Chủ nhật, 24/11/2024 05:48 (GMT+7)
Thứ năm, 30/05/2024 07:53 (GMT+7)

Nữ nông dân Thái Bình vượt khó để phát triển nông nghiệp xanh

Theo dõi KTMT trên

Đi ngược với lựa chọn bỏ ruộng của người dân địa phương, chị Trần Thị Lanh (47 tuổi) ở huyện Kiến Xương, Thái Bình đã mạnh dạn đầu tư vào tích tụ ruộng hoang. Hiện nay, chị đang canh tác hiệu quả 100ha lúa được tích tụ từ những mảnh ruộng bỏ hoang.

Theo xu hướng đô thị hóa, nhiều nông dân ở Thái Bình lựa chọn bỏ ruộng để tìm đến kế sinh nhai khác. Lực lượng lao động trẻ ở đây cũng dần thoát ly khỏi nông nghiệp, đi tìm hướng phát triển kinh tế mới khiến cho độ tuổi làm nông nghiệp ở tỉnh này ngày càng già hóa, không còn đủ sức khỏe gắn bó với đồng ruộng. Mặt khác, hiệu quả sản xuất nông nghiệp bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào thời tiết dẫn đến gia tăng tình trạng bỏ ruộng ở nhiều địa phương tại Thái Bình.

Đi ngược lại những lựa chọn trên, chị Trần Thị Lanh (47 tuổi) ở thôn Giáo Nghĩa, xã Bình Minh, huyện Kiến Xương vẫn mạnh dạn đầu tư vào tích tụ ruộng đất. Kiên trì với mục tiêu gìn giữ và phát triển sản xuất nông nghiệp của địa phương, chị Lanh đã gắn bó với công cuộc “xóa” ruộng hoang suốt nhiều năm qua.

Theo chia sẻ của chị Lanh, giai đoạn năm 2015 - 2016, nhận thấy nhiều hộ dân ở quê hương bỏ ruộng, vợ chồng chị đã đề xuất với chính quyền địa phương và quyết định thuê lại những diện tích ruộng bỏ không để trồng lúa.

Nữ nông dân Thái Bình vượt khó để phát triển nông nghiệp xanh - Ảnh 1
Khuôn viên HTX sản xuất kinh doanh nông sản Quang Lanh.

Thời gian đầu, chị Lanh và chồng rất vất vả vì ruộng chưa được quy hoạch, dồn điền. Các mảnh ruộng nằm rải rác ở nhiều nơi, phần lớn là triều trũng, chua phèn gây khó trong canh tác. Đặc biệt, ruộng bị hoang hóa lâu ngày nên cần thời gian và công sức để cải tạo. Do thiếu kinh nghiệm, chưa chọn được giống lúa tốt và ảnh hưởng của khí hậu khắc nghiệt nên mùa màng thất thu. Nhưng không vì khó mà buông, chị Lanh đã chạy vạy khắp nơi để học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, tham vấn các ý kiến của chuyên gia và quyết tâm vượt khó.

Nhận được sự quan tâm, khích lệ của chính quyền địa phương và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chị Lanh tiếp tục đầu tư máy móc hiện đại, mở rộng diện tích canh tác lên tới 100ha. Trong đó có 80ha tại xã Bình Minh và 20ha tại xã Thanh Tân cùng ở huyện Kiến Xương. Chị đầu tư cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp giúp giải phóng sức lao động, đưa khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng để nâng cao năng suất và chất lượng của nông sản. Đi lên bằng nghị lực, niềm đam mê cùng với sự tin tưởng của chính quyền địa phương và bà con nông dân, chị Lanh đã biến những đồng ruộng bỏ hoang thành cánh đồng lúa bội thu.

Nữ nông dân Thái Bình vượt khó để phát triển nông nghiệp xanh - Ảnh 2
Chị Lanh bên bãi mạ của HTX Quang Lanh.

Với mong muốn xây dựng thương hiệu gạo cho quê hương Kiến Xương, tháng 5/2022, chị Lanh thành lập HTX sản xuất kinh doanh nông sản Quang Lanh. Trong đó, chị đảm nhiệm vai trò Giám đốc HTX kèm theo 7 thành viên chủ lực. Khi vào mùa vụ chính, chị thuê thêm từ 20 - 30 người làm, tạo thêm thu nhập cho bà con nông dân. Hiện nay, HTX Quang Lanh chủ yếu làm dịch vụ nông nghiệp và canh tác 100ha đất lúa của gia đình. Chị đã đầu tư hơn 5 tỷ đồng để trang bị máy móc phục vụ cho sản xuất như: 3 máy làm đất, 1 máy gặt, 4 máy cấy, 2 máy bón phân, 1 lò sấy với công suất 40 tấn/ngày, 1 máy bay phun thuốc.

Hiện HTX Quang Lanh đang khai thác giống lúa TBR225 là chủ đạo. Được biết, đây là giống lúa đang được thị trường ưa chuộng, ít sâu bệnh, giúp mang lại lợi ích kinh tế cao. Trung bình mỗi vụ, sản lượng thóc cho thu hoạch trung bình từ 6 - 7 tấn/ha. Toàn bộ quy trình được khép kín từ khâu gieo mạ, cấy lúa, bón phân, xử lý sâu bệnh, gặt, sấy, đóng gói và bán ra thị trường.

Nữ nông dân Thái Bình vượt khó để phát triển nông nghiệp xanh - Ảnh 3
Một số máy móc phục vụ sản xuất của HTX Quang Lanh.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Bình Minh, huyện Kiến Xương cho biết, xã Bình Minh hiện có khoảng 320ha diện tích đất nông nghiệp, trong đó có gần 90ha đất bị bỏ hoang. Sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn, nhỏ lẻ, manh mún, đầu tư chi phí sản xuất cao, thu nhập thấp. Do vậy, nhiều người dân đã bỏ ruộng đi làm nghề khác ổn định và có thu nhập cao hơn.

"Chị Lanh là người đi đầu trong việc thực hiện chủ trương chính sách của tỉnh, tích tụ ruộng hoang, mạnh dạn đầu tư đưa cơ giới hoá vào sản xuất, hạn chế được diện tích ruộng đất bỏ hoang trong xã, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thay đổi tư duy canh tác của bà con. Chúng tôi sẽ tích cực tuyên truyền đến bà con, khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ giúp cho người dân tiếp tục gắn bó với nghề nông, đầu tư thiết bị máy móc phục vụ cho sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương", ông Hùng cho biết thêm.

Nữ nông dân Thái Bình vượt khó để phát triển nông nghiệp xanh - Ảnh 4
HTX Quang Lanh tận dụng rơm cuộn sau thu hoạch giúp bảo vệ môi trường.

Biết rõ làm nông nghiệp sẽ chịu nhiều rủi ro từ điều kiện khí hậu, thiên nhiên, nhưng chị Trần Thị Lanh vẫn quyết tâm thực hiện ước mơ làm giàu từ mảnh đất quê hương bằng tất cả khả năng, kinh nghiệm và vốn liếng mà mình có. Chị đã áp dụng những công nghệ tiên tiến bậc nhất vào sản xuất lương thực để cho ra những sản phẩm gạo chất lượng cao phục vụ thị trường.

Chị Lanh đang hướng tới áp dụng công nghệ sinh học vào sản xuất để sản xuất nông nghiệp xanh, giúp các sản phẩm luôn "sạch" đúng nghĩa, đáp ứng những tiêu chí khắt khe của thị trường xuất khẩu. 

Hải Long

Bạn đang đọc bài viết Nữ nông dân Thái Bình vượt khó để phát triển nông nghiệp xanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới