Chủ nhật, 24/11/2024 04:54 (GMT+7)
Chủ nhật, 19/11/2023 07:00 (GMT+7)

Quy trình đấu giá quyền khai thác khoáng sản được thực hiện ra sao? (Bài 4)

Theo dõi KTMT trên

Luật sư Ma Văn Giang – Công ty luật TNHH Niềm tin công lý, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội chia sẻ về quy trình đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Ngày 5/11, Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) đã tổ chức Phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 3 điểm mỏ cát tại huyện Ba Vì và quận Bắc Từ Liêm gồm Châu Sơn, Tây Đằng và Liên Mạc.

Đây là cuộc đấu giá đạt hai kỷ lục, thứ nhất là kỷ lục về thời gian khi diễn ra xuyên đêm từ 9 giờ sáng hôm trước tới 5:33 sáng hôm sau (22 tiếng) mới kết thúc. Cùng với thời gian được xem là kỷ lục, giá cuối cùng được chốt của 3 mỏ cát cũng khiến chúng ta giật mình, với tổng cộng gần 1,690 tỷ đồng – gấp từ hàng chục tới hàng trăm lần giá khởi điểm.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Ma Văn Giang – Công ty luật TNHH Niềm tin công lý, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội chia sẻ về thêm về quy trình đấu giá quyền khai thác khoáng sản hiện hành .

Quy trình đấu giá quyền khai thác khoáng sản được thực hiện ra sao? (Bài 4) - Ảnh 1
Luật sư Ma Văn Giang – Công ty luật TNHH Niềm tin công lý.

Theo luật sư Giang, đấu giá quyền khai thác khoáng sản là hình thức bán quyền khai thác khoáng sản công khai theo phương thức trả giá tăng cao theo nguyên tắc và trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26/3/2012 của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Trình tự, thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản được quy định tại Mục 2 Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26/3/2012 từ Điều 14 đến Điều 19, cụ thể:

Đầu tiên, lập kế hoạch và thông báo khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Căn cứ lập kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản được quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26/3/2012 gồm các khu vực hoạt động khoáng sản thuộc quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản chung cả nước; Quy hoạch khai thác, sử dụng từng loại, nhóm khoáng sản làm vật liệu xây dựng cả nước và quy hoạch khai thác, sử dụng từng loại, nhóm khoáng sản khác cả nước; Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Các khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 78 Luật khoáng sản đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Kết quả và tình hình thực tế hoạt động khai thác, chế biến sâu khoáng sản trên địa bàn các địa phương và cả nước; nhu cầu khoáng sản cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng và của cả nước trong năm tiếp theo;

Sau khi được phê duyệt, danh mục khu vực có khoáng sản đưa ra đấu giá, kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản hàng năm được thông báo và đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có khoáng sản.

Thứ hai, lập hồ sơ mời đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Hồ sơ mời đấu giá quyền khai thác khoáng sản được lập với các nội dung chính sau đây: Tên loại khoáng sản, địa điểm khu vực có khoáng sản đưa ra đấu giá; Địa điểm, thời gian dự kiến tổ chức phiên đấu giá; Thông tin cơ bản về địa chất và khoáng sản; điều kiện khai thác khu vực có khoáng sản đưa ra đấu giá; phương thức tham khảo thông tin, tài liệu có liên quan, hiện trạng về cơ sở hạ tầng, sử dụng đất khu vực có khoáng sản được đưa ra đấu giá; Giá khởi điểm, tiền đặt trước; Quy định về các tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ tham gia đấu giá; Các biểu mẫu cần có trong hồ sơ đấu giá (đơn đề nghị tham gia đấu giá, những yêu cầu cơ bản về mặt kinh tế - kỹ thuật v.v…).

Trong trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại khu vực đã có kết quả thăm dò khoáng sản, cơ quan lập hồ sơ mời đấu giá quy định tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 22/2012/NĐ-CP gửi kèm theo hồ sơ yêu cầu về công nghệ khai thác, chế biến sâu và sử dụng khoáng sản, gồm các nội dung: Phương pháp, yêu cầu công nghệ, thiết bị khai thác, chế biến khoáng sản tối thiểu phải đạt được; Yêu cầu tối thiểu về chất lượng khoáng sản sau khai thác, chế biến; Mục đích, địa chỉ sử dụng khoáng sản sau khai thác để cung cấp cho các dự án chế biến khoáng sản đã xác định trong quy hoạch khai thác, sử dụng khoáng sản cùng loại được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Quy trình đấu giá quyền khai thác khoáng sản được thực hiện ra sao? (Bài 4) - Ảnh 2
Các mỏ cát được đấu giá lên gấp hàng trăm lần mức giá khởi điểm.

Việc đánh giá hồ sơ tham gia đấu giá về tiêu chí vốn chủ sở hữu của tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 15 Nghị định số 22/2012/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 3 Điều 68 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản, cụ thể như sau: Căn cứ suất đầu tư thực tế khi thăm dò loại khoáng sản dự kiến đấu giá ở khu vực chưa có kết quả thăm dò hoặc suất đầu tư thực tế khi khai thác loại khoáng sản dự kiến đấu giá ở khu vực đã có kết quả thăm dò trong điều kiện tương tự, Hội đồng đấu giá quyền khai thác khoáng sản của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định dự toán Đề án thăm dò khoáng sản hoặc tổng vốn đầu tư Dự án đầu tư khai thác khoáng sản; Dự toán Đề án thăm dò khoáng sản hoặc tổng vốn đầu tư Dự án đầu tư khai thác khoáng sản quy định tại điểm a khoản 4 Điều này là cơ sở để cơ quan tiếp nhận hồ sơ đánh giá về tiêu chí vốn chủ sở hữu của tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản khi xét chọn hồ sơ tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị định số 22/2012/NĐ-CP.

Tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản phải lập hồ sơ đề nghị tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản và nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ đấu giá quy định tại Điều 17 Nghị định số 22/2012/NĐ-CP. Hồ sơ đề nghị tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản được lập thành một bộ và có những tài liệu, văn bản sau:

- Bản chính đơn đề nghị tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản;

- Bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu hoặc bản sao điện tử có chứng thực từ bản chính: văn bản giới thiệu năng lực, kinh nghiệm trong thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản; giới thiệu năng lực tài chính và khả năng huy động tài chính;

- Đối với khu vực đấu giá đã có kết quả thăm dò khoáng sản: Tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá phải có bản chính hoặc bản điện tử được ký chữ ký số chương trình sơ bộ việc đầu tư khai thác, chế biến sâu, tiêu thụ sản phẩm và bản cam kết thực hiện dự án nếu trúng đấu giá.

- Đối với khu vực đấu giá chưa thăm dò khoáng sản: Tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá phải có bản chính hoặc bản điện tử được ký chữ ký số kế hoạch sơ bộ về đầu tư thăm dò, khai thác, chế biến sâu, tiêu thụ sản phẩm và bản cam kết thực hiện nếu trúng đấu giá.

Nội dung, hình thức hồ sơ đề nghị tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản được quy định tại Điều 16 Nghị định số 22/2012/NĐ-CP; Nghị định số 22/2023/NĐ-CP ngày 12/5/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; Thông tư liên tịch số 54/2014/TTLT-BTNMT-BTC ngày 09/9/2014 của Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Tài chính quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 22/2012/NĐ-CP  ngày 26/3/2012 của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Thứ ba, nộp hồ sơ đề nghị tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Cơ quan tiếp nhận hồ sơ đề nghị tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản gồm: Tổng cục Địa chất và Khoáng sản đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Sở Tài nguyên và Môi trường đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Hồ sơ đề nghị tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản phải được nộp trực tiếp. Thời gian tiếp nhận hồ sơ đề nghị tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản là 30 (ngày), kể từ ngày kết thúc thông báo thông tin về phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản quy định tại Khoản 1 Điều 18 Nghị định số 22/2012/NĐ-CP.

Quy trình đấu giá quyền khai thác khoáng sản được thực hiện ra sao? (Bài 4) - Ảnh 3
Một khu vực bãi cát được đưa ra đấu giá vào đầu tháng 11 vừa qua.

Cơ quan tiếp nhận hồ sơ đấu giá, hình thức, thời gian tiếp nhận hồ sơ đấu giá quyền khai thác khoáng sản được quy định tại Điều 17 Nghị định số 22/2012/NĐ-CP.

Thứ tư, Thông báo, đăng tải thông tin về phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 22/2012/NĐ-CP.

Căn cứ kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã được phê duyệt, cơ quan có thẩm quyền tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản quy định tại Điều 12 Nghị định số 22/2012/NĐ-CP thông báo công khai thông tin về phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản bao gồm: Tên loại khoáng sản, địa điểm khu vực có khoáng sản đưa ra đấu giá; Giá khởi điểm, tiền đặt trước; Địa điểm và thời gian tổ chức phiên đấu giá; Ngày bắt đầu tiếp nhận hồ sơ đề nghị tham gia đấu giá; Các thông tin khác có liên quan… tại trụ sở cơ quan và đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Thời gian để thông báo và đăng tải thông tin liên tục trong 30 (ngày) trước ngày bắt đầu tiếp nhận hồ sơ đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Thông tin về phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản còn được đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương hoặc địa phương nơi khu vực khoáng sản được đưa ra đấu giá ít nhất 02 lần, mỗi lần cách nhau 03 (ngày).

Thứ năm, Xét chọn hồ sơ đề nghị tham gia phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Trong thời gian không quá 30 (ngày) kể từ ngày hết hạn tiếp nhận hồ sơ đề nghị tham gia đấu giá, cơ quan tiếp nhận hồ sơ đấu giá phải hoàn thành phương án xét chọn hồ sơ của tổ chức, cá nhân đề nghị tham gia phiên đấu giá và báo cáo Chủ tịch Hội đồng đấu giá.

Trường hợp đấu giá thông qua tổ chức đấu giá chuyên nghiệp quy định tại Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 22/2012/NĐ-CP; hết thời hạn nêu trên Sở Tài nguyên và Môi trường chuyển hồ sơ đấu giá của các tổ chức, cá nhân được xét chọn tham gia đấu giá cho tổ chức đấu giá chuyên nghiệp để thực hiện đấu giá theo quy định của Nghị định số 22/2012/NĐ-CP và pháp luật về đấu giá tài sản. Trong thời gian không quá 30 (ngày), kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả xét chọn hồ sơ tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản, Chủ tịch Hội đồng đấu giá hoặc tổ chức đấu giá chuyên nghiệp phải tổ chức phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Đối với hồ sơ đề nghị tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản không được xét chọn, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải thông báo cho tổ chức, cá nhân liên quan bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do không được xét chọn.

Cơ quan tiếp nhận hồ sơ đấu giá quyền khai thác khoáng sản có trách nhiệm thông báo công khai danh sách tổ chức, cá nhân được tham gia phiên đấu giá tại trụ sở cơ quan và đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền cấp phép trước khi tiến hành phiên đấu giá; thông báo bằng văn bản về thời gian, địa điểm họp trao đổi về các thông tin liên quan đến phiên đấu giá; thời điểm khảo sát thực địa khu vực đấu giá; thời gian nộp phí tham gia đấu giá và tiền đặt trước cho tổ chức, cá nhân được tham gia phiên đấu giá.

Theo Luật sư Giang, qua theo dõi thông tin qua báo chí cho thấy cơ quan chức năng đang vào cuộc kiểm tra về kết quả đấu giá cấp quyền này. Ngoài ra, có những thông tin về năng lực của các doanh nghiệp tham gia đấu thầu cũng sẽ sớm được công bố. "Cơ quan chức năng sẽ sớm có thông tin chính thức về kết quả kiểm tra vụ việc đấu giá cấp quyền khai thác 3 mỏ cát này và cung cấp thông tin để dư luận người dân quan tâm nắm được. Tôi tin cơ quan chức năng sẽ làm sáng tỏ những nghi ngờ, thắc mắc của dư luận bấy lâu",  Luật sư Giang chia sẻ. 

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1087/CĐ-TTg ngày 11/11/2023 về việc kiểm tra kết quả đấu giá cấp quyền khai thác 3 mỏ cát (Liên Mạc, Châu Sơn và Tây Đằng - Minh Châu) trên địa bàn Hà Nội vừa được tổ chức ngày 5/11, UBND thành phố đã có Công văn số 3861/UBND-TNMT yêu cầu Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội chủ trì cùng các sở, ngành và các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát ngay toàn bộ quá trình khảo sát, đánh giá trữ lượng mỏ, lập hồ sơ và tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở 3 mỏ cát trên theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm chặt chẽ, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; báo cáo UBND thành phố kết quả thực hiện trước ngày 17/11/2023.

UBND thành phố yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phải kiểm tra, rà soát toàn bộ Giấy phép khai thác cát cấp trên địa bàn đã hết thời hạn khai thác, báo cáo hiện trạng, cơ sở pháp lý, việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản; nghĩa vụ tài chính về đất đai, môi trường, khoáng sản; đóng cửa mỏ theo quy định.

Trên cơ sở đó, báo cáo đề xuất UBND thành phố đưa vào Kế hoạch khai thác khoáng sản của thành phố đối với các mỏ còn trữ lượng khai thác nhưng hết thời hạn; không gia hạn giấy phép khai thác cát, không cấp giấy phép đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật theo Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 05/9/2022 của UBND thành phố.

Còn nữa...

Xuân Hòa

Bạn đang đọc bài viết Quy trình đấu giá quyền khai thác khoáng sản được thực hiện ra sao? (Bài 4). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới