Chủ nhật, 24/11/2024 06:21 (GMT+7)
Thứ hai, 24/08/2020 06:09 (GMT+7)

Sáng chế thông minh giúp bảo vệ môi trường

Theo dõi KTMT trên

Ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng ảnh hưởng đến sự sống trên Trái đất và sức khoẻ của con người. Để giảm thiểu ô nhiễm, đã có nhiều sáng chế thông minh được đưa ra để góp phần làm sạch môi trường và cứu lấy hành tinh.

“Cây nhân tạo” lọc không khí

BioUrban, cây nhân tạo hút ô nhiễm không khí bằng 368 cây thật đã được Biotech, một công ty khởi nghiệp ở Mexico thiết kế để làm sạch carbon dioxide và các chất gây ô nhiễm khác từ không khí, trả lại oxy tinh khiết cho môi trường.

Sáng chế thông minh giúp bảo vệ môi trường - Ảnh 1
Cây nhân tạo được "trồng" ở những nơi ô nhiễm không khí.

Với chiều cao 4,2 mét và rộng gần ba mét, thiết bị trông giống như một cây thánh giá bằng thép giữa tòa nhà cao tầng hiện đại.

Thành phố Mexico là một đô thị rộng lớn với hơn 20 triệu người, thường xuyên bị cảnh báo ô nhiễm không khí, do khí thải từ hơn năm triệu xe hơi, các ngành công nghiệp gây ô nhiễm và cả núi lửa Popocatepetl ở gần đó.

Để chống lại điều này, một nhóm các kỹ sư đã có ý tưởng tạo ra một loại cây nhân tạo, có chức năng giống như cây tự nhiên là hấp thụ ô nhiễm và trả lại không khí sạch. Phát minh này có vẻ đầy hứa hẹn, đặc biệt đối với những người bị ô nhiễm nhiều nhất là người đi bộ, người già và người đi xe đạp.

Seabin - Máy hút rác đại dương

Với mong muốn thu dọn rác trên biển tiện lợi và không quá tốn kém, hai thanh niên người Úc - Andrew Turton và Pete Ceglinski đã giới thiệu đến mọi người phát minh về "thùng rác biển" kì diệu.

Sáng chế thông minh giúp bảo vệ môi trường - Ảnh 2
Chiếc thùng rác biển này có chức năng hút các loại rác.

Seabin là thiết bị có khả năng tự thu gom rác thải trên bề mặt đại dương mà không gây ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài cá. Thiết bị được nối với máy bơm hút nước. Rác nổi, đặc biệt là các chai nhựa, túi nilon và dầu tràn, sẽ được thùng rác nổi hút vào bên trong một túi lưới tách rời. Sau khi phân loại rác và lọc các loại dầu, chất tẩy rửa, Seabin sẽ đưa phần nước sạch trở lại biển.

Sản xuất gạch từ... rác thải nhựa

Những viên gạch được sản xuất từ rác thải nhựa để xây dựng lớp học đang là giải pháp hữu hiệu, giúp giải quyết bài toán về thiếu cơ sở giáo dục cho trẻ em ở Bờ Biển Ngà. Sáng kiến này cũng được thúc đẩy để áp dụng rộng rãi tại các khu vực Tây và Trung Phi, những nơi có tỉ lệ học sinh bỏ học cao trên thế giới vì tình trạng thiếu phòng học gây nên.

Đây là kết quả của chương trình hợp tác giữa Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Công ty tái chế chất thải nhựa và cao su Conceptos Plasticos, nhằm sử dụng nhựa được thu gom từ các khu vực ô nhiễm trong và chung quanh thành phố A-bi-giăng, để sản xuất gạch phục vụ kế hoạch xây dựng 500 phòng học cho hơn 25.000 trẻ em trong 2 năm tới.

Sáng chế thông minh giúp bảo vệ môi trường - Ảnh 3
Niềm vui của trẻ em Niềm vui của trẻ em Bờ Biển Ngà bên phòng học vừa được xây dựng mới. (Ảnh: UNICEF)

Theo Liên hợp quốc (LHQ), những viên gạch được sản xuất từ nhựa tái chế và có khả năng chống cháy, giá thành rẻ hơn 40%, nhẹ hơn 20% và có tuổi thọ dài hơn hàng trăm năm so các vật liệu xây dựng thông thường. Gạch từ nhựa tái chế cũng không thấm nước, cách nhiệt tốt và được thiết kế để chống gió.

Ecocapsule - Ngôi nhà sử dụng năng lượng tự nhiên

Ecocapsule là một ngôi nhà nhỏ chỉ cho 2 người sống ở đó. Điểm đặc biệt là loại nhà này sử dụng năng lượng từ chiếc tuabin gió và tấm bảng năng lượng mặt trời được lắp ngay trên mái nhà.

Sáng chế thông minh giúp bảo vệ môi trường - Ảnh 4
Ecocapsule có hình dáng như một quả trứng với vỏ được làm từ sợi thủy tinh.

Ecocapsule có thể được dùng như ngôi nhà tí hon đầy đủ tiện nghi, gồm 1 nhà vệ sinh kiêm phòng tắm có vòi hoa sen, 1 gian bếp nhỏ, bàn làm việc, giường gấp và các ngăn chứa đồ đạc, dụng cụ. Người dùng ra vào ngôi nhà bằng 1 cửa chính duy nhất, bên cạnh đó có thêm 2 cửa sổ lớn, cung cấp đủ ánh sáng và tầm quan sát cho người sử dụng.

Sản xuất nhiên liệu phản lực sinh học từ nước biển

Các nhà nghiên cứu của Viện công nghệ sinh học Manchester thuộc trường đại học Manchester ngày 17/10 đã công bố một báo cáo cho biết họ đang phát triển một phương pháp hiệu quả và bền vững hơn để sản xuất thế hệ tiếp theo của nhiên liệu phản lực sinh học bằng cách tổng hợp các loại hợp chất từ vi khuẩn Halomonas có trong nước biển.

Sáng chế thông minh giúp bảo vệ môi trường - Ảnh 5
Ảnh minh họa. (Nguồn: General Aviation News)

Điều này có nghĩa là các sản phẩm như nhiên liệu máy bay phản lực có thể được sản xuất một cách kinh tế bằng cách sử dụng phương pháp sản xuất tương tự như ngành công nghiệp bia và sử dụng các nguồn tài nguyên tái tạo như nước biển và đường.

Tiến sỹ Kirk Malone, Giám đốc thương mại của Viện công nghệ sinh học Manchester thuộc trường đại học Manchester, cho rằng không giống như các nguyên liêu sinh học mà chúng ta biết hiện nay phải phụ thuộc vào đất canh tác để sản xuất ngô và củ cải đường, sản xuất sinh học trong nước biển sẽ tránh được sự liên quan giữa nhiên liệu và thực phẩm.

Hơn nữa, sản phẩm cuối cùng sẽ giống hệt với nhiên liệu hiện nay, cho phép các phương tiện duy trì cùng một quy chuẩn nhiên liệu hiệu suất cao mà không cần thiết kế lại động cơ để tiêu thụ nhiên liệu chất lượng thấp.

Hệ thống tái chế rác hữu cơ

Homebiogas là hệ thống sẽ giúp bạn tái chế những chất thải hữu cơ ví dụ như thực phẩm. Bạn chỉ cần bỏ những rác thải hữu cơ vào đó, nó sẽ cần thêm năng lượng từ ánh sáng Mặt trời để sản xuất ra khí gas cho gia đình bạn sử dụng. Nó hoàn toàn thân thiện với môi trường.

Nguyên liệu đầu vào của hệ thống khí sinh học này có thể là tất cả các loại rác hữu cơ, bao gồm thịt, sữa và thậm chí cả chất thải của mèo. Khi được cho vào bên trong, các vi khuẩn yếm khí trong hầm lên men sẽ phân hủy các vật liệu hữu cơ và giải phóng ra khí sinh học.

Sáng chế thông minh giúp bảo vệ môi trường - Ảnh 6
Hệ thống HomeBiogas biến rác hữu cơ thành khí đốt.

Có giá thành là 995 USD và hoạt động không cần điện, hệ thống HomeBiogas có thể xử lý đến 5 kg thức ăn thừa hoặc 15 lít phân động vật mỗi ngày.

Lượng khí đốt do hệ thống sinh ra mỗi ngày tương đương với lượng điện 6 kW giờ. Ngoài ra sản phẩm phụ của hệ thống này còn có thể sử dụng làm phân bón dạng lỏng cho cây.

Mỗi kilogram rác thải hữu cơ có thể được chuyển đổi trung bình thành 200 lít nhiên liệu và sử dụng trong một giờ đun nấu. Phát minh này có thể hạn chế tới 6 tấn khí thải CO2 mỗi năm.

Biến vỏ cua xanh châu Âu thành nhựa

Một nhóm các nhà khoa học ở Canada đã phát triển một ý tưởng biến vỏ cua thành đồ nhựa.

Dự án được phát triển bởi Audrey Moores, một nhà hóa học tại Đại học McGill, hợp tác với Công viên quốc gia Kejimkujik ở Nova Scotia, nơi đã phải vật lộn với số lượng cua xanh châu Âu xâm lấn từ những năm 1980.

Sáng chế thông minh giúp bảo vệ môi trường - Ảnh 7
Cua xanh châu Âu xâm lấn đất liền đã trở thành một vấn đề lớn tại Công viên quốc gia Kejimkujik, bờ biển ở Nova Scotia. (Ảnh: Getty Images)

Nhóm nghiên cứu của Moores đã thu hoạch cua xanh từ công viên và chế biến vỏ của chúng để chiết xuất một hóa chất gọi là chitin. Chitin có thể được sử dụng để tạo ra nhựa thân thiện với môi trường, tự phân hủy trong các bãi chôn lấp và đại dương mà không có bất kỳ tác động xấu nào tới môi trường.

Moores đã nghĩ ra một phương pháp mới và ít độc hại tới môi trường để chế biến chitin liên quan đến việc nghiền vỏ cua và trộn chúng với một loại bột đặc biệt. Phương pháp này sử dụng ít nước hơn và ít hóa chất hơn, đảm bảo tạo ra rất ít chất thải hóa học.

Nhựa được sản xuất qua quá trình này rất cứng, giống như thủy tinh, và nhóm nghiên cứu đang sản xuất một chất mềm hơn có thể được đúc thành các vật phẩm như cốc, đĩa và dao kéo bằng nhựa.

Chế tạo vỏ chai bia bằng giấy

Năm 2019, hãng bia Carlsberg đã thông báo về hành trình tạo ra chai bia giấy đầu tiên trên thế giới được làm từ sợi gỗ có nguồn gốc bền vững, dựa trên 100% sinh học và có thể tái chế hoàn toàn.

Carlsberg đã tiết lộ hai mẫu nghiên cứu mới của chai bia Green Fiber, đây là “chai giấy” đầu tiên có chứa bia. Carlsberg cũng tuyên bố họ đã tham gia cùng với các công ty hàng đầu toàn cầu khác, những người thống nhất trong tầm nhìn phát triển bao bì bền vững thông qua sự tiến bộ của công nghệ chai giấy.

Sáng chế thông minh giúp bảo vệ môi trường - Ảnh 8

Những phát triển này là sự tiếp nối của hành trình đổi mới bao bì bền vững của Carlsberg và là một phần quan trọng trong chương trình phát triển bền vững của các hãng bia đang thực hiện cam kết giảm bằng không đối với lượng khí thải carbon tại các nhà máy bia và giảm 30% lượng khí thải carbon toàn chuỗi vào năm 2030.

Bên cạnh ô nhiễm môi trường không khí, ô nhiễm môi trường nước nói chung và môi trường biển nói riêng vẫn luôn nằm ở mức đáng báo động. Thông tin từ Liên Hợp Quốc cho thấy, trong năm 2018 có đến hơn 80% lượng nước thải trên thế giới chảy ra môi trường tự nhiên mà không qua xử lý.

Theo thông tin từ National Geographic, ở các nước đang phát triển, 70% chất thải công nghiệp thải vào môi trường nước mà không được xử lý đã gây ô nhiễm nguồn cung nước có thể sử dụng. Thậm chí, ở một số nước kém phát triển, con số này lên đến mức 95%.

Báo cáo của WHO cho biết, hơn 80% người dân sống ở khu vực thành thị chịu ô nhiễm không khí với mức chất lượng bụi trong không khí vượt quá giới hạn cho phép của WHO. Còn các nước thu nhập thấp và trung bình phải chịu mức ô nhiễm cao nhất, cả trong nhà và ngoài trời.

Nguyễn Luận

Bạn đang đọc bài viết Sáng chế thông minh giúp bảo vệ môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới