Sản lượng điện sản xuất tăng trên toàn hệ thống trong 4 tháng đầu năm
Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống tháng 4/2022 đạt 22,62 tỷ kWh, tăng 1,9% so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng đầu năm, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 85,65 tỷ kWh, tăng 6,2% so với cùng kỳ.
Nhiệt điện than chiếm 45,6% sản lượng toàn hệ thống
Trong tháng 4 năm 2022, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, đặc biệt trong kỳ nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương và dịp lễ 30/4 - 1/5.
Về tình hình cung cấp than, do EVN đã chủ động phối hợp với TKV và Tổng Công ty Đông Bắc để tìm mọi giải pháp tháo gỡ vướng mắc, cho nên tình hình cấp than cho các nhà máy nhiệt điện đã có phần cải thiện.
Sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống tháng 4/2022 đạt 22,62 tỷ kWh, tăng 1,9% so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng đầu năm, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 85,65 tỷ kWh, tăng 6,2% so với cùng kỳ, mức huy động một số nguồn chính như sau: Thủy điện đạt 22,22 tỷ kWh, chiếm 25,9% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống; nhiệt điện than đạt 39,09 tỷ kWh, chiếm 45,6% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống; tuabin khí đạt 10,42 tỷ kWh, chiếm 12,2% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống; điện nhập khẩu đạt 536 triệu kWh, chiếm 0,6% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.
Riêng năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) đạt 13,15 tỷ kWh, chiếm 15,4% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống (điện mặt trời đạt 9,31 tỷ kWh, điện gió đạt 3,61 tỷ kWh).
Cũng trong 4 tháng năm 2022, điện sản xuất của EVN và các Tổng Công ty Phát điện (kể cả các công ty cổ phần) đạt 37,23 tỷ kWh, chiếm 43,47% sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống. Sản lượng điện truyền tải tháng 4/2022 đạt 18,1 tỷ kWh. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2022, sản lượng điện truyền tải đạt 67,03 tỷ kWh, tăng 4,1% so cùng kỳ năm trước.
Sản lượng điện thương phẩm toàn EVN tháng 4/2022 ước đạt 20,53 tỷ kWh. Luỹ kế 4 tháng năm 2022 đạt 75,3 tỷ kWh, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Bên cạnh đó, tính đến hết tháng 4 năm 2022, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt 87,36%; tỷ lệ tiền điện thanh toán không dùng tiền mặt đạt toàn EVN đạt 96,42%.
Trong 4 tháng đầu năm 2022, EVN và các đơn vị đã khởi công 30 công trình và hoàn thành đóng điện, đưa vào vận hành 31 công trình lưới điện từ 110 kV đến 500kV. Trong đó đã đóng điện giai đoạn 2 trạm biến áp 220kV Châu Thành, giai đoạn 2 nâng khả năng tải đường dây 220kV Hòa Bình - Chèm và Hà Đông - Chèm, hoàn thành dự án treo dây mạch 2 đường dây 220kV Thanh Hóa - Vinh và đoạn tuyến đường dây 220kV Lào Cai - Yên Bái (thuộc Dự án đường dây 220kV Lào Cai - Bảo Thắng).
Điện và than “bắt tay” đảm bảo năng lượng cho phát triển kinh tế
Theo ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nhu cầu điện ngày càng tăng cao, trong khi giá nhiên liệu, nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là giá than tăng cao gây khó khăn cho việc sản xuất điện.
Trong khi đó, căn cứ số liệu tổng hợp được cập nhật đến ngày trong quý 1, tình hình cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện của EVN vẫn đang tiếp tục có nhiều khó khăn và thiếu hụt rất lớn so với hợp đồng cung cấp than đã ký.
Theo số liệu mới nhất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống tháng 4/2022 đạt 22,62 tỷ kWh, tăng 1,9% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 85,65 tỷ kWh, tăng 6,2% so với cùng kỳ.
Trong quý I/2022, tổng khối lượng than đã được cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện của EVN là 4,49 triệu tấn trên tổng số 5,85 triệu tấn theo hợp đồng đã ký (tương ứng tỷ lệ 76,76%). Như vậy, lượng than được cung cấp đã thiếu hụt 1,36 triệu tấn so với khối lượng trong hợp đồng.
Do đó, đến cuối tháng 3/2022, nhiều tổ máy nhiệt điện than trong hệ thống đã phải dừng và giảm phát; các nguồn nhiệt điện than huy động thấp hơn kế hoạch là 1,365 tỷ kWh. EVN đã chủ động làm việc với các đối tác cung ứng than trong nước nhằm tìm cách tháo gỡ các vướng mắc phát sinh và báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo.
Trong hệ thống điện Việt Nam hiện nay, nhiệt điện than chiếm khoảng hơn 40% sản lượng điện hệ thống, EVN sở hữu hơn 13.000MW nhiệt điện than. Như vậy việc cung cấp than cho điện là vấn đề rất quan trọng để EVN đảm bảo điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trước đó, Tập đoàn Công nghiệp - Than khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có buổi làm việc, ký kết thỏa thuận hợp tác cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện thuộc EVN.
Theo ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Hội đồng thành viên TKV, đầu năm 2022, nhu cầu than tiêu thụ trong nước tăng rất cao, trong khi đó điều kiện sản xuất gặp nhiều khó khăn, thách thức do nguy cơ thiếu hụt lao động vì ảnh hưởng của dịch bệnh COVID -19; bất ổn chính trị do xung đột giữa Nga và Ukraine dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng năng lượng thế giới, đẩy giá xăng dầu, sắt thép…và các chi phí đầu vào tăng cao, làm chi phí sản xuất than tăng; thời tiết tháng 2 mưa nhiều…
Trong bối cảnh đó, để kịp thời cung ứng than cho các nhà máy nhiệt điện thuộc EVN, TKV đã chỉ đạo các đơn vị chủ động xây dựng phương án điều hành, tổ chức sản xuất theo tinh thần linh hoạt, thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh nhằm huy động tối đa các nguồn lực thúc đẩy gia tăng sản xuất và đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh nhập khẩu than, tăng thêm nguồn cung cấp than nhập khẩu từ 2 quốc gia Australia và Nam Phi để bù đắp nguồn than thiếu hụt từ Liên bang Nga.
“Nhận thức rõ tầm quan trọng của cung cấp than cho điện để đảm bảo phát triển kinh tế của đất nước, TKV đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị của mình và TKV cam kết sẽ cung cấp đủ than cho sản xuất điện trong năm 2022, đặc biệt là trong những tháng cao điểm mùa nắng nóng năm nay”, Chủ tịch HĐTV TKV Lê Minh Chuẩn nói.
Sau khi trao đổi về tình hình cung cấp than cho các Nhà máy Nhiệt điện của EVN các tháng đầu năm 2022 và dự kiến kế hoạch cấp than cho các tháng còn lại trong năm 2022, EVN và TKV đã thống nhất: TKV sẽ nỗ lực phấn đấu cấp bù lượng than chưa giao trong quý I theo khối lượng hợp đồng (tương ứng khoảng 800.000 tấn) trong các quý còn lại của năm 2022.
EVN và TKV thống nhất phối hợp thường xuyên về việc cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện của EVN năm 2022; hợp tác xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình cung cấp than; trao đổi, thống nhất các nội dung liên quan và cùng báo cáo các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền các vấn đề vượt thẩm quyền.
Theo nhận định của các cơ quan khí tượng, nắng nóng tại Bắc Bộ và Trung Bộ sẽ xuất hiện muộn hơn so với trung bình các năm; các đợt nóng không quá gay gắt và kéo dài. Do đó, trong tháng 5/2022, nhu cầu sử dụng điện khu vực miền Bắc được dự báo chưa biến động đột biến. Dự kiến sản lượng tiêu thụ điện bình quân ngày toàn hệ thống ở mức 805 triệu kWh/ngày, công suất phụ tải lớn nhất ước khoảng 45.818 MW.
Mục tiêu vận hành hệ thống điện tháng 5/2022 là: Tiếp tục đảm bảo sản xuất, cung ứng điện cho hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt người dân; đặc biệt là đảm bảo điện phục vụ SEA Games 31 và kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV.
Lan Anh