Một vài năm trở lại đây, hiện tượng sở hữu chéo ngân hàng đang có dấu hiệu gia tăng, với nhiều phương thức tinh vi nhằm qua mắt cơ quan quản lý. Chính Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận việc ngăn chặn tình trạng này đang gặp nhiều khó khăn.
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm vi phạm theo quy định đối với tình trạng sở hữu chéo tại các tổ chức tín dụng, việc cấp tín dụng cho các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái, doanh nghiệp sân sau.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu chấm dứt tình trạng cho vay tập trung vào một số doanh nghiệp, dự án thuộc hệ sinh thái, hoặc thuộc sân sau của tập đoàn. Nghiêm cấm, việc mở rộng room tín dụng và dành lãi suất thấp cho thành viên ban lãnh đạo ngân hàng.
Trước khi vụ án bà Trương Mỹ Lan thao túng ngân hàng SCB được phanh phui, đã từng có nhiều vụ đại án tương tự được cơ quan tố tụng đưa ra xét xử, như vụ Bầu Kiên, Ngân hàng Việt Hoa, Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm…
Sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng đù đã được cảnh báo sẽ gây ra những hệ lụy, rủi ro khôn lường cho hệ thống tài chính và nền kinh tế. Thực tế cho thấy, những vụ thao túng, chi phối hoạt động ngân hàng đã diễn ra và đưa đến những hậu quả cực lớn.
Đến cuối năm 2018, số cặp tổ chức tín dụng (TCTD) sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau về cơ bản đã khắc phục hết. Hiện chỉ còn 1 cặp sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp.