Chủ nhật, 24/11/2024 06:08 (GMT+7)
Thứ ba, 11/05/2021 14:43 (GMT+7)

Quảng Ngãi: Lấn chiếm rừng phòng hộ làm hồ nuôi thủy sản

Theo dõi KTMT trên

Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ngãi đã phát hiện nhiều trường hợp tự ý đào đắp ao hồ, lấn chiếm rừng phòng hộ khu vực bàu Cá Cái với diện tích lên tới hàng nghìn mét vuông.

Quảng Ngãi: Lấn chiếm rừng phòng hộ làm hồ nuôi thủy sản - Ảnh 1
Rừng ngập mặn bàu Cá Cái. (Nguồn: baoquangngai.vn)

Ngày 11/5, ông Nguyễn Đại, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi, thông tin trong quá trình kiểm tra hiện trường về công tác chăm sóc, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng tại khu vực bàu Cá Cái, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều trường hợp tự ý đào đắp ao hồ, lấn chiếm rừng phòng hộ với diện tích lên tới hàng nghìn mét vuông.

Trước tình hình đó, xét Công văn số 102/ TTNLN của Trung tâm kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Dung Quất về việc đề nghị xử lý vi phạm đối với các hộ dân nói trên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu Hạt Kiểm lâm huyện Bình Sơn phối hợp với các ngành chức năng của huyện, Ủy ban Nhân dân xã Bình Thuận và Trung tâm kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Dung Quất tiến hành ngay việc kiểm tra, xác minh thông tin; làm rõ hành vi vi phạm của các đối tượng, lập hồ sơ xử lý theo quy định. Nếu xác định có dấu hiệu tội phạm thì phải khởi tố vụ án theo thẩm quyền. Kết quả kiểm tra báo cáo về Chi cục trước ngày 20/5/2021 để theo dõi, chỉ đạo.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều nội dung, hình thức phù hợp nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật và trách nhiệm của người dân đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Cụ thể, trong lúc đi kiểm tra thực địa mới đây, đoàn liên ngành gồm Trung tâm kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Dung Quất, Ban Quản lý dự án thành phần GCF Quảng Ngãi, Công ty Trách nhiệm hữu hạn tư vấn và sản xuất nông lâm nghiệp Hạnh Nhân (đơn vị giám sát) đã phát hiện hộ ông Phùng Pha, trú tại thôn Thuận Phước, xã Bình Thuận, có hành vi tự ý cho máy đào vào phá rừng, đào đắp bờ làm hồ nuôi trồng thủy sản trong rừng cây Cóc Trắng, thuộc lô 43 (diện tích quản lý bảo vệ rừng) với diện tích khoảng 1.000m2. Hộ ông Nguyễn Khương, Đoàn Văn Bảy có hành vi tương tự tại lô 47.

Một số hộ dân khác tiến hành quây lưới, đóng cọc áp phên trên toàn bộ diện tích rừng trồng cây cóc trắng năm 2019, ở các lô: 42, 44, 52, 56, 58, 62, 66, 69, 71, 74, 76 thuộc khu vực rừng phòng hộ bàu Cá Cái để nuôi trồng thủy sản, gây ảnh hưởng đến việc chăm sóc và sinh trưởng, phát triển của cây trồng rừng ngập mặn.

Rừng ngập mặn bàu Cá Cái nằm gần biển, cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi khoảng 40km về phía Đông Bắc. Nơi đây được chính quyền địa phương quy hoạch trồng 50ha cây cóc trắng thành rừng phòng hộ chắn sóng và cải thiện môi trường sinh thái.

Đây là một phần của dự án "Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam" do Quỹ Khí hậu xanh (GCF) phối hợp với Chính phủ Việt Nam thực hiện.

Bàu Cá Cái có cảnh quan đẹp, còn nhiều nét hoang sơ, nhất là vào độ thu sang, cây cóc trắng rụng hết lá, trơ lại phần thân và cành màu trắng trông rất thơ mộng.

Chính vì lẽ đó, bàu Cá Cái trở nên nổi tiếng, thành điểm "check-in’’ không thể thiếu đối với du khách mỗi khi có dịp đến tham quan, thưởng ngoạn tại Quảng Ngãi.

Lê Phước Vĩnh Trọng

Bạn đang đọc bài viết Quảng Ngãi: Lấn chiếm rừng phòng hộ làm hồ nuôi thủy sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới