Quảng Bình: Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm
Thực hiện kế hoạch đầu tư công (ĐTC) và giải ngân nguồn vốn được Chính phủ xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Quảng Bình đang tập trung đẩy mạnh thực hiện giải ngân để đưa nguồn lực vào phát triển kinh tế-xã hội.
Theo đó, tổng kế hoạch đầu tư công nguồn vốn ngân sách nhà nước tỉnh Quảng Bình năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao là gần 4.864 tỷ đồng gồm vốn đầu tư cân đối ngân sách địa phương hơn 3.276,8 tỷ đồng và vốn ngân sách Trung ương hơn 1.587 tỷ đồng. Tổng kế hoạch đầu tư công nguồn vốn ngân sách nhà nước tỉnh Quảng Bình phân bổ chi tiết năm 2024 là hơn 5.019,2 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương là 3.431 tỷ đồng và vốn ngân sách Trung ương là hơn 1.587 tỷ đồng.
Để bảo đảm phát huy cao nhất hiệu quả của nguồn lực cho đầu tư phát triển cũng như đạt kết quả giải ngân kế hoạch vốn ĐTC của năm 2024 cao nhất, UBND tỉnh Quảng Bình triển khai đồng bộ các giải pháp và quyết liệt thực hiện ngay từ đầu năm.
Đưa ra các giải pháp được tỉnh chú trọng như: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với việc thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ĐTC năm 2024; nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư trong thực hiện và giải ngân vốn ĐTC. Mặt khác, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, tiếp tục cải cách, rút ngắn thủ tục hành chính; trong đó cần có cơ chế phân công, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong việc hoàn thiện các thủ tục để triển khai dự án.
UBND tỉnh Quảng Bình giao các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan đến các thủ tục hành chính tiếp tục rút ngắn 30% thời gian thực hiện các thủ tục theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Chậm ở khâu nào, thủ tục nào, người đứng đầu sở, ngành, đơn vị, địa phương đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Bên cạnh đó, tỉnh này cũng đã tổ chức nhiều hội nghị bàn các giải pháp đốc thúc giải ngân và trong quá trình triển khai. Thành lập 3 tổ công tác của UBND tỉnh do 3 đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách cũng đã tổ chức họp, đi kiểm tra để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện và giải ngân của các dự án vẫn còn chậm. Tính đến thời điểm hiện nay, tỷ lệ giải ngân của tỉnh vẫn thấp so với mức bình quân chung toàn quốc. Đến ngày 31/7, tỷ lệ giải ngân của tỉnh triển khai đạt tỷ lệ 31%, thấp hơn mức trung bình toàn quốc (34,7%).
Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, có những dự án đến thời điểm 31/7 vẫn chưa có tỷ lệ giải ngân. UBND tỉnh đã nghiêm khắc phê bình các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân 0%, cũng như các chủ đầu tư nhiều dự án, trong đó có dự án tỷ lệ giải ngân 0%; đồng thời nhắc nhở, chấn chỉnh các dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 30% (dưới mức trung bình toàn tỉnh).
Để phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân trên 95% kế hoạch ĐTC năm 2024 được giao, UBND tỉnh Quảng Bình đã có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, các địa phương phải khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024.
Đối với các dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, tính đến hết ngày 31/7, tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 25,8%, đạt thấp so với yêu cầu. Vì vậy, UBND Quảng Bình yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương tranh thủ thời tiết thuận lợi, đốc thúc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến hành nghiệm thu thanh toán ngay khi có khối lượng, không dồn thanh toán 1 lần. Nếu hết ngày 31/12, các dự án không giải ngân hết kế hoạch vốn được giao, bị hủy dự toán dẫn đến dự án thiếu vốn, chủ đầu tư phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đồng thời tự chủ động thu xếp nguồn vốn để hoàn thành công trình theo đúng mục tiêu đề ra.
Đối với các nguồn vốn ĐTC còn lại, UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư các dự án có tỷ lệ giải ngân 0% chấn chỉnh ngay công tác chỉ đạo thực hiện và giải ngân vốn ĐTC của đơn vị, khẩn trương nghiệm thu, thực hiện thanh toán và giải ngân lần đầu đối với các dự án có tỷ lệ giải ngân 0% trước ngày 30/8. Sau thời hạn này, nếu các chủ đầu tư không giải ngân, UBND tỉnh sẽ điều chỉnh kế hoạch vốn sang các dự án khác có nhu cầu.
Các chủ đầu tư phải xác định công tác giải ngân đầu tiên và trực tiếp thuộc trách nhiệm của mình, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh giải ngân vốn ĐTC; đồng thời đốc thúc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, đặc biệt là đối với các dự án dự kiến hoàn thành năm 2024 có số vốn bố trí tương đối lớn.
Nguyễn Công