Chủ nhật, 24/11/2024 05:18 (GMT+7)
Chủ nhật, 03/03/2024 08:20 (GMT+7)

Thái Bình: Nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế

Theo dõi KTMT trên

Trong bước đi phát triển của mình, tỉnh Thái Bình xác định nông nghiệp luôn là trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp hàng đầu vùng đồng bằng sông Hồng.

Nhận thức được vai trò quan trọng của nông nghiệp trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa, Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nông nghiệp vẫn xác định là trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Mục tiêu Thái Bình hướng tới trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp hàng đầu vùng đồng bằng sông Hồng.

Thái Bình: Nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế - Ảnh 1
Vùng chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, cây cảnh xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp

Thái Bình là tỉnh có truyền thống sản xuất nông nghiệp, gắn với nền văn minh lúa nước từ lâu đời. Với 3 mặt giáp sông, 1 mặt giáp biển, hệ thống sông ngòi đan xen nên đất đai phù sa màu mỡ, phì nhiêu và bằng phẳng rất thuận lợi cho đầu tư phát triển nông nghiệp. Những năm qua, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; ảnh hưởng của dịch Covid-19; giá vật tư nông nghiệp tăng cao; diện tích đất cho sản xuất nông nghiệp giảm để phát triển công nghiệp, dịch vụ; sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu… nhưng nông nghiệp đã thể hiện rõ vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, tạo thế “kiềng 3 chân” vững chắc đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh.

Thái Bình: Nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế - Ảnh 2
Huyện Hưng Hà chú trọng phát triển sản xuất, khai thác lợi thế vùng đất bãi ven đê Trà Lý.

Có thể nói, quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ đều khẳng định nông nghiệp là thế mạnh của tỉnh, cần phải phát huy theo chiều sâu, chất lượng và tăng giá trị sản xuất. Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh và sự vào cuộc quyết liệt của toàn ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương cùng nỗ lực của bà con nông dân, nhiều chỉ tiêu của ngành vẫn đạt và vượt kế hoạch. Tổng giá trị sản xuất toàn ngành năm 2023 ước đạt 29.782 tỷ đồng, gấp 1,1 lần năm 2020, trong đó giá trị sản xuất trồng trọt đạt 12.254 tỷ đồng, tăng 0,6% so với năm 2022; giá trị sản xuất chăn nuôi đạt 10.426 tỷ đồng, tăng 3,5% so với năm 2022; giá trị sản xuất thủy sản ước đạt 5.938 tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm 2022. Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 2,4%/năm.

Thái Bình: Nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế - Ảnh 3
Diện tích mạ khay máy cấy của tỉnh được mở rộng qua từng năm.

Thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thái Bình giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và cơ chế chính sách phù hợp với thực tiễn để phát triển ngành nông nghiệp “Đẩy mạnh nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu, kết nối bền vững các chuỗi giá trị trong, ngoài tỉnh và toàn cầu, tạo sức bật và đem lại sự đột phá mới trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh”. Ngành nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương xây dựng 33 mô hình phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX.

Thái Bình: Nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế - Ảnh 4
Tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu thu hoạch xấp xỉ 100%.

Bên cạnh đó, Thái Bình đã hình thành các mô hình tập trung, tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp hàng hoá quy mô lớn gắn với tiêu thụ nông sản. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 2.000 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện tích tụ, tập trung để sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với tiêu thụ nông sản; tổng diện tích đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung trên 8.000ha; bình quân 4,08 ha/tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Qua rà soát, có trên 1.511 hộ tích tụ quy mô dưới 5 ha; 324 hộ tích tụ được từ 5 - 10ha và 133 hộ tích tụ được diện tích hơn 10ha. Hầu hết các mô hình đều được đánh giá có hiệu quả hơn từ 1,5 đến 2 lần so với sản xuất thông thường khi chưa được tích tụ, tập trung.

Về cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, đến nay Thái Bình đã cơ giới hóa 100% trong khâu làm đất; xấp xỉ 100% khâu thu hoạch và khoảng 24% khâu cấy; trên 8.000ha diện tích được chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh bằng thiết bị bay không người lái. Kết quả này đã góp phần làm thay đổi cách thức sản xuất nông nghiệp của người nông dân từ sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa, giải quyết khan hiếm lao động lúc mùa vụ, rút được phần lớn lao động nông thôn chuyển sang sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Từ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

Thái Bình: Nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế - Ảnh 5
Người dân xã Thống Nhất, huyện Hưng Hà thu hoạch cây ngưu tất (cây cỏ xước).

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, cho biết: Thực hiện chủ trương khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm, ngày 10/12/2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 29/2021/NQ-HĐND quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai; mua máy cấy, hệ thống thiết bị sấy phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 - 2025. Tiếp đó, ngày 12/7/2023, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai để phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh Thái Bình giai đoạn đến năm 2028, trong đó có nhiều điểm mới đáng chú ý như điều kiện về thời gian, diện tích tích tụ được hỗ trợ có sự điều chỉnh so với Nghị quyết số 29/2021/NQ-HĐND. Mức kinh phí hỗ trợ đối với UBND cấp xã có diện tích đất tích tụ, tập trung trên địa bàn quản lý tăng từ 1 triệu đồng/ha lên 1,5 triệu đồng/ha, cơ sở thôn cũng được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ha... Đặc biệt, ngoài chính sách hỗ trợ người dân có quyền sử dụng đất, tại nghị quyết này, các đối tượng thực hiện tích tụ, tập trung đất đai được hưởng nhiều ưu đãi như hỗ trợ 1.000 đồng/m2 để cải tạo đất, cải tạo mặt bằng vùng sản xuất tập trung, hỗ trợ kinh phí xây dựng hệ thống đường giao thông trong vùng sản xuất, hỗ trợ 100% chi phí xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, hỗ trợ 50% chi phí xây dựng nhà màng, nhà lưới...

Với các cơ chế chính sách ưu đãi riêng biệt cho ngành Nông nghiệp, sẽ góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp để tổ chức sản xuất, đổi mới tư duy để giải quyết vấn đề sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, xây dựng chuỗi giá trị, thúc đẩy chế biến. Tăng cường xúc tiến thương mại, phát triển thị trường; xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc hàng nông sản.

Thái Bình: Nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế - Ảnh 6
Ứng dựng khoa học công nghệ trong nuôi trồng thủy sản giúp người dân tăng thu nhập.

Phát triển nông nghiệp đã thật sự tạo động lực thúc đẩy tiến trình thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã được công nhận nông thôn mới kiểu mẫu. Toàn tỉnh phấn đấu đến hết năm 2024 có thêm 10 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó phấn đấu có từ 3 xã trở lên đạt nông thôn mới kiểu mẫu. 

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) thu được nhiều kết quả quan trọng. Toàn tỉnh Thái Bình có 179 sản phẩm OCOP (có 48 sản phẩm đạt 4 sao, 131 sản phẩm xếp hạng 3 sao) với tổng số 91 cơ sở sản xuất của 8 huyện, thành phố có sản phẩm OCOP (trong đó có 32 doanh nghiệp, 36 HTX và 23 hộ kinh doanh). Giá trị kinh tế của các sản phẩm được nâng lên từ 20% trở lên nhờ đạt tiêu chí OCOP, công nghệ số đã đưa các sản phẩm đến với người tiêu dùng một cách nhanh hơn nên doanh số bán hàng của các đơn vị tăng từ 20% - 30%, trong đó doanh thu bán hàng qua mạng và sàn giao dịch điện tử chiếm 30%.

Hướng đến nền nông nghiệp xanh, bền vững

“Đẩy mạnh nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu, kết nối bền vững các chuỗi giá trị trong, ngoài tỉnh và toàn cầu, tạo sức bật và đem lại sự đột phá mới trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh”. Đây là một trong những mục tiêu hướng đến của tỉnh Thái Bình trong giai đoạn 2021-2025 nhằm phát triển một nền nông nghiệp xanh, tuần hoàn và bền vững.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết thêm: Thái Bình đã xác định rõ, kinh tế carbon thấp là hướng đi mới và là cơ hội để địa phương nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành Nông nghiệp trong chuỗi giá trị nông sản bền vững toàn cầu. Ở nhiều địa phương trong tỉnh đã và đang hình thành các mô hình áp dụng khoa học - công nghệ, quy trình trình kỹ thuật canh tác tiết kiệm nhiên liệu vận hành máy nông nghiệp, hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nhằm giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường. Tiêu biểu có mô hình canh tác lúa SRI điển hình ở các huyện Đông Hưng, Vũ Thư, Tiền Hải, Kiến Xương và Thái Thụy. Mô hình này áp dụng kỹ thuật canh tác SRI, cấy hàng rộng, hàng hẹp, tạo điều kiện cho lúa có khả năng quang hợp cao nhất, cây lúa khỏe, chống chịu sâu bệnh tốt... hay mô hình sử dụng chế phẩm Sumitri, Azotobacter để xử lý rơm rạ sau thu hoạch. Mục tiêu của các mô hình nhằm giảm thiểu mối nguy hại do lạm dụng hóa chất, nhất là thuốc bảo vệ thực vật đối với sức khỏe cộng đồng, môi trường và an toàn thực phẩm. 

Thái Bình: Nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế - Ảnh 7
Khu thực nghiệm các giống ngô chất lượng cao của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Bình Seed.

Phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn đang là hướng đi và là cơ hội để tỉnh Thái Bình phát triển nhanh và bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế - xã hội, môi trường mà còn giúp ứng phó với biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày một phức tạp như hiện nay. Điều này cũng phù hợp với mục tiêu, định hướng mà tỉnh đã xác định trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đó là: Tập trung phát triển, hiện đại hóa sản xuất các mặt hàng nông, lâm, thủy sản; hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất nông sản của tỉnh. Xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Chú trọng xây dựng thương hiệu nông sản, mở rộng vùng tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh; tạo mối liên kết ngành và liên kết vùng để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, hiệu quả và có sức cạnh tranh cao.

Thái Bình: Nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế - Ảnh 8
Mô hình nuôi cá rô kết hợp nuôi ếch giúp người nông dân giảm chi phí thức ăn chăn nuôi, tăng giá trị sản xuất trên một diện tích canh tác.

Theo GS.TS Lê Văn Chiến, Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Thái Bình có rất nhiều dư địa để phát triển kinh tế nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn. Và thực tế thì tỉnh đã và đang triển khai nhiều mô hình liên quan đến vấn đề này và đã có hiệu quả.

Để đạt được mục tiêu Quy hoạch tỉnh đề ra, Thái Bình cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu

lại ngành nông nghiệp trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh và dựa trên tăng năng suất, chất lượng nông sản và nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ và năng lực cạnh tranh; phát triển kinh tế hộ, kinh tế hợp tác mà nòng cốt là hợp tác xã kiểu mới và doanh nghiệp gắn chặt với phát triển công nghiệp chế biến và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, sinh thái; xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, với hệ giá trị văn hóa mới, nâng cao sức mạnh của hệ thống chính trị ở nông thôn. 

Và hơn hết, chính là sự quyết tâm chính trị, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là cấp ủy, chính quyền cơ sở trong việc cụ thể hóa các chủ trương, mục tiêu của tỉnh. Từ đó, định hướng người nông dân chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp dựa trên mục tiêu tăng sản lượng sang tư duy kinh tế với mục tiêu tăng giá trị, khuyến khích tập trung đất đai, đầu tư khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản gắn với thị trường.

Việt Phương (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Thái Bình: Nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới