Quảng Nam: Làm rõ việc khai thác đất của Công ty Xây dựng và Phát triển nông thôn Đại Lộc
Chỉ được cơ quan chức năng cấp phép khai thác đá tại mỏ đá thôn Phú Quý nhưng Công ty TNHH xây dựng và Phát triển nông thôn Đại Lộc bị phản ánh khai thác đất cung cấp cho một dự án tại quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng.
Thời gian gần đây, Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường nhận được phản ánh về tình trạng khai thác đất tại mỏ đá tại thôn Phú Quý (xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) của công ty TNHH Xây dựng và Phát triển nông thôn Đại Lộc (Công ty Đại Lộc). Những chiêcd xe vận chuyển đất từ mỏ này chạy ra ngoài gây bụi mù mịt, ảnh hưởng đến người tham gia giao thông.
Có mặt tại hiện trường vào các ngày 12 - 13/9 tại khu vực mỏ đá thôn Phú Quý của công ty Đại Lôc, Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường ghi nhận, ngoài hoạt động khai thác đá thì doanh nghiệp này còn đang cho người và máy móc tiến hành khai thác đất. Hoạt động khai thác đất diễn ra ngay tại khu vực bãi tập kết đá xay.
Theo ghi nhận của Phóng viên vào sáng ngày 13/9, tại khu vực nói trên xuất hiện một máy xúc cỡ lớn liên tục đào đất đổ thẳng vào xe đầu kéo, xe ben hổ vồ loại 4 chân đang chờ đến lượt lấy đất. Xung quang máy xúc là các xe đầu kéo, xe ben hổ vồ 4 chân mang logo TMT, Cao Nhân chờ lấy hàng.
Sau khi được máy xúc đổ đất đầy thùng xe, xe ben hổ vồ loại 4 chân mang BKS 92C – 165.24 đóng logo Cao Nhân nhanh chóng di chuyển ra khỏi mỏ khai thác đá của công ty Đại Lộc. Thay vì di chuyển qua trạm cân tải trọng, thì lái xe điều khiển xe ben nhập thẳng vào quốc lộ 14B theo hướng Đại Lộc – Đà Nẵng.
Từ mỏ đất tại thôn Phú Quý, xe ben BKS 92C – 165.24 đóng logo Cao Nhân di chuyển qua QL 14B, rồi di chuyển theo các tuyến đường Cách Mạng Tháng 8, Ngô Quyền, Yết Kiêu với tốc độ cao. Điểm đến của xe ben mang BKS 92C – 165.24 đóng logo Cao Nhân là dự án mở rộng cảng Tiên Sa trên địa bàn quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng.
Thời điểm Phóng viên có mặt tại cổng ra vào cảng Tiên Sa, ngoài xe ben hổ vồ 4 chân mang BKS 92C – 165.24 đóng logo Cao Nhân thì còn có nhiều xe ben hổ vồ cùng loại đóng logo Cao Nhân đang khẩn trương ra vào dự án.
Liên quan đến sự việc trên, ngày 12/9 phóng viên đã cung cấp thông tin hình ảnh về hoạt động khai thác đất của Công ty Đại Lộc tại mỏ đá thôn Phú Quý cho lãnh đạo Phòng TN&MT huyện Đại Lộc.
Trao đổi với Phóng viên, ông Lê Văn Tuân – Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Đại Lộc cho biết: “Công ty Đại Lộc chỉ được phép khai thác đá tại đây, không được phép khai thác vận chuyển đất đi nơi khác tiêu thụ. Nếu Phóng viên phát hiện doanh nghiệp cố tình khai thác, vận chuyển đất ra khỏi mỏ thì phối hợp để phòng tiến hành bắt quả tang, lập biên bản xử phạt”.
Tuy nhiên, sau khi nhận hình ảnh, video về hoạt động khai thác đất tại mỏ đá thôn Phú Quý, ông Võ Ngọc Tốt – Trưởng phòng TN&MT huyện Đại Lộc, cho biết: “Sau khi nhận được phản ánh tôi đã cử cán bộ phòng TN&MT xuống kiểm tra, nhưng khi đến mỏ thì nhân viên trong mỏ không cho vào với lý do mỏ đá chuẩn bị nổ mìn”.
Liên quan đến hoạt động khai thác đất tại mỏ đá thôn Phú Quý, ông Đỗ Thanh Cảng – Chủ tịch UBND xã Đại Hiệp khẳng định: “Hiện nay tại mỏ đá Bãi Bí không được phép khai thác đất vận chuyển ra ngoài”.
Trước đó, nhằm tăng cường công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành văn bản số 4250/UBND-KTN về việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Theo nội dung văn bản số 4250, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) theo dõi, giám sát chặt chẽ vị trí, sản lượng khoáng sản khai thác, công suất khai thác, trữ lượng khoáng sản được phép khai thác của các đơn vị chủ mỏ khoáng sản sau khi được cấp giấy phép khai thác theo quy định; kịp thời thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, UBND tỉnh Quảng Nam giao các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo Phòng TN&MT tổ chức kiểm tra, rà soát tổng thể hiện trạng việc chấp hành pháp luật về khoáng sản của tất cả các đơn vị được cấp phép hoạt động khoáng sản trên địa bàn quản lý (trong đó có vị trí, ranh giới khu vực khai thác; sản lượng, công suất khai thác, trữ lượng được phép khai thác; hóa đơn, chứng từ mua bán, kê khai thuế nhằm kiểm soát sản lượng khai thác hàng năm…); xử lý các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật;…
UBND các huyện, thị xã, thành phố và Công an tỉnh, Công an các huyện, thị xã, thành phố phải thường xuyên theo dõi, kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý kiên quyết, dứt điểm, không để tái diễn các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; đặc biệt là hoạt động khai thác vàng, cát, sỏi lòng sông, khai thác đất, đá trái phép trên địa bàn quản lý.
Dưới đây là một số hình ảnh khai thác đất trái phép đang diễn ra rầm rộ tại khu vực mỏ đá thôn Phú Quý, xã Đại Hiệp mà Phóng viên đã ghi nhận được vào các ngày 12-13/9:
Để "đất tặc" không còn đất sống, PGS.TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, cần phát huy vai trò của chính quyền địa phương, các bộ ngành trong quản lý tài nguyên, khoáng sản ở cơ sở, nhất là trong việc kiểm điểm, đánh giá, phân loại cán bộ, Đảng viên.
Bà An "hiến kế": Những nơi để xảy ra vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản với quy mô lớn, gây hậu quả nghiêm trọng, cần phải khởi tố các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật. Nếu làm mạnh tay, quyết liệt được như vậy, thì "đất tặc" sẽ không còn đất sống.
Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin !
Nhóm PV