Rét đậm, rét hại, nắng nóng là gì? Những nguyên nhân hình thành nên rét đậm, rét hại, nắng nóng
Rét đậm, rét hại, nắng nóng là những hiện tượng thời tiết đặc biệt thường xảy ra theo mùa. Tuy nhiên những hiện tượng thời tiết này lại dễ gây ra nhiều tổn thương trong sản xuất, kinh doanh.
Khái niệm rét đậm, rét hại, nắng nóng
Rét đậm: Khi nhiệt độ trung bình ngày trong khu vực dao động phổ biến trong khoảng từ 13 đến 150C.
Rét hại: Khi nhiệt độ trung bình ngày trong khu vực giảm xuống dưới 130C.
Rét đậm, rét hại kéo dài từ 3 ngày liên tiếp trở lên theo chỉ tiêu thống kê của nông nghiệp thì được gọi là đợt rét đậm, rét hại.
Hiện tượng rét đậm, rét hại chủ yếu được hiểu cho vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ và Bắc Trung bộ, nơi có các hoạt động sản xuất nông nghiệp nhiều nhất vào mùa lạnh. Các thuật ngữ này không áp dụng đối với vùng núi vì ở đó rét đậm, rét hại không phải xảy ra từng đợt mà hầu như xảy ra suốt tháng. Ví dụ, tại Sa pa (Lào Cai), rét đậm hầu như xảy ra suốt tháng 12, tháng 1 và tháng 2.
Một điều chú ý là nhiệt độ trung bình ngày dưới 150C và 130C phải gắn với hiện trạng thời tiết nhiều mây, đầy mây và có thể có mưa nhỏ, khi đó mới được coi là rét đậm, rét hại. Trong thực tế, vào những ngày trời quang mây về đêm, nhiệt độ xuống rất thấp, nhưng ban ngày trời nắng nhiệt độ lên rất cao, nhiệt độ trung bình ngày vẫn có thể dưới 150C nhưng không được coi là rét đậm.
Nắng nóng: là một dạng thời tiết đặc biệt thường xảy ra trong những tháng mùa hè.
Nắng nóng là sự biểu hiện khi nền nhiệt độ trung bình ngày khá cao và được đặc trưng ở nhiệt độ cao nhất trong ngày (Tx ≥ 350C). Nắng nóng có thể xảy ra trong trường hợp ít mây, độ ẩm tương đối của không khí khá thấp (dưới 50%) thì được gọi là hiện tượng khô nóng và cũng có trường hợp xảy ra trong điều kiện nhiều mây, độ ẩm tương đối của không khí tương đối cao gây oi bức, khó chịu. Trong những ngày nắng nóng đôi khi có xảy ra mưa rào nhẹ và dông nhiệt vào lúc chiều tối.
Nguyên nhân xuất hiện rét đậm, rét hại, nắng nóng
Sự xâm nhập của không khí lạnh, có thể kèm theo front lạnh, là nguyên nhân dẫn đến sự hạ thấp nhiệt độ và gây nên các hiện tượng rét đậm, rét hại. Hiện tượng rét đậm, rét hại có thể kéo dài nhiều ngày, thành đợt, và có thể xuất hiện trên diện rộng.
Bảng 7. Số ngày rét đậm, rét hại trung bình tại Hà Nội (thời kỳ 1961 - 2000)
Thập kỷ | Rét đậm | Thời gian kéo dài nhất của 1 đợt (ngày) | Rét hại | Thời gian kéo dài nhất của 1 đợt rét hại (ngày) |
1961 - 1970 | 26,6 | 26 | 11,7 | 16 |
1971 - 1980 | 29,7 | 25 | 13,5 | 14 |
1981 - 1990 | 29,8 | 16 | 17,0 | 10 |
1991 - 2000 | 20,4 | 16 | 7,3 | 10 |
Trung bình | 26,6 | 20,8 | 12,4 | 12,5 |
Năm 2008 | 36 | 29 | 25 | 15 |
Nắng nóng được hình thành khi áp suất cao ở trên cao (từ 3.000 – 7.600 m), áp suất này củng cố và duy trì ở một khu vực trong vài ngày đến vài tuần. Mô hình thời tiết mùa hè thường thay đổi chậm hơn so với mùa đông. Dẫn đến, mức áp suất này cũng di chuyển chậm. Dưới áp suất cao, không khí chìm xuống bề mặt và hoạt động như một mái vòm khí quyển, bẫy và giữ lại hơi nóng gần mặt đất.
Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa có địa hình phức tạp, đồng thời lại chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của áp thấp nóng phía tây và áp cao cận nhiệt đới Tây Thái Bình Dương trong mùa hè nên nắng nóng xảy ra rộng trên khắp lãnh thổ.
Nhìn chung, rét đậm, rét hại, nắng nóng đều là những hiện tượng thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu khiến tần suất và mức độ của chúng tăng lên.
Một vài ví dụ điển hình và mức độ thiệt hại
Rét đậm, rét hại
Trong đợt rét hại kéo dài 33 ngày cuối năm 2007 đến đầu năm 2008 đã có 33.000 con trâu bò, 34.000 ha lúa xuân đã cấy, hàng chục ngàn ha mạ non ở tất cả các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ đã bị chết, thiệt hại lên tới hàng ngàn tỷ đồng.
Năm 2008, rét đậm, rét hại ở Huế kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng, nhiều diện tích lúa vụ Đông Xuân bị vàng lá, trắng lá do không thể ra rễ và phát triển. Trên 8.250 ha lúa ngắn ngày bị trắng lá, trong đó 2.083 ha bị hư hại nặng, có một số diện tích lúa bị chết. Từ ngày 6 đến ngày 17 tháng 2 năm 2008, đã có 275 trâu bò, bê nghé chết do rét lạnh và thiếu thức ăn. Trong đó: huyện Quảng Điền chết 23 con; huyện Nam Đông chết 39 con; huyện A Lưới chết 25 con; huyện Phong Điền chết 103 con, huyện Hương Thuỷ chết 30 con, huyện Hương Trà chết 29 con, huyện Phú Vang chết 20 con, huyện Phú Lộc chết 14 con và thành phố Huế chết 02 con.
Đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ đầu tháng 1 đến ngày 5 tháng 2 năm 2013 đã gây hậu quả nặng nề tới sản xuất nông nghiệp của các tỉnh Bắc Trung bộ. Theo báo cáo của các tỉnh, đã có hơn 43.000 ha lúa và rau màu vụ Đông Xuân bị chết rét. Hà Tĩnh là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất khi có hơn 12.700 ha lúa bị chết rét, tiếp đó là Nghệ An với hơn 10.200 ha lúa và Thanh Hóa hơn 10.000 ha lúa bị chết rét. Riêng tỉnh Quảng Trị ngoài gần 3.000 ha lúa còn có hơn 900 ha rau màu bị chết rét.
Nắng nóng
Nhiệt độ tăng, nhất là nhiệt độ tối cao cùng với các đợt nắng nóng xảy ra nhiều hơn làm tăng nguy cơ cháy rừng, đặc biệt trong mùa khô. Số liệu thống kê cho thấy, trong những năm gần đây diện tích rừng tăng lên, nhưng chất lượng rừng lại có xu hướng giảm (rừng nguyên sinh chỉ còn khoảng 7% trong khi rừng thứ sinh nghèo kiệt chiếm gần 70% tổng diện tích rừng trong cả nước, đây là loại rừng rất dễ xảy ra cháy). Trong vài thập kỷ qua, trung bình mỗi năm Việt Nam mất đi hàng chục ngàn ha rừng (trong đó mất rừng do cháy khoảng 16.000 ha/năm). Trong vòng 40 năm (1963 - 2002) theo số liệu của Cục Kiểm lâm thì có tới 47.000 vụ cháy rừng gây thiệt hại trên 633.000 ha rừng.
Nắng nóng kỉ lục tại Việt Nam diễn ra trong hai tháng 6 và 7 năm 2010. Đây là những đợt nắng nóng gay gắt nhất được ngành khí tượng ghi nhận từ trước đến nay tại Việt Nam. Nhiệt độ tại Hà Nội trên 350C, tại Thanh Hóa và Nghệ An lên tới 40 - 410C.
Trên thế giới cũng ghi nhận nhiều đợt nắng nóng khủng khiếp:
Năm 1936, khắp nước Mỹ có tới 997 người chết trong đợt nắng nóng kéo dài 10 ngày tại quốc gia này. Riêng New York có 76 người thiệt mạng. Hơn 20 trường hợp tử vong là do bị chết đuối vì nhảy xuống nước giảm nhiệt. Đợt nắng nóng này xảy ra khi Mỹ vẫn đang khôi phục từ cuộc Đại khủng hoảng. Một số khu vực nhiệt độ cao tới 490 Nhiều ruộng đồng, mùa màng bị phá hủy bởi quá nóng và thiếu độ ẩm.
Mùa hè năm 2003 là đợt nóng kỷ lục ở châu Âu kể từ năm 1540. Hơn 40.000 người tử vong, nhiều nhất là ở Pháp. Nhiệt độ ở miền Bắc nước Pháp nóng kinh hoàng trong vòng 7 ngày khoảng 400
Năm 2013, người dân Trung Quốc phải vất vả chịu đựng đợt nắng nóng lớn nhất trong hơn nửa thế kỷ qua, nhiệt độ cao nhất đo được lên tới 44,10C tại tỉnh ven biển Chiết Giang vào ngày 11 tháng 8. Nắng nóng kéo dài đã khiến 10 người tại Thượng Hải thiệt mạng.
P.V