Quốc hội khóa XV: Thảo luận về dự án Luật Phòng thủ dân sự
Trong phiên làm việc chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, sau đó Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng thủ dân sự.
Theo chương trình làm việc Kỳ họp thứ 4, sáng 9/11, các đại biểu Quốc hội nghiên cứu tài liệu.
Trong phiên làm việc chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng thủ dân sự.
Việc xây dựng Luật Phòng thủ dân sự nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho việc chủ động phòng, chống, ứng phó hiệu quả với các thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm an ninh, an toàn cho đất nước khi có tình huống xảy ra.
Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự gồm 7 chương, 71 điều, quy định về hoạt động phòng thủ dân sự, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động phòng thủ dân sự, quản lý nhà nước và nguồn lực bảo đảm thực hiện phòng thủ dân sự. Trong đó, Chương I - Những quy định chung; Chương II - Hoạt động phòng thủ dân sự; Chương III - Cơ quan chỉ đạo, chỉ huy, lực lượng phòng thủ dân sự; Chương IV - Quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hoạt động phòng thủ dân sự; Chương V - Nguồn lực, chế độ, chính sách đối với người tham gia hoạt động phòng thủ dân sự; Chương VI - Trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự; Chương VII - Điều khoản thi hành.
Trước đó, cho ý kiến về dự án Luật tại phiên họp tổ chiều 1/11, các đại biểu cho rằng, việc xây dựng Luật sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện các hoạt động phòng thủ dân sự, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.
Mặt khác, ngày 30/8/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW “Về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo” đã xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là “Xây dựng Luật Phòng thủ dân sự.” Đây là căn cứ chính trị quan trọng để xây dựng Luật Phòng thủ dân sự.
Tán thành cao với việc ban hành dự thảo Luật Phòng thủ dân sự, đại biểu Đinh Ngọc Minh (Cà Mau) nhấn mạnh nhiệm vụ phòng thủ dân sự hiện nay đang nằm rải rác ở một số bộ như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế...
Do đó, đại biểu đề nghị cần có một lực lượng chính quy, chuyên nghiệp cho nhiệm vụ này và cho rằng Bộ Quốc phòng đảm nhận nhiệm vụ này là phù hợp vì chỉ Bộ Quốc phòng mới đủ sức mạnh về nhân lực, phương tiện.
Theo TTXVN