Chủ nhật, 24/11/2024 05:30 (GMT+7)
Thứ hai, 31/07/2023 11:55 (GMT+7)

Tháng 7/2023, sản xuất công nghiệp có dấu hiệu khởi sắc hơn

Theo dõi KTMT trên

Ước tính, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trong tháng tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất công nghiệp tháng 7 khởi sắc hơn tháng trước.

Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2023. Trong đó, sản xuất công nghiệp tháng 7 khởi sắc hơn tháng trước, ước tính chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trong tháng tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 3,6%; ngành khai khoáng tăng 4%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,1%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,3%.

Tính chung 7 tháng năm 2023, IIP ước tính giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,6%), do tình hình kinh tế thế giới những tháng đầu năm 2023 gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất công nghiệp trong nước.

Tháng 7/2023, sản xuất công nghiệp có dấu hiệu khởi sắc hơn - Ảnh 1
Sản xuất công nghiệp 7 tháng năm 2023. (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 1% (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,5%), làm giảm 0,7 điểm phần trăm trong mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 1,4%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,3%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 1,2%, làm giảm 0,2 điểm phần trăm.

Chỉ số sản xuất 7 tháng năm 2023 của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 12,2%; khai thác quặng kim loại và sản xuất sản phẩm thuốc lá cùng tăng 8,6%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 7,6%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu huỷ rác thải; tái chế phế liệu tăng 7,3%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 6,4%.

Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm: Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 6,9%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 6,8%; sản xuất xe có động cơ giảm 6,2%; sản xuất trang phục giảm 5,5%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học và sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác cùng giảm 4,3%.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 49 địa phương và giảm ở 14 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.

Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện giảm.

Cụ thể, các địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 7 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng cao là Bắc Giang - tăng 16,1%; Phú Thọ - tăng 15,8%; Kiên Giang - tăng 13,9%; Nam Định - tăng 13,6%...

Còn các địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao là Hậu Giang - tăng 211,3%; Khánh Hòa - tăng 89,7%; Thái Bình - tăng 82,4%; Trà Vinh - tăng 19%; Nam Định - tăng 10,9%.

Trong khi đó, nhiều địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng giảm mạnh. Trong đó, Quảng Nam giảm 31,4%; Bắc Ninh giảm 16,7%; Vĩnh Long giảm 15,2%; Sóc Trăng giảm 6,9%; Hòa Bình giảm 4%...

Dự báo, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp trong những tháng còn lại năm 2023 vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, chưa thể lấy lại đà tăng trưởng cao trong ngắn hạn. 

Hiện nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp dệt may, da giày, điện tử… phụ thuộc khá nhiều vào cầu từ nước ngoài. Mặc dù doanh nghiệp đã rất nỗ lực tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh hàng tồn và tìm kiếm thị trường mới, nhưng hoạt động sản xuất vẫn đang ở mức thấp.

Song, với sự điều hành, vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, sản xuất công nghiệp về cuối năm sẽ có sự khởi sắc.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA); đẩy mạnh đàm phán các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới để đa dạng hóa thị trường, nhất là ở những nơi mà trước đây chưa có khả năng thâm nhập sâu như FTA giữa Việt Nam-Israel (VIFTA) hay FTA giữa Việt Nam và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE)...

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tháng 7/2023, sản xuất công nghiệp có dấu hiệu khởi sắc hơn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới