Chủ nhật, 24/11/2024 06:52 (GMT+7)
Thứ hai, 25/07/2022 06:55 (GMT+7)

Sang tên sổ đỏ, sổ hồng thực hiện thế nào?

Theo dõi KTMT trên

Sang tên sổ hồng, sổ đỏ theo quy định của pháp luật là thủ tục đăng ký biến động khi chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Khoản 1 Điều 95 Luật Đất đai năm 2013 quy định:

“Đăng ký đất đai là bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý; đăng ký quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thực hiện theo yêu cầu của chủ sở hữu”.

Theo khoản 4 Điều 95 Luật Đất đai 2013, đăng ký biến động được thực hiện đối với trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận mà thực hiện quyền chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế quyền sử dụng đất,...

Theo đó, khi chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế quyền sử dụng đất phải đăng ký biến động (phải sang tên).

Sang tên sổ đỏ, sổ hồng thực hiện thế nào? - Ảnh 1
Khi chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế quyền sử dụng đất phải đăng ký biến động (phải sang tên). (Ảnh minh họa)

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013, người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây: Có sổ đỏ; Đất không có tranh chấp; Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án; Trong thời hạn sử dụng đất. Chủ sử dụng đất phải đáp ứng được có điều kiện nêu trên mới có thể thực hiện việc chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất.

Căn cứ theo khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai quy định về quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất thì hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất phải được công chứng hoặc chứng thực. Việc công chứng được thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng, việc chứng thực thực hiện tại UBND cấp xã.

Để thực hiện thủ tục sang tên sổ đỏ tại quận Thanh Xuân, bên chuyển nhượng, tặng cho và bên nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho đến văn phòng công chứng thành lập hợp đồng chuyển nhượng hoặc hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất và hợp đồng này được công chứng; sau đó, nộp hồ sơ tại Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội – Chi nhánh quận Thanh Xuân.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT (sửa đổi bởi khoản 2 Điều 7 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT) về hồ sơ địa chính thì người sử dụng đất cần chuẩn bị 1 bộ hồ sơ như sau: Đơn đăng ký biến động theo Mẫu số 09/ĐK; Hợp đồng tặng cho, mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất (đã được công chứng); Bản gốc sổ đỏ đã cấp; Văn bản của các thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất đồng ý chuyển quyền sử dụng đất của hộ gia đình đã được công chứng hoặc chứng thực; Chứng minh nhân dân, hộ khẩu của các bên; Giấy chứng nhận kết hôn, Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (tùy theo từng trường hợp cụ thể); Trường hợp tặng cho, thừa kế phải cung cấp thêm giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân của người cho và người nhận.

Về việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ: Văn phòng Đăng ký đất đai kiểm tra hồ sơ, nếu đủ điều kiện thực hiện các quyền theo quy định thì thực hiện các việc sau: Gửi thông tin địa chính đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định; Xác nhận nội dung biến động vào sổ đỏ đã cấp; Trường hợp phải cấp sổ đỏ thì lập hồ sơ trình UBND cấp huyện cấp sổ đỏ cho người sử dụng đất; Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.

Sau khi người nộp hồ sơ đăng ký biến động đất đai thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, Văn phòng Đăng ký đất đai trả sổ đỏ cho người sử dụng đất.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Sang tên sổ đỏ, sổ hồng thực hiện thế nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dự kiến có 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, bao gồm các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích...

Tin mới