Chủ nhật, 24/11/2024 05:01 (GMT+7)
Thứ năm, 19/10/2023 08:38 (GMT+7)

Sử dụng đất đá thải mỏ để san lấp: Ngăn chặn tổn thất tài nguyên khoáng sản bằng cách nào?

Theo dõi KTMT trên

Theo PGS.TS Lưu Đức Hải, để ngăn chặn tình trạng tổn thất tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là than như hiện nay, Nhà nước cần nghiên cứu, xem xét sửa đổi Luật Thuế Tài nguyên một cách phù hợp.

Tổn thất tài nguyên khoáng sản nặng nề

Như Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường thông tin, vừa qua, các nhà khoa học thuộc Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã có chuyến khảo sát độc lập, lấy mẫu đất đá, cũng như mẫu nước tại một số vị trí sử dụng đất đá thải mỏ.

Theo kết quả phân tích mẫu đất đá thải được lấy tại các vị trí như KĐT Ao Tiên (Vân Đồn), Cụm Công nghiệp Cẩm Thịnh (Cẩm Phả), KĐT Dragon City (Cẩm Phả), KĐT Cao Xanh - Hà Khánh (Hạ Long), Dự án đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, một số mẫu tại các bãi thải mỏ: Hà Lầm; Cao Sơn; Đông Dương; Vàng Danh; Hòn Gai; Uông Bí cho thấy có Hàm lượng % than trong mẫu đã lấy. Có những mẫu Hàm lượng % than lên đến 17.3%.

Cũng từ đánh giá của các nhà khoa học: Tất cả các mẫu phân tích lấy từ bãi thải đã đưa san lấp và đất đá thải mỏ khác đều chứa than. Có 2 mẫu đất đá thải san lấp chứa hàm lượng than rất cao (15,2 và 17,3 %).

Như vậy, với chủ trương dùng đất đá thải mỏ để làm vật liệu san lấp, vô hình trung, tỉnh Quảng Ninh đang biến tài nguyên khoáng sản thành chất thải san lấp. Đồng thời, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường biển như ý kiến của các nhà khoa học mà Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã đăng tải.

Để hiểu sâu hơn về nguyên nhân, thực trạng này, Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã có buổi trao đổi, ghi nhận ý kiến của PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam xung quanh vấn đề trên ở một góc nhìn khác về thuế tài nguyên.

Sử dụng đất đá thải mỏ để san lấp: Ngăn chặn tổn thất tài nguyên khoáng sản bằng cách nào? - Ảnh 1
PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam.

PGS.TS Lưu Đức Hải cho biết, theo đánh giá của các nhà khoa học công nghiệp mỏ thì khai thác than được xếp vào loại hình khai thác hiệu quả và ít tổn thất nhất. Có một thực tế là, khai thác than lộ thiên lại ít gây ra tổn thất tài nguyên hơn kiểu khai thác hầm lò. Khai thác than lộ thiên là khai thác từ trên xuống dưới, phần đất đá thải được đổ thành từng bãi. Và như kết quả lấy mẫu ở Quảng Ninh, thì trong đất đá thải mỏ vẫn còn tồn dư rất nhiều than.

PGS.TS Lưu Đức Hải khẳng định, tuy vậy, việc khai thác với công nghệ hầm lò hiện nay đã và đang gây ra tổn thất khoáng sản gấp nhiều lần so với khai thác lộ thiên.

Cũng theo PGS.TS Lưu Đức Hải chia sẻ, khoáng sản hiện nay được chia thành hai phần là trữ lượng công nghiệp và trữ lượng địa chất. Trong đó, trữ lượng công nghiệp là trữ lượng khoáng sản có chiều dày thân quặng có thể khai thác hiệu quả quy mô công nghiệp. Trữ lượng địa chất là gồm tất cả trữ lượng của các vỉa hoặc thân quặng có trong mỏ khoáng sản. Theo tính toán, trữ lượng công nghiệp thường chỉ bằng một nữa trữ lượng địa chất.

Theo PGS.TS Lưu Đức Hải, hiện nay, các mỏ hầm lò ở Quảng Ninh mới chỉ khai thác được 50% trữ lượng công nghiệp. Như vậy, lượng khoáng sản bị tổn thất là vô cùng lớn. Và điều này ít người dám nói. “Số liệu này có được là do tôi đã từng làm và nghiên cứu tại 7 mỏ than thuộc Công ty than Uông Bí giai đoạn 1997-1998, Quảng Ninh. Và với công nghệ khai thác hầm lò như hiện nay, số liệu này vẫn hoàn toàn chính xác”, PGS.TS Lưu Đức Hải khẳng định.

Điều đặc biệt hơn, đối với phương thức khai thác hầm lò, sau khi khai thác, hầm được đóng và trữ lượng than còn lại (khoảng 50%) sẽ bị chôn vùi vĩnh viễn không thể tái khai thác. Bởi lẽ, sau  khi dừng khai thác, các khoảng trống trong long đất ở trong hầm lò sẽ tích đầy túi khí hoặc túi nước; đối với các mỏ than là các túi khí Metan (CH4) hoặc khí (CO2). Nếu như tái khai thác, nguy cơ nổ túi khí hoặc bục túi nước rất cao, gây ra sự cố môi trường. Lúc này, tổn thất sự cố đối với các hầm lò khai thác và tính mạng công nhân.

Sử dụng đất đá thải mỏ để san lấp: Ngăn chặn tổn thất tài nguyên khoáng sản bằng cách nào? - Ảnh 2

Moong than Cọc Sáu năm 2020 nhìn từ một góc (ảnh công đoàn TKV).

PGS.TS Lưu Đức Hải thông tin, hiện nay, trên thế giới, một số nước như Ba Lan đã khai thác than và đạt được con số khoảng 70 – 80% trữ lượng công nghiệp.

Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho rằng, trong khi than là loại khoáng sản có thể khai thác hiệu quả nhất mà còn tổn thất như vậy. Nhìn rộng ra các loại khoáng sản khác, hiệu quả khai thác kém hơn như vàng, bạc, apatit… thì rõ ràng là chúng ta đang bị lãng phí, tổn thất tài nguyên nặng nề.

Câu chuyện xảy ra đó là, sau quá trình khai thác, vẫn có những doanh nghiệp, tập đoàn xin khai thác lại. Điều này xảy ở hầu hết các mỏ khoáng sản ở Việt Nam, không riêng gì tài nguyên than ở Quảng Ninh. Đây cũng là đáp án cho câu hỏi vì sao, ở đâu có khoáng sản thì ở đó có người đi khai thác khoáng sản gọi là “tặc”. Sau những mỏ vàng sẽ có những nhóm người đi đãi vàng trái phép, bãi vàng “thổ phỉ”, gây thất thoát tài nguyên, thuế cũng như gây mất an ninh trật tự xã hội.

Cần sửa đổi Luật Thuế tài nguyên!

PGS.TS Lưu Đức Hải cho rằng, việc tăng khả năng tận thu khai thác khoáng sản không khó, đây chỉ là vấn đề công nghệ. Nhưng đằng sau đó là cả một bài toán về lợi ích kinh tế. Vậy làm thế nào để giải bài toán kinh tế cũng như tránh tổn thất tài nguyên khoáng sản. Chúng ta phải bắt đầu từ đâu?

PGS.TS Lưu Đức Hải thông tin, theo Luật Thuế tài nguyên hiện hành, tài nguyên không tái tạo (khoáng sản, đa dạng sinh hov) và tài nguyên tái tạo (nước mặt, nước ngầm, nước khoáng, gỗ rừng, v.v.) không được phân loại và được tính thuế theo sản phẩm đầu ra (sản lượng khai thác) là không hợp lý vì tài nguyên tái tạo không khai thác vẫn còn để tiếp tục khai thác, còn tài nguyên không tái tạo thường đã khai thác một phần sẽ khó có khả năng khái  thác tiếp.

Sử dụng đất đá thải mỏ để san lấp: Ngăn chặn tổn thất tài nguyên khoáng sản bằng cách nào? - Ảnh 3
Đất đá thải mỏ được mang đi san lấp mặt bằng tại một dự án ven biển ở Quảng Ninh.

Vậy, tại sao chúng ta không đánh thuế vào phần trữ lượng mỏ khoáng sản khi cấp phép khai thác. Nếu như tính thuế theo trữ lượng, chúng ta có thể giảm mức thuế, thậm chí giảm 50%. Nhưng tiền thuế sẽ tính trên tổng thể trữ lượng khoáng sản khai thác. Như vậy, tổng số tiền thuế Nhà nước thu được vẫn không bị giảm, nhưng lợi ích là gì?.

PGS.TS Lưu Đức Hải nhấn mạnh, với cách tính thuế này, sẽ là động lực kinh tế để các doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ khai thác. Từ đó, nâng hiệu quả khai thác tối đa 50% như hiện nay lên thành 60, thậm chí 70%, tương đương Ba Lan. Doanh nghiệp càng khai thác được nhiều thì đạt lợi nhuận càng lớn vì tổng tiền thuế đã trả một lần và không thay đổi. Khi nhìn thấy lợi ích kinh tế, doanh nghiệp sẽ bắt tay ngay vào làm, chắc chắn không trông chờ thêm vào cơ chế hỗ trợ khác.

Theo PGS.TS Lưu Đức Hải, đề xuất cách tính thuế mới này không hề khó thực hiện. Bởi tất cả các mỏ trước khi khai thác đều có hồ sơ thăm dò, thể hiện giá trị trữ lượng khoáng sản. Việc này đồng thời tạo ra ba lợi ích, đó là Nhà nước giữ được thuế, đồng thời giữ được tài nguyên, không bị tổn thất trong khi doanh nghiệp có lợi ích.

Tính toán sâu xa hơn, việc này rõ ràng giúp chúng ta giảm sự ảnh hưởng, tác động tới môi trường. Bởi lẽ, tài nguyên khoáng sản, nếu như không khai thác tận thu, rất có nguy cơ trở thành nguồn gây ô nhiễm môi trường.

PGS.TS Lưu Đức Hải nêu quan điểm, chúng ta phải nhìn vào thực tế, nhìn vào những điểm chưa hoàn chỉnh của Luật thuế tài nguyên để xem xét lại nhằm sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Theo đó, tài nguyên cần chia làm hai loại. Một là tài nguyên tái tạo như nước, không khí, đất… sau một chu trình sử dụng thì sẽ trở lại trạng thái ban đầu. Hai là tài nguyên không tái tạo như khoáng sản, đa dạng sinh học. Loại tài nguyên thứ hai này nếu như khai thác sẽ mất đi hoàn toàn. Như vậy, cần xem xét đánh thuế tài nguyên không tái tạo thì phải tính thuế đầu vào (như khoáng sản than đã nói bên trên).

Trở lại câu chuyện chủ trương dùng đất đá thải mỏ của tỉnh Quảng Ninh, PGS.TS Lưu Đức Hải cho biết, cần áp dụng ngay các biện pháp xử lý để giảm thiểu tối đa nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Đối với bãi thải được tính toán sử dụng cần phải thăm dò, phân loại cụ thể. Nếu như lượng than còn tồn dư trên 5% cũng như khoáng sản khác, cần phải tiến hành tận thu bằng cách sàng tuyển lại. Phần còn lại phải nghiền sàng, để đảm bảo chất thải đúng tiêu chuẩn vật liệu xây dựng thông thường mới được sử dụng san lấp công trình như nhà cửa, đường giao thông.

Riêng với các bãi tắm, PGS.TS Lưu Đức Hải nhấn mạnh, tuyệt đối không được dùng đất thải mỏ để san lấp. Vì lượng than tồn dư chắc chắn gây ô nhiễm môi trường, đồng thời ảnh hướng tới sức khỏe, sự an toàn của người dân và du khách.

Kế Toại (ghi)

Bạn đang đọc bài viết Sử dụng đất đá thải mỏ để san lấp: Ngăn chặn tổn thất tài nguyên khoáng sản bằng cách nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới