Qua đường biển, nhiều lô hàng xuất khẩu sang Trung Quốc không được thông quan
Nhiều lô cà phê, hạt điều hiện của các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn đang kẹt tại cảng và không được thông quan do chưa được cấp mã số từ Hải quan Trung Quốc.
Theo văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp Quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (gọi tắt là Văn phòng SPS Việt Nam) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản ngày 8/2 gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, đề nghị phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang nước này.
Cùng với đó, năm 2021, Trung Quốc ban hành Lệnh 248 về "Quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu", và Lệnh 249 về "Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu", có hiệu lực từ 1/1/2022.
Các loại hàng hóa muốn xuất khẩu vào Trung Quốc phải có mã số do Tổng cục Hải quan nước này cấp cho từng hàng hóa của từng doanh nghiệp. Do mỗi sản phẩm xuất khẩu được cấp một mã nên một doanh nghiệp có thể được cấp nhiều mã sản phẩm.
Dù đã hoàn thành hồ sơ đăng ký với Trung Quốc trước thời hạn, nhưng đến nay một số doanh nghiệp vẫn chưa có mã số xuất khẩu khiến nhiều đơn hàng của họ bị hoãn.
Tính từ tháng 1/2022, Văn phòng SPS Việt Nam đã nhận được kiến nghị của nhiều doanh nghiệp và Hiệp hội ngành hàng về các vướng mắc, trong đó có sự việc về một số doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hạt điều dù đã đăng ký với cơ quan thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 01/11/2021, đã có đơn hàng, đã làm các thủ tục mở tờ khai hải quan, đã đăng ký xuất tàu… nhưng đến nay vẫn chưa được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt danh sách doanh nghiệp và cấp mã sản phẩm.
Điều đó dẫn tới việc nhiều lô hàng hạt điều, cà phê hiện kẹt tại cảng do chưa được Trung Quốc cấp mã số nên chưa được thông quan.
Văn phòng SPS Việt Nam trước thực tế này kiến nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho phép doanh nghiệp được xuất khẩu các lô hàng nêu trên vì doanh nghiệp đã thực hiện đăng ký đúng quy trình hướng dẫn.
Văn phòng SPS Việt Nam cũng đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc phối hợp đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc kiểm tra hồ sơ của 7 mã sản phẩm không thuộc thẩm quyền quản lý của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) mà thuộc Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), và đề nghị cấp lại mật khẩu cho doanh nghiệp và Cục Thú y để sớm giải quyết vấn đề này, đảm bảo không làm gián đoạn thông thương giữa hai nước.
Tổng cục Hải quan Trung Quốc tính đến ngày 8/02/2022, mới phê duyệt cho các doanh nghiệp của Việt Nam 1.528 mã sản phẩm nông sản thực phẩm.
Bùi Hằng (T/h)