Chủ nhật, 24/11/2024 06:16 (GMT+7)
Thứ năm, 05/03/2020 06:15 (GMT+7)

Quy hoạch báo chí: Khó khăn khi chuyển đổi từ báo sang tạp chí

Theo dõi KTMT trên

Chiều 4/3, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức lễ trao giấy phép cho các tạp chí thực hiện chuyển đổi, sắp xếp lại theo quy hoạch báo chí.

Trước đó, ngày 27/2, Bộ Thông tin và truyền thông đã triển khai xong việc chuyển đổi mô hình, sắp xếp các cơ quan báo chí đối với 19 tổ chức hội, theo đó cấp phép cho 18 tạp chí của 18 tổ chức hội hoạt động từ ngày 1/4/2020. Cụ thể có 18 cơ quan báo chí chuyển đổi thành tạp chí được trao giấy phép gồm: Tạp chí Một thế giới, Đời sống và Pháp luật, Tạp chí Bóng đá, Kinh tế nông thôn, Làng nghề Việt, Kinh tế chứng khoán, Sức khỏe cộng đồng, Doanh nghiệp và Tiếp thị, Mekong-Asean, Tạp chí điện tử giáo dục Việt Nam, Thương hiệu và Công luận, Tạp chí Người cao tuổi, Chất lượng và Cuộc sống, Diễn đàn doanh nghiệp, Tri thức trực tuyến, Kinh tế và Đời sống, Năng lượng mới, Tạp chí Thời đại.

Quy hoạch báo chí: Khó khăn khi chuyển đổi từ báo sang tạp chí - Ảnh 1
Lễ trao giấy phép mới cho các cơ quan tạp chí.

Nhận giấy phép mới, ông Nguyễn Hữu Quý, Tổng Thư ký Hội Dầu khí Việt Nam lại bày tỏ lo ngại về việc tinh giản biên chế khi chuyển đổi mô hình từ báo sang tạp chí. Bên cạnh đó, lượng độc giả ít, thiếu những định nghĩa, quy định về tạp chí điện tử cũng là khó khăn cho các tạp chí trong buổi đầu chuyển đổi. Ông Quý cho rằng, Bộ Thông tin và Truyền thông cần có kế hoạch tập huấn, hỗ trợ các đơn vị chuyển đổi từ báo sang tạp chí.

Ông Nguyễn Tiến Thanh, Tổng Biên tập Tạp chí Đời sống và Pháp Luật bày tỏ: “Khi nhận giấy phép chuyển đổi, chúng tôi có những lo âu, dự định và cả những kế hoạch mới. Chúng tôi đã đi trên con đường này 19 năm, nay đổi ngã rẽ, nhưng chúng tôi xác định mục tiêu không thay đổi, phải làm sao để cơ quan hoạt động tốt, lành mạnh, làm tốt nhiệm vụ cơ quan ngôn luận của cơ quan chủ quản, đảm bảo được công ăn việc làm cho người lao động. Chúng tôi cũng đang đứng trước nhiều thách thức và lo âu như phải thay đổi toàn bộ phần nhận diện thương hiệu của cơ quan báo chí, thay đổi các quan hệ tài chính ra sao để không gây ra các tổn thất. Đặc biệt, các tạp chí cũng cần phải cơ cấu lại toàn bộ tòa soạn. Một tòa soạn tạp chí có cơ chế vận hành khác hoàn toàn với một tờ báo từ các kỹ năng tác nghiệp của phóng viên, cách tư duy đề tài. Để thực hiện được điều này, chúng tôi cần một thời gian không hề ngắn, có thể phải mất từ 1-3 năm. Trong thời gian này, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa từ cơ quan chủ quản”.

Ông Nguyễn Tiến Thanh cũng khẳng định thêm rằng, dù có những áp lực, tuy nhiên, tạp chí Đời sống và Pháp luật sẽ không cắt giảm nhân sự: “Trong những năm gần đây, nếu cắt giảm 1/3 nhân sự, chúng tôi sẽ hoạt động rất khỏe. Nhưng chúng tôi không làm thế, bởi nếu cắt giảm nhân sự là một bước lùi của tờ báo, ảnh hưởng đến nhiều gia đình, đến chính khí thế của tờ báo, tâm lý của nhân viên. Một cơ quan báo chí có phát triển được hay không, tài sản lớn nhất là nhân sự. Khi nhận giấy phép chuyển sang tạp chí, chúng tôi đã thông báo sẽ không cắt giảm một ai, nhưng sẽ phải đào tạo lại, đưa ra những mục tiêu, nhiệm vụ mới để phóng viên thực hiện”.

Bên cạnh đó, ông Thanh cũng băn khoăn về quy định xuất bản theo định kỳ của tạp chí. Đặc biệt với những tạp chí điện tử, trong nhiều trường hợp sẽ phải xuất bản nhiều hơn mức quy định của tạp chí thông thường. Ông Thanh cho rằng, nếu quy định máy móc về tính định kỳ của tạp chí, người làm báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Còn theo ông Ngô Việt Anh, Tổng biên tập tạp chí Tri thức trực tuyến (Zing.vn), để các tờ báo phát triển, từ tòa soạn và nhà quản lý cần thay đổi định hướng, hướng về bản sắc, chuyên sâu, tìm ra những hướng đi mới để báo chí phát triển, cần có nghiên cứu hoàn toàn mới chứ không nên áp đặt.

Ông Việt Anh cho rằng, tạp chí hướng tới chuyên sâu, chuyên biệt, nhưng không có nghĩa là chỉ có những nội dung chuyên sâu mà cần có những nội dung khác để “kéo” độc giả. Tạp chí in và tạp chí online cũng có nhiều đặc điểm khác nhau, đặc biệt việc phát hành online cần có những quy định để không lãng phí các nền tảng công nghệ khác khi xuất bản trên các ứng dụng, mạng xã hội facebook, youtube...

“Chúng tôi mong muốn các nhà quản lý có sự đồng hành cùng cơ quan báo chí, nếu không hành động và có tư duy mới, các tờ báo và người làm báo sẽ chịu tác động trực tiếp, từ đó gây ra các hệ lụy với xã hội”, ông Việt Anh nhấn mạnh.

Ông Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, báo chí là diễn đàn mang tiếng nói của Đảng, Nhà nước. Việc sắp xếp lại mạng lưới báo chí nhằm mục đích giúp các cơ quan báo chí mạnh lên, phong phú, đa dạng, nằm trong sự thống nhất.

“Trong thời kỳ cạnh tranh thông tin đi với giá trị của thông tin nhưng không gắn với mua bán thông tin. Nếu làm theo cơ chế thị trường thì đời sống của người làm báo sẽ khác. Nhưng chúng ta phải tuyên truyền theo tôn chỉ, mục đích của Đảng và Nhà nước”, ông Hùng nhấn mạnh.

Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng cho rằng, để thực hiện thành công việc quy hoạch báo chí, cần sự đồng thuận, thống nhất và chia sẻ và kiểm nghiệm. Sau quá trình vận hành, các cơ quan báo chí cần đưa ra những điểm hợp lý và chưa hợp lý để cơ quan quản lý Nhà nước có những điều chỉnh kịp thời về chính sách.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cũng thẳng thắn cho rằng, thời gian qua, hoạt động báo chí có nhiều vấn đề, nhiều báo thuộc các hội, hiệp hội, nhưng không phục vụ hoạt động truyền thông của Hội mà sa đà vào các thông tin khác, tính ngôn luận của cơ quan chủ quản mờ nhạt, chưa phát hiện ra các mô hình hay, điển hình tốt.

“Việc sắp xếp lại hệ thống không phải để thu hẹp các báo, mà để các đơn vị này dành nhiều thời gian cho hoạt động chuyên sâu của Hội, không bị sa đà trong thông tin, coi việc tuyên truyền, phục vụ Hội là quan trọng nhất. Qua kinh nghiệm thực tiễn, nơi nào cơ quan chủ quản có thể nhận thức được vấn đề, chỉ đạo sát sao, quyết liệt thì nơi đó có thể làm tốt. Việc thay đổi cơ cấu tổ chức, rà soát lại nhân sự, cũng cần thực hiện phù hợp. Bộ sẽ tiếp thu những tâm tư, băn khoăn của các cơ quan báo chí, cùng Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện chức năng, nhiệm vụ điều chỉnh theo hướng không áp đặt, phù hợp với xu hướng mới”, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cho hay.

Theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 362/QĐ-TTg ngày 3/4/2019, trong năm 2019, 24 tổ chức hội trung ương phải chuyển đổi mô hình, sắp xếp cơ quan báo, tạp chí. Cụ thể, mỗi tổ chức hội sau khi thực hiện quy hoạch có 1 tạp chí. Hiện còn 5 báo thuộc 5 tổ chức hội (2 báo đang tạm dừng xuất bản để triển khai thực hiện quy hoạch, 1 báo chuyển đổi cơ quan chủ quản, 2 báo đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục), Bộ Thông tin và truyền thông sẽ tiếp tục triển khai theo quy định.

Phương Trang

Bạn đang đọc bài viết Quy hoạch báo chí: Khó khăn khi chuyển đổi từ báo sang tạp chí. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới