Chủ nhật, 24/11/2024 06:39 (GMT+7)
Thứ tư, 21/02/2024 14:07 (GMT+7)

Tạp chí Kinh tế Môi trường du xuân Giáp Thìn 2024

Theo dõi KTMT trên

Ngày 20/1, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã tổ chức chuyến du xuân Giáp Thìn 2024 đến chuỗi di tích lịch sử - văn hóa thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang và Quảng Ninh.

Tham dự chuyến tham quan có PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường (Trưởng đoàn); Nhà báo Nguyễn Tường Quân - Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam; GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Khoa học Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam; cùng đông đảo nhà báo, phóng viên, biên tập viên đang công tác tại Tạp chí Kinh tế Môi trường.

Tạp chí Kinh tế Môi trường du xuân Giáp Thìn 2024 - Ảnh 1
Một góc Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử thuộc địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Điểm đến đầu tiên của đoàn là Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử. Theo lịch sử, sườn Đông Yên Tử (Quảng Ninh) là nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông tu tập, còn sườn Tây Yên Tử (Bắc Giang) là "con đường hoằng dương Phật pháp" của Ngài.

Quần thể di tích Tây Yên Tử không chỉ sở hữu vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của vùng núi Đông Bắc mà còn khoác lên mình sự thanh tịnh, linh thiêng vốn có của Phật giáo.

Tại đây, đoàn tham quan đã trực tiếp đi theo con đường bộ hoằng dương Phật pháp của Phật hoàng Trần Nhân Tông qua các điểm chùa, tháp dọc sườn Tây Yên Tử để đến điểm cuối cùng là Chùa Đồng.

Sau khi tham quan Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, đoàn đã được các lãnh đạo thị trấn Tây Yên Tử (huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) tiếp đón và giới thiệu chi tiết về lịch sử và quá trình hình thành của Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử.

Tạp chí Kinh tế Môi trường du xuân Giáp Thìn 2024 - Ảnh 2
PGS.TS Trương Mạnh Tiến trao quà lưu niệm cho ông Nguyễn Văn Ánh - Bí thư Đảng ủy Thị trấn Tây Yên Tử (bìa phải).

Điểm đến tiếp theo của đoàn là chùa Vĩnh Nghiêm - Danh lam cổ tự ở Bắc Giang.

Tại đây, đoàn đã được Thượng tọa Thích Thanh Vịnh - Trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm, ông Nguyễn Văn Điển - Chủ tịch UBND xã Trí Yên và ông Nguyễn Văn Điền - Bí thư Đảng ủy xã Trí Yên tiếp đón.

Chùa Vĩnh Nghiêm có tên gọi khác là chùa Đức La (tên chữ là Vĩnh Nghiêm Tự), tọa lạc tại thôn Quốc Khánh, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Đây là ngôi chùa cổ có từ thời Lý, đến thế kỷ XIII được Phật Hoàng Trần Nhân Tông tu bổ, xây dựng thành trung tâm Phật giáo của Thiền phái Trúc Lâm.

Tạp chí Kinh tế Môi trường du xuân Giáp Thìn 2024 - Ảnh 3
Đoàn tham quan Tạp chí Kinh tế Môi trường làm lễ tại chùa Vĩnh Nghiêm.

Hiện tại, chùa lưu giữ nhiều hiện vật cổ như hệ thống tượng Phật, hoành phi câu đối, tranh, bia đá… Trong đó, nổi bật là 3.050 bản ván gỗ khắc chữ Hán và Nôm gồm các bộ kinh sách đạo Phật, sự nghiệp của các vị cao tăng và nhiều sách hướng dẫn chữa bệnh bằng các bài thuốc dân gian... Những bản mộc bản này được lưu giữ cẩn thận, chữ rất sắc nét, có giá trị nghệ thuật vô giá. Năm 2012, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu khu vực châu Á – Thái Bình Dương thuộc chương trình Ký ức thế giới.

Tạp chí Kinh tế Môi trường du xuân Giáp Thìn 2024 - Ảnh 4

Sau khi dâng lễ tại chùa Vĩnh Nghiêm, đoàn tham quan đã được Thượng tọa Thích Thanh Vịnh giới thiệu về lịch sử và quá trình hình thành của ngôi danh lam cổ tự.

Đồng thời, Thượng tọa cũng chia sẻ về những nỗi niềm, trăn trở của mình về việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử chùa Vĩnh Nghiêm cũng như dòng Thiền phái Trúc Lâm.

Tạp chí Kinh tế Môi trường du xuân Giáp Thìn 2024 - Ảnh 5
Đoàn tham quan chụp ảnh lưu niệm cùng Thượng tọa Thích Thanh Vịnh - Trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm.

Thay mặt đoàn tham quan, PGS.TS Trương Mạnh Tiến đã cảm ơn sự đón tiếp tận tình, nồng hậu của Thượng tọa Thích Thanh Vịnh và các lãnh đạo xã Trí Yên.

"Thật may mắn, vinh dự khi tới tham quan chùa Vĩnh Nghiêm và được Thượng tọa Thích Thanh Vịnh cùng các lãnh đạo xã Trí Yên dành thời gian tiếp đón. Cũng thật hữu duyên khi Chủ tịch danh dự của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam là Hòa thượng Thích Huyền Diệu - Chủ tịch Liên đoàn Phật giáo Thế giới tại Lumbini.

Tạp chí Kinh tế Môi trường du xuân Giáp Thìn 2024 - Ảnh 6
PGS.TS Trương Mạnh Tiến chụp ảnh lưu niệm cùng Thượng tọa Thích Thanh Vịnh.

Chính vì vậy, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam và Tạp chí Kinh tế Môi trường luôn tâm niệm và hướng về những điều thiện, những điều tốt lành. Hàng năm, Hội và Tạp chí thường xuyên tổ chức những chương trình thiện nguyện, trồng cây bồ đề trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Tôi tin rằng, mỗi nhân lành gieo xuống tuy nhỏ bé nhưng nhiều người cùng làm sẽ mang đến những điều thực sự ý nghĩa, lớn lao...", PGS.TS Trương Mạnh Tiến chia sẻ.

Dưới đây là một số hình ảnh trong chuyến tham quan, du xuân đầu năm của Tạp chí Kinh tế Môi trường:

Tạp chí Kinh tế Môi trường du xuân Giáp Thìn 2024 - Ảnh 7
Tạp chí Kinh tế Môi trường du xuân Giáp Thìn 2024 - Ảnh 8
Tạp chí Kinh tế Môi trường du xuân Giáp Thìn 2024 - Ảnh 9
Tạp chí Kinh tế Môi trường du xuân Giáp Thìn 2024 - Ảnh 10
Tạp chí Kinh tế Môi trường du xuân Giáp Thìn 2024 - Ảnh 11
Tạp chí Kinh tế Môi trường du xuân Giáp Thìn 2024 - Ảnh 12

Bài: Hoàng Hải
Ảnh: Thành Long - Huy Tình

P.V

Bạn đang đọc bài viết Tạp chí Kinh tế Môi trường du xuân Giáp Thìn 2024. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới