng vai trò của một công ty truyền thông Việt Nam là Gapit Communications, trong một chiến dịch 1,15 triệu USD với khoảng 265.600 tài khoản, nhóm giả mạo...

‘Phù thuỷ’ GAPIT là ai trong cáo buộc Viettel ‘chơi xấu’ đối thủ tại Myanmar? - Ảnh 2
Mytel là mạng viễn thông do Viettel Global thuộc Tập đoàn Viettel đầu tư tại Myanmar.

Trước cáo buộc có liên quan tới chiến dịch “công kích” đối thủ cạnh tranh tại Myanmar, Tập đoàn Viettel khẳng định công ty luôn hoạt động tuân thủ pháp luật và đang kiểm tra những thông tin được Facebook đề cập. Mytel là nhà mạng thứ 4 tại Myanmar do Viettel Global – công ty con của Tập đoàn Viettel hiện đang sở hữu 49% vốn hợp tác đầu tư, đang có sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận thần tốc, nhanh chóng chiếm 22% thị phần tại nước này.

Một góc chân dung “phù thuỷ” GAPIT

Đặt trụ sở tại D10 Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội và ra đời năm 2005, Công ty cổ phần Truyền thông GAPIT, Gapit Communications lại khá kín tiếng trên truyền thông tại Việt Nam. Nhưng Gapit lại là đối tác truyền thông thân thiết đồng hành từ khi Viettel khai mở các thị trường mới như châu Phi, Myanmar, Campuchia... trong 5 năm qua.

Đến nay, lãnh đạo GAPIT vẫn chưa lên tiếng về cáo buộc tham gia chiến dịch “nói xấu đối thủ” viễn thông tại Myanmar.

Được biết, người đại diện pháp luật của Gapit Communications là ông Hoàng Đức Trung, rất nổi tiếng trong ngành tài chính với hoạt động đầu tư mạo hiểm. Ông Đức Trung cũng đồng thời là Giám đốc Quỹ đầu tư mạo hiểm DFJ –VinaCapital có tổng vốn hơn 1 tỉ USD, là một trong bốn quỹ của VinaCapital chuyên đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới.

Ngoài ra, ông Hoàng Đức Trung hiện là Thành viên HĐQT của Tập đoàn Yeah1 trong vai trò người đại diện vốn của DFJ VinaCapital Venture Investment Ltd là cổ đông lớn nắm hơn 1,95 triệu cổ phiếu YEG, tương ứng 7,14% vốn tại Yeah1. Song năm 2019 Yeah1 cũng gặp khủng hoảng nghiêm trọng khi bị dừng hoạt động thương mại trên Youtube do vi phạm chính sách đối tác, khiến cho cổ phiếu YEG vừa lên sàn chứng khoán đã “đổ nhào” mất tới 90% thị giá.

Đối với hoạt động của GAPIT Communications, ngay từ khi thành lập, công ty này đã gắn chặt hoạt động kinh doanh với 3 nhà mạng viễn thông Viettel, Mobifone, Vinaphone. Đến năm 2007, nhờ sự đầu tư của quỹ DFJ VinaCapital, công ty này đã tăng tốc phát triển và cán mốc 200 tỉ đồng doanh thu vào năm 2014. “Gapit là một trong những công ty hàng đầu của Việt Nam cung cấp các giải pháp Mobile Marketing và Digital Marketing”, Gapit Communications tuyên bố và giới thiệu các hoạt động dịch vụ nổi bật của mình như dịch vụ bình chọn trong nhiều chương trình truyền hình nổi tiếng của VTV, HTV…

Từ năm 2015, Gapit Communications đẩy mạnh phát triển các dịch vụ truyền thông – marketing trên nền tảng số, như dịch vụ Facebook USSD tại thị trường Châu Mỹ và Châu Phi.

Trong mối quan hệ đối tác thân tình với Viettel, Gapit Communications có lẽ không thể vắng bóng trong các hoạt động khai mở thị trường mới Myanmar của Viettel nhờ thế mạnh về Social Media và Marketing Online... Các hoạt động loan tin giả, tin xấu về các dịch vụ của nhà mạng khác tại Myanmar trên Facebook được cho là sẽ tác động tới tâm lý, thúc đẩy hành vi rời bỏ nhà mạng “một cách tự nhiên” của người dùng.

Trên thực tế, sau 18 tháng khai thác mạng Mytel, nhà mạng này đã cán mốc 8 triệu khách hàng, vươn lên vị trí thứ 3 với 22% thị phần viễn thông di động. Mytel cũng là mạng viễn thông có tốc độ tăng trưởng lớn nhất tại Myanmar với mức tăng trưởng ổn định từ 4-5% sau mỗi tháng trong năm 2019. Ước tính năm 2019, tổng doanh thu của Mytel đạt 104% so với kế hoạch năm.

Báo cáo tài chính cho thấy, trong năm 2019, Viettel Global đã tăng gấp 3 lần khoản đầu tư tại Công ty TNHH Myanmar National Tele&Communications từ mức 335 tỉ đồng hồi đầu năm, lên tới 927 tỉ đồng. Viettel Global đã góp vốn đầu tư khoảng 163,5 triệu USD, tương đương 3.750 tỉ đồng và cho vay 372 triệu USD, tương đương 8.600 tỉ đồng cho dự án viễn thông có quy mô đầu tư gần 1,76 tỉ USD tại Myanmar. Tính chung, hơn 12 nghìn tỉ đồng đã được Viettel Global “rót” vào dự án Mytel tại thị trường tiềm năng này.

Nhờ đó, Mytel ghi nhận sự bứt phá nhanh chóng và tham vọng đạt có gần 7 nghìn trạm phủ sóng di động băng rộng tới 90% dân số Myanmar, hơn 30 nghìn km cáp quang (lớn nhất Myanmar, gấp đôi đối thủ liền kề).

‘Phù thuỷ’ GAPIT là ai trong cáo buộc Viettel ‘chơi xấu’ đối thủ tại Myanmar? - Ảnh 3
Thị trường Đông Nam Á đang phải 'gồng lỗ' cho hoạt động kinh doanh bết bát ở nước ngoài của Viettel Global.

Hoạt động từ thị trường Đông Nam Á, mà trọng tâm là Myanmar trong năm 2019 đã đem lại kết quả đáng kinh ngạc, cụ thể, doanh thu tăng đột biến lên 12 nghìn tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3.780 tỉ đồng, tăng tới 124% so với năm trước. Nhờ đó, lợi nhuận từ thị trường Đông Nam Á cũng đang phải “gồng lỗ” cho hoạt động kinh doanh bết bát của Viettel Global tại thị trường Châu Phi khi con số lỗ trong hai năm 2018-2019 lần lượt ở mức cao là 2.813 tỉ đồng và 1.579 tỉ đồng.

Riêng thị trường Châu Mỹ, Viettel Global duy trì mức lãi 211 tỉ đồng và 367 tỉ đồng trong năm 2018-2019.

Tính chung năm 2019, Viettel Global lãi sau thuế hơn 1.300 tỉ đồng, lần đầu tiên thoát lỗ sau nhiều năm hoạt động và giúp giảm dần lỗ luỹ kế đến cuối kỳ xuống còn 4.708 tỉ đồng.

Có thể thấy, áp lực khắc phục thua lỗ nghìn tỉ khi đầu tư ra nước ngoài vẫn còn rất căng thẳng, cần Tập đoàn Viettel và Viettel Global có sự tăng trưởng kinh doanh mạnh mẽ hơn ở các thị trường có lợi thế như Myanmar... Nhất là khi dư địa thị trường còn lớn và Mytel đang thắng thế trong cuộc đua chiếm thị phần, cùng với chính sách ưu đãi thuế suất 0% dành cho công ty sở hữu Mytel.

Hải Nam

Bạn đang đọc bài viết ‘Phù thuỷ’ GAPIT là ai trong cáo buộc Viettel ‘chơi xấu’ đối thủ tại Myanmar?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới