Chủ nhật, 24/11/2024 02:51 (GMT+7)
Thứ sáu, 01/12/2023 18:41 (GMT+7)

Tây Nguyên vào hội - Mùa của những trải nghiệm không nên bỏ lỡ

Theo dõi KTMT trên

Cùng Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường khám phá nét độc lạ của mùa lễ hội trên vùng đất Tây Nguyên được nhiều du khách yêu thích nhất.

Độc đáo cồng chiêng Tây Nguyên

Được UNESCO chính thức công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải rộng suốt 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng và chủ nhân của loại hình văn hóa đặc sắc này là cư dân các dân tộc Tây Nguyên: Bana, Xêđăng, Mnông, Cơho, Rơmăm, Êđê, Giarai... Cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống của người Tây Nguyên, là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn con người, qua đó, để diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và sinh hoạt hàng ngày của họ.

Tất cả các lễ hội trong năm, từ lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh đến lễ bỏ mả, lễ cúng máng nước, lễ mừng cơm mới, lễ đóng cửa kho, lễ đâm trâu... hay trong một buổi nghe khan... đều phải có tiếng cồng, tiếng chiêng là sự nối liền, kết dính những thế hệ...

Tây Nguyên vào hội - Mùa của những trải nghiệm không nên bỏ lỡ - Ảnh 1
Cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống của người Tây Nguyên.

Vào ngày lễ tết, hình ảnh quen thuộc ''bên ngọn lửa thiêng, những vòng người say sưa múa hát trong tiếng cồng chiêng vang động núi rừng'' lại xuất hiện trên khắp các buôn làng. Các nghệ nhân dân gian diễn tấu cồng chiêng kết hợp với nhau rất hài hòa, tạo nên những bản nhạc với các tiết tấu, hòa thanh rất phong phú, mang sắc thái riêng với muôn vàn cung bậc.

Âm thanh của cồng chiêng còn là chất men lôi cuốn gái trai vào những điệu múa hào hứng của cả cộng đồng trong những ngày hội của buôn làng. Đây là sinh hoạt văn hóa dân gian nổi bật nhất ở nhiều dân tộc Tây Nguyên.

Lễ Mở cửa kho lúa của dân tộc Rơ Măm

Là một trong 5 dân tộc ít người nhất cả nước, người Rơ Măm sinh sống tập trung tại làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Mở cửa kho lúa là một nghi thức quan trọng và bắt buộc, thường được tổ chức vào tháng 12 dương lịch hàng năm, trước khi người Rơ Măm gùi lúa về nhà.

Tây Nguyên vào hội - Mùa của những trải nghiệm không nên bỏ lỡ - Ảnh 2
Nhiều không gian văn hóa truyền thống sẽ làm cho du khách có những trải nghiệm thích thú.

Ấn tượng trong lễ mở cửa kho lúa của người Rơ Măm chính là nghi thức đâm trâu, vật hiến sinh dâng lên các thần linh.

Rộn rang lễ hội mừng lúa mới

Người Mnông ở tỉnh Đắk Nông với nghi lễ mừng mùa lúa mới, được thực hiện sau vụ thu hoạch, với ý nghĩa cảm tạ trời đất, thần linh đã che chở, phù hộ cho bon làng được no đủ.

Trong nghi lễ, bà con sẽ dâng lên các thần linh, thần rừng những lễ vật là thành quả sau một năm lao động sản xuất, như: cà phê, lúa gạo, trái cây, rượu cần, cơm lam, thịt nướng.

Lễ cúng giọt nước của người Jrai ở tỉnh Gia Lai

Lễ cúng giọt nước là một biểu tượng văn hóa độc đáo, thể hiện tình đoàn kết cộng đồng của người Jrai cùng với ước vọng đón chờ một mùa vụ mới thuận lợi, bội thu.

Đây là dịp cả cộng đồng cùng sum họp, hòa vào nhịp chiêng, điệu xoang, thưởng thức rượu cần và vui chơi để thắt chặt tình đoàn kết.

Nghi lễ cúng trưởng thành của người Êđê tỉnh Đắk Lắk

Nghi lễ này được người Êđê thực hiện cho nam, nữ khi đã đủ 18 tuổi. Nếu người được làm lễ là nữ thì lễ vật (con heo) sẽ đặt trên mặt đất, còn nếu là nam thì lễ vật sẽ buộc lên cây một cột rượu.

Sau nghi lễ này, chàng trai được cộng đồng thừa nhận đã trưởng thành, có thể tham gia quyết định các công việc lớn nhỏ trong gia đình, cộng đồng.

Với mỗi nghi lễ sẽ đem đến cho du khách những trải nghiệm thực tế, hòa mình vào không gian văn hóa của buôn làng, từ đó thêm hiểu hơn về những giá trị văn hóa truyền thống, cách ứng xử với thiên nhiên, con người và tín ngưỡng vạn vật hữu linh của các dân tộc trên mảnh đất Tây Nguyên.

Bên cạnh những lễ hội truyền thống, Lễ hội Hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya ngoài việc được chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp với sắc vàng rực của những dải hoa dã quỳ đua nhau nở rộ, du khách còn được trải nghiệm những hoạt động văn hóa - nghệ thuật, thể thao, ẩm thực mang đậm nét đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số vùng đất Tây Nguyên.

Tây Nguyên vào hội - Mùa của những trải nghiệm không nên bỏ lỡ - Ảnh 3

Nhờ độ cao ấn tượng hơn 1.200m nên Măng Đen mang luồng khí hậu khá giống Đà Lạt, tạo nên thời tiết quanh năm mát mẻ và dễ chịu. Mức nhiệt độ trung bình khoảng 26°C và thấp nhất vào mùa Đông khoảng 5°C.

Với những du khách thích khám phá thì đây cũng chính là cơ hội để tìm hiểu các phong tục, các lễ hội truyền thống như lễ mừng lúa mới, biểu diễn cồng chiêng, nghệ thuật đan lát, dệt thổ cẩm, tạc tượng, chế tác nhạc cụ dân tộc...

Lễ hội Hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đăng Ya là một trong những điểm đến được tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận đứng thứ nhất trong top 10 điểm đến hấp dẫn nhất của tỉnh Gia Lai. Hoa dã quỳ có sức sống mãnh liệt và là biểu tượng đặc trưng riêng của vùng đất Tây Nguyên; mỗi mùa hoa nở cũng chính là thời điểm báo hiệu mùa khô đã đến.

Một địa chỉ đỏ khác là khu du lịch Măng Đen được ví như vùng đất thần tiên với hệ sinh thái đa dạng, bầu không khí trong lành không hề thua kém các điểm du lịch như Đà Lạt, Sa Pa. Với vẻ đẹp thuần khiết có phần đơn sơ, mộc mạc đây là vùng đất hứa hẹn mang đến nhiều trải nghiệm khám phá nổi bật cho du khách khi ghé thăm. Nhờ sự phát triển của cây cối và cảnh quan mà đây đã trở thành địa chỉ nghỉ dưỡng hàng đầu được nhiều khách du lịch quan tâm trong những năm gần đây của vùng đất Tây Nguyên.

Trọng Nghị - Bình Dương

Bạn đang đọc bài viết Tây Nguyên vào hội - Mùa của những trải nghiệm không nên bỏ lỡ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới