Rực rỡ đêm hội ánh sáng Diwali Night 2023 tại Hà Nội
Một trong những sự kiện lớn nhất của Ấn Độ - Diwali Night “Lễ hội ánh sáng” với ý nghĩa kỉ niệm sự chiến thắng của cái thiện trước cái ác vừa được tổ chức tại Hà Nội.
Tối 2/12, một trong những sự kiện lớn nhất của Ấn Độ - Diwali Night “Lễ hội ánh sáng” với ý nghĩa kỉ niệm sự chiến thắng của cái thiện trước cái ác vừa được tổ chức tại Hà Nội.
Đây cũng là dịp để người dân thủ đô có cơ hội tìm hiểu thêm về những nét văn hóa đặc sắc của đất nước và con người Ấn Độ.
Đến với buổi lễ, Không chỉ có khối doanh nghiệp trong và ngoài nước, Diwali Night 2023 còn có sự tham gia của những vị khách quý; ông Vũ Quang Diệm và Ông Tôn Sinh Thành (2 cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Cộng hoà Ấn Độ); PGS.TS Trương Mạnh Tiến (Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường, cựu Tuỳ viên Khoa học); Đại diện Hội hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ của Trung ương và Hà Nội; Tạp chí Kinh tế Môi trường (Chi hội thuộc Hội hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ của thành phố Hà Nội) và không thể thiếu cộng đồng người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
Trong những năm qua, lễ hội này đã trở thành một điểm văn hóa không thể thiếu trong nền văn hóa của thủ đô. Chính vì vậy, nhằm tiếp nối truyền thống nhiều năm qua, tại Hà Nội Phòng thương mại Ấn Độ (INCHAM Hanoi) – Một tổ chức phi lợi nhuận với sứ mệnh thúc đẩy thương mại song phương hai nước kết hợp cùng hội doanh nghiệp Ấn Độ tại Hà Nội sẽ tổ chức lễ hội Diwali Night 2023; mong muốn truyền tải không khí và màu sắc tươi vui của ngày hội lớn nhất năm tại Ấn Độ tới Việt Nam.
Ấn Độ từ lâu đã được biết đến là một vùng đất sở hữu nền văn hóa và tín ngưỡng đa dạng. Bên cạnh những lễ hội tôn giáo, đất nước này còn có lễ hội ánh sáng nổi tiếng và là sự kiện lớn nhất trong năm.
Ở Việt Nam, Tết Nguyên đán là ngày lễ quan trọng nhất thì Diwali đối với người Ấn Độ cũng quan trọng như vậy.
Đây được xem là Tết của người dân tại đất nước này, mang ý nghĩa khởi đầu cho những điều mới và thể hiện lòng biết ơn với những vị thần.
Diwali hay còn gọi là Deepavali (Lễ hội Ánh sáng) được tổ chức để kỉ niệm sự kiện mang ý nghĩa nhắc nhở sự trở lại của thần Rama và vợ của ông - Sita sau khoảng thời gian 14 năm lưu đày về tới thành phố cổ đại Ayodhya, nơi được tin rằng là quê hương của vị thần tối cao trong đạo Hindu.
Theo tương truyền trong sử thi Ramayana, do Sita bị quỷ dữ Ravana bắt cóc, Rama đã quyết định lên đường giải cứu người vợ quý mến của mình.
Nhận được sự giúp đỡ của vị thần mang hình dáng của Khỉ - Hanuman trên đường đi, Rama đã giành chiến thắng trước quỷ dữ và cứu sống Sita. Nhờ vào chiến công này, Rama và Sita đã được thần dân đón tiếp trong niềm hân hoan với đèn cháy sáng khi họ trở về vương quốc và nó có ý nghĩa tôn giáo rất lớn với cộng động người Hindus, người Sikhs và người Jain – không chỉ trong nước Ấn Độ mà còn với nhiều người Ấn Độ sống ở nước ngoài.
Theo lịch phương Tây, Diwali thường diễn ra vào khoảng tháng 10 và tháng 11 hàng năm và kéo dài khoảng 5 ngày, ngày chính xác của lễ hội mỗi năm được tính dựa theo lịch người Hindu.
Ngày này cũng đánh dấu sự bắt đầu của một năm mới, và rất nhiều doanh nghiệp tại Ấn Độ cũng bắt đầu một năm tài khóa mới.
Trước khi đón tết, người dân Ấn Độ theo đạo Hindu, Jain và Sikh thường cố gắng làm nốt mọi việc của năm cũ, trả mọi nợ nần để có một năm mới thật suôn sẻ, thuận lợi và tất bật mua sắm, mua quà lưu niệm tặng người thân,…
Trên sân thượng, xung quanh tường nhà, lan can, cổng chính, vườn cây… được khoác lên màu áo sơn mới và điểm tô những chùm đèn nhiều màu sắc để bầu trời đêm rực lên ánh sáng lung linh huyền ảo.
Theo quan niệm truyền thống, vào đêm Diwali - đêm được coi là Trăng tối nhất trong năm, người dân Ấn Độ thường đổ dầu vào những chiếc đèn làm bằng đất sét để thắp sáng và để như vậy suốt đêm nhằm đón nữ Thần Laskhmi.
Lễ hội Diwali không thể thiếu nến và pháo hoa để xua đuổi linh hồn của quỷ và đón chào Thần Rama trở về.
Tại Ấn Độ những ngày này từng hiên nhà, con phố được rửa sạch và trang hoàng bởi các thảm hình vẽ nghệ thuật rangoli sử dụng các vật liệu bột gạo hoặc cát nhuộm màu cùng với bột mì và cánh hoa từ những bàn tay khéo léo, tài hoa để dâng lên thần thánh với mong ước hạnh phúc và may mắn.
Trong các công viên lớn của thành phố, những hình nộm quỷ giữ Ravana, làm bằng khung tre, bọc giấy màu sặc sỡ, vẽ phẩm màu trông dữ dằn, cao từ 15-20 mét, được dựng lên cùng những thanh niên trai tráng trong trang phục cổ xưa, tay lăm lăm cung tên nhảy múa, diễn lại tích thần Rama của người Hindu chiến thắng quỷ dữ Ravana.
Có thể nói, lễ hội Diwali được tổ chức với ý nghĩa mang lại tinh thần văn hoá Ấn Độ đến gần hơn với người dân thủ đô Hà Nội. Lễ hội được mang đậm màu sắc văn hóa Ấn Độ, ẩm thực Ấn Độ & quốc tế, biểu diễn múa Bollywood, biểu diễn múa Bharatanatyam (nghệ thuật múa cổ điển Ấn Độ), Chương trình bốc thăm may mắn với giải thưởng độc đáo, nhảy Hip-hop, nghệ, vẽ Henna truyền thống, face-painting…
Có mặt tại sự kiện Diwali 2023 ở Hà Nội, du khách có cơ hội tìm hiểu thêm về câu chuyện thông qua những vở kịch thú vị, cũng như bị thu hút bởi màn trình diễn đặc biệt của Antariksh – Một trong những ban nhạc Pop/Rock hàng đầu của Ấn Độ,…
Các chương trình tại sự kiện mang lại ấn tượng khó phai về sự kết hợp giữa hai nền văn hóa Việt Nam - Ấn Độ.
Việt Cường