Chủ nhật, 24/11/2024 06:45 (GMT+7)
Thứ sáu, 05/08/2022 09:11 (GMT+7)

Quy định bảng giá đất thế nào cho hợp lý?

Theo dõi KTMT trên

Nhiều chuyên gia trên thị trường nhận định rằng việc bỏ khung giá đất sẽ góp phần "cởi trói" cho giá đất địa phương.

Vấn đề giao đất, cho thuê đất nhiều người quan tâm

Góp ý cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), đưa ra nhiều ý kiến, trong đó có liên quan tới bảng giá đất.

Cụ thể, Tại hội thảo góp ý về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi do Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vào chiều ngày 4/8, ông Nguyễn Quốc Hiệp, đã có nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo.

Quy định bảng giá đất thế nào cho hợp lý? - Ảnh 1
Việc quy định bảng giá đất thế nào là hợp lý được nhiều người quan tâm. (Ảnh minh họa)

Ông Hiệp cho rằng, hiện nay hệ thống luật pháp của nước ta khá chồng chéo. Ví dụ như lĩnh vực bất động sản có tới 12 luật khác nhau tác động, chi phối. Vì vậy, sự đồng bộ của hệ thống pháp luật là vô cùng quan trọng, nhất là trong bối cảnh Quốc hội và Chính phủ đang tập trung chỉnh sửa một loạt luật trong hệ thống pháp luật.

Cùng với đó, ông Hiệp thông tin, tại Khoản 2 Điều 57 dự thảo Luật đất đai quy định: "Tổ chức kinh tế được giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê; xây dựng nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp, nhà ở xã hội và nhà ở công vụ" thì được giao đất có thu tiền sử dụng đất.

Quy định bảng giá đất thế nào cho hợp lý? - Ảnh 2
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC). (Ảnh: doanhnghiep)

Ông đặt câu hỏi, nếu như vậy, tổ chức kinh tế được giao đất để thực hiện các dự án đầu tư không phải nhà ở như tòa nhà văn phòng, tòa nhà thương mại, condotel, officetel thì được giao đất có thu tiền hay cho thuê đất? Vì Điều 57, Điều 58 đều không có quy định cụ thể về việc sử dụng đất cho mục đích này.

Việc giới hạn tổ chức kinh tế chỉ được giao đất có thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê là chưa đầy đủ và chưa phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Do đó, ông kiến nghị nên bổ sung các loại hình đất xây dựng condotel, officetel nói trên vào Điều 172 (đất thương mại, dịch vụ) để được rõ ràng hơn.

Bảng giá đất thế nào là hợp lý?

Quy định bảng giá đất thế nào là hợp lý là một vấn đề đang được quan tâm. Khoản 1, Điều 130 quy định trong thời gian thực hiện bảng giá đất, khi giá đất phổ biến trên thị trường có biến động thì UBND cấp tỉnh điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp.

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, dự thảo đã bỏ quy định về hệ thống khung giá đất và hệ số biến động 5 năm 1 lần và thay vào đó là quy định về bảng giá đất và điều chỉnh biến động mỗi năm 1 lần. Đây là điểm tiến bộ so với Luật đất đai hiện hành.

Mặt khác, cần làm rõ hơn một số nội dung: Cần xác định rõ như thế nào được cho là giá đất phổ biến trên thị trường có sự biến động để làm căn cứ điều chỉnh bảng giá đất. Bởi lẽ, theo thực tế hiện nay, giá đất trên thị trường luôn luôn có sự biến động từng ngày. Việc biến động giá đất trên thị trường xuất phát từ nhiều lý do và luôn có tình trạng cố tình thổi giá.

Việc Nhà nước xây dựng bảng giá đất và áp dụng trong các trường hợp quy định tại Khoản 3 sẽ tác động trực tiếp đến quyền lợi của người sử dụng đất. Vì vậy, nếu Nhà nước chỉ căn cứ vào sự biến động giá đất trên thị trường để làm căn cứ điều chỉnh bảng giá đất trong năm, thì bảng giá đất sẽ được điều chỉnh một cách liên tục. Như vậy sẽ thiếu tính ổn định và gây ra rất nhiều ý kiến tranh cãi, không thống nhất.

Việc xây dựng và sửa đổi bảng giá đất mỗi năm một lần là phù hợp và không nhất thiết phải thực hiện điều chỉnh trong năm đó nhằm giữ sự ổn định của Bảng giá đất.

Hơn nữa, quy định công bố công khai bảng giá đất vào ngày 1/1 hàng năm cũng chưa phù hợp do ngày 1/1 là ngày nghỉ lễ mà nên quy định công bố vào ngày làm việc đầu tiên của năm.

Khoản 3, Điều 131 quy định bảng giá đất được sử dụng để làm căn cứ trong các trường hợp như tính tiền sử dụng đất, tính tiền bồi thường. Việc quy định sử dụng chung một bảng giá đất cho tất cả các mục đích nói trên là chưa phù hợp.

Ông cho rằng, giá trị quyền sử dụng đất và tiền bồi thường giải phóng mặt bằng là hai khái niệm khác nhau, việc tính giá đất cũng khác nhau cần có quy định cụ thể chứ không thể áp dụng chung một bảng giá.

Với các trường hợp thu hồi đất với nhiều mục đích khác nhau thì giá đất có giống nhau không (đất thu hồi mục đích công ích, đất thu hồi mục đích xây dựng khu đô thị mức đền bù là khác nhau).

Do đó, giá đất áp dụng với từng mục đích, từng trường hợp khác nhau là khác nhau chứ không nên áp dụng chung một bảng giá cho tất cả các hình thức. Tuy Điều 131 có quy định về việc xây dựng giá đất cụ thể cho các trường hợp nhưng chưa xác định rõ ràng tiêu chí và cách thức xây dựng giá đất cho mỗi trường hợp là như thế nào.

Vì thế, ông Hiệp đề xuất nên quy định cụ thể hơn nữa trong dự thảo về tiêu chí và cách thức xác định giá đất đối với các trường hợp sử dụng khác nhau để xây dựng bảng giá đất phù hợp để thống nhất áp dụng trên thực tế, đảm bảo công khai, minh bạch và cân bằng quyền của người sử dụng đất. Tránh trường hợp luật ban hành rồi nhưng chưa cụ thể, lại phải đợi nghị định thông tư hướng dẫn thì mới có thể áp dụng trên thực tế.

Ông Hiệp nhấn mạnh: "Tránh trường hợp luật ban hành rồi nhưng chưa cụ thể, lại phải đợi nghị định, thông tư hướng dẫn thì mới có thể áp dụng trên thực tế".

Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đăng tải công khai dự thảo Luật Đất đai sửa đổi trên website của Bộ để lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trước khi trình Chính phủ.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Quy định bảng giá đất thế nào cho hợp lý?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới