Tái chế, một giải pháp không đủ
Tái chế là một giải pháp hữu ích nên được ưu tiên hơn so với đốt hoặc chôn lấp, nếu chúng ta tham khảo hệ thống phân cấp của các phương pháp quản lý.
Quả thực việc sử dụng vật liệu tái chế được ưu tiên hơn so với vật liệu nguyên sinh, bởi vì tác động môi trường của chúng thấp hơn về phát thải khí nhà kính hoặc tiêu thụ năng lượng. Tái chế cũng giúp giảm thiểu khối lượng chất thải trong các trung tâm xử lý.
Theo khảo sát ý kiến của người dân Hà Nội, 44% cho rằng tái chế là cách hiệu quả nhất để giảm lượng chất thải. Sự hấp dẫn của việc tái chế là điều dễ hiểu: nó đi đôi với ý tưởng về “nền kinh tế tuần hoàn”. Về lý thuyết, tái chế 100% vật liệu sẽ có thể giúp bạn tái sử dụng mãi mãi các vật liệu khó phân hủy như nhựa. Tuy nhiên, ý tưởng này không khả thi trên thực tế.
Tái chế là một giải pháp đáng quan tâm, đặc biệt là trong bối cảnh rút ngắn cự ly sản xuất - tiêu dùng hoặc phế thải công nghiệp được tái chế cho các lĩnh vực khác. Tuy nhiên giải pháp này vẫn chưa đủ. Tái chế tồn tại nhiều hạn chế mà hiếm khi được đề cập, hoặc thậm chí bị lờ đi.
Những thách thức về logistic và kinh tế: đối với nhiều loại vật liệu, quá trình tái chế đòi hỏi một mạng lưới thu gom hiệu quả và thu gom có phân loại. Do đó, đối với những vật liệu này, việc tái chế hiệu quả kèm theo điều kiện người dân phải được truyền thông để có thể biết phân loại hoặc các nhà máy và công nghệ có thể đảm bảo phân loại tự động. Điều này chưa thể áp dụng với nhiều loại chất thải được gọi là “có thể tái chế”. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng tái chế phải tồn tại với quy mô đủ lớn.
Vật liệu tái chế phải có khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường: Cơ sở hạ tầng tái chế có hiệu quả kinh tế khi có thị trường mua lại các sản phẩm tái chế và sử dụng chúng trong sản xuất hàng hóa mới. Thị trường tái chế hiện nay ở Việt Nam cho phép phân loại rõ những loại phế thải nào được tìm kiếm và những loại nào không được quan tâm. Để có ý tưởng về những loại được tìm kiếm trên thị trường, chúng ta hãy xem những loại phế thải đang được khu vực phi chính thức thu gom.
Tình trạng thoái hóa vật liệu qua mỗi lần tái chế
Đối với nhiều vật liệu, các đặc tính vật lý của chúng sẽ giảm dần sau mỗi lần tái chế. Đối với nhựa, việc sử dụng phụ gia làm giảm chất lượng của hạt tái sinh so với hạt nhựa nguyên sinh. Các tạp chất có thể khó loại bỏ trong quá trình tái chế. Để hạn chế sự suy giảm các tính chất cơ học trong quá trình tái chế, các chất phụ gia và chất tạo màu phải được thêm vào. Trong đại đa số các trường hợp, các loại chai nhựa khi tái chế sẽ không thể tạo thành chai đựng cùng sản phẩm như lúc đầu. Chúng sẽ được chế tạo thành những đồ vật có chất lượng và giá trị thấp hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực nội thất, dệt may hoặc xây dựng.
Ấn phẩm "Giải pháp nào để giảm thiểu chất thải tại Việt Nam" được biên soạn trong khuôn khổ dự án COMPOSE, một sáng kiến chung giữa Đại sự quán Pháp tại Việt Nam và IRD, do Bộ Ngoại giao và châu Âu của Pháp tài trợ. Với các đối tác bao gồm PRX-Vietnam, ICISE và IUCN, mục tiêu của dự án là cải thiện việc biên soạn và phổ biến kiến thức khoa học nhằm nâng cao nhận thức và thông tin về vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa.
Nội dung sách là kết quả biên tập của Paris Region eXpertise Vietnam (PRX-Vietnam), văn phòng hợp tác của Vùng Île-de-France và UBND TP.Hà Nội. Cơ quan này được thành lập với mục đích thực hiện và phát triển các dự án giải quyết những vấn đề về đô thị.
Một số tác giả tham gia thực hiện cuốn sách này: Marie Lan Nguyễn Leroy và Vũ Yên Ba, dưới sự chủ biên của Emmanuel Cerise.
PV