Ra mắt Câu lạc bộ nhà báo Hà Nam
Câu lạc bộ Nhà báo Hà Nam với tiền thân là FC Báo chí Hà Nam. Câu lạc bộ được thành lập và chính thức ra mắt vào ngày mai (27/6). Sự ra đời của Câu lạc bộ Nhà báo Hà Nam là sự kiện quan trọng được những người làm báo, những người con của quê hương Hà Nam đang công tác tại nhiều cơ quan báo chí tại Thủ đô Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố mong đợi từ lâu.
Diện mạo đổi thay từng ngày của Thành phố Phủ lý. Ảnh TL. |
Theo thống kê từ các nguồn tư liệu lịch sử, Hà Nam là mảnh đất văn hiến, vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, quê hương của các làn điệu dân ca độc đáo. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng đã và đang được lưu giữ và phát triển. Trong đó nổi bật là, văn hóa truyền thống dân gian Liễu Đôi ở huyện Thanh Liêm; cùng với các làn điệu dân ca độc đáo: Múa hát Dậm Quyển Sơn (Thi Sơn, Kim Bảng), hát Lải Lèn (Bắc Lý, Lý Nhân), dân ca giao duyên ngã ba sông Móng (Duy Tiên - Bình Lục - Lý Nhân), hát Trống quân (Liêm Thuận, Thanh Liêm)… Đặc biệt, nghi lễ Hầu đồng và múa hát Chầu văn đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Hà Nam thời nào cũng có những hào kiệt xuất chúng, nhân vật lịch sử, văn hóa. Quê nội của Hoàng đế Lê Đại Hành (Lê Hoàn) ở xã Liêm Cần; Sử gia Lê Tung quê ở xã Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm; “Tam Nguyên Yên Đổ”, nhà thơ Nguyễn Khuyến, đỗ đầu cả ba kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình, quê ở Yên Đổ, Bình Lục; nhà tiền bối cách mạng Nguyễn Hữu Tiến, người vẽ cờ Tổ quốc Việt Nam quê ở Duy Tiên; nhà tình báo chiến lược Trần Quốc Hương (Mười Hương) quê ở xã Vũ Bản, huyện Bình Lục.
Hà Nam còn là miền đất sản sinh ra những nhà báo, nhà văn nổi tiếng: Nam Cao, Hoàng Tùng, Nguyễn Thành Lê…Nhà văn - Liệt sỹ Nam Cao đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, ngay từ đợt I (1996). Ông đã từng làm báo Giữ nước và Cờ chiến thắng của tỉnh Hà Nam vào năm 1946 trước khi lên Việt Bắc tham gia làm báo và văn nghệ kháng chiến vào năm 1947. Câu nói nổi tiếng của Nam Cao về nghề cầm bút là “Sống đã rồi hãy viết”. Bí thư T.Ư Đảng Hoàng Tùng là Tổng biên tập đầu tiên của Báo Nhân Dân, từ năm 1951, và làm Tổng biên tập trong suốt hơn 30 năm. Hoàng Tùng, cây bút chính luận bậc thầy căn dặn những người làm báo: “Nhân dân là đối tượng phục vụ, không phải để tuyên truyền những điều rỗng tuếch”. Nhà báo, nhà ngoại giao xuất sắc Nguyễn Thành Lê từng làm Phó Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội. Nguyễn Thành Lê là một trong số các nhà báo được Bác Hồ trực tiếp giao nhiệm vụ đứng ra sáng lập Hội Nhà báo Việt Nam tại chiến khu Việt Bắc năm 1950, và được bầu làm Tổng thư ký đầu tiên của Hội.
Tiếp nối truyền thống của các các thế hệ đi trước và hòa nhịp cùng dòng chảy phát triển của báo chí cách mạng, trong những năm qua những người làm báo là con em quê hương Hà Nam đã có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp báo chí Việt Nam và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Nam. Đặc biệt, cùng với đội ngũ những người làm báo ở địa phương, thời kỳ nào Hà Nam cũng có hàng trăm nhà báo công tác ở các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương, trong đó nhiều anh chị em làm công tác lãnh đạo, quản lý các tờ báo lớn như Báo Nhân Dân, Đài tiếng nói Việt Nam, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam..., hoặc phụ trách các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí như Vụ Báo chí và Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương, Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông và nhiều cơ sở đào tạo phóng viên báo chí.
Theo thống kê bước đầu, hiện có trên 200 nhà báo là con em quê hương Hà Nam đang công tác tại các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương. Theo nguyện vọng của các đồng nghiệp, đồng hương, Câu lạc bộ Nhà báo Hà Nam được chuẩn bị thành lập trong nhiều năm nay, với tên gọi ban đầu là FC Báo chí Hà Nam. Câu lạc bộ đã thu hút trên 100 thành viên, hầu hết là các nhà báo trẻ, cùng sự tham gia tích cực của một số nhà văn hóa, nhà doanh nghiệp. Trong quá trình chuẩn bị, Câu lạc bộ đã được sự quan tâm, nhiệt tình ủng hộ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Hội Nhà báo Hà Nam.
Câu lạc bộ Nhà báo Hà Nam ra đời là diễn đàn để anh chị em hội viên có thể trao đổi kỹ năng, nghiệp vụ, kinh nghiệm nghề báo, giúp đỡ lẫn nhau trong tác nghiệp báo chí; cùng nhau tạo ra những tác phẩm báo chí, dòng thông tin chính thống tích cực hướng về quê hương, góp phần thúc đẩy phát trển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà...
Theo đó, Câu lạc bộ Nhà báo Hà Nam sẽ chính thức tổ chức lễ ra mắt vào 9h ngày 27/6/2019, tại Trung tâm tổ chức sự kiện Thúy Nga (số 463 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội). Ban Tổ chức mong muốn sẽ được đón chào sự có mặt tham gia lễ ra mắt Câu lạc bộ Nhà báo Hà Nam của đông đủ anh chị em phóng viên báo chí quê hương Hà Nam hiện đang công tác tai Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác. Ban Tổ chức đã phân công Nhà báo Dương Ngân (0914887626) tiếp nhận các thông tin, khẳng định tham dự của các đại biểu.
Theo Dangcongsan.vn