Thanh Hóa: Bức xúc trước việc dùng kích điện đánh bắt cá chép tiễn ông Công ông Táo
Những chú cá chép tiễn ông Công ông Táo vàng óng vừa mới được thả xuống dòng sông Mã, chưa kịp bơi ra xa đã bị người dân dùng kích điện đánh bắt trở lại khiến ai nấy đều phẫn nộ.
Thả cá chép tiễn ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm là nét đẹp văn hoá của người dân Việt Nam. Vào ngày này, gần như mọi gia đình đều tìm mua cho mình những cặp cá chép đẹp nhất để cúng ông Công ông Táo, sau đó đem thả trở lại môi trường tự nhiên để tiễn ông Công ông Táo về trời báo cáo những việc đã làm được và chưa làm được trong năm cũ, đồng thời gửi gắm những ước nguyện tốt đẹp vào năm mới. Thả cá chép còn là hành động từ bi và truyền thống nhân đạo của của nhân dân ta. Xét về khía cạnh môi trường, việc thả cá chép còn góp phần làm đa dạng sinh học tại những khu vực cá được thả.
Tuy nhiên ghi nhận của phóng viên vào sáng ngày 23 tháng Chạp tại dòng sông Mã, đoạn sát cầu Hoàng Long trên địa bàn TP. Thanh Hóa (Thanh Hóa) cho thấy, những chú cá chép vàng óng sau khi được thả xuống sông, khi chúng chưa kịp bơi ra xa đã bị người dân dùng kích điện đánh bắt trở lại.
Cách vị trí thả cá chừng 50-60m, một chiếc thuyền nhỏ do người phụ nữ điều khiển, trên thuyền chở theo một người đàn ông, họ liên tục di chuyển sát bờ và dùng kích điện để đánh bắt những chú cá chép vừa mới được thả xuống. Sau khi bị người đàn ông chích điện, những chú cá chép nằm ngữa bụng trên mặt nước và được họ nhanh tay vớt lên thuyền bỏ vào thùng xốp.
Chúng kiến cảnh tượng trên nhiều người dân đã tỏ ra vô cùng bức xúc, có người còn buông những lời quở trách nặng nề về phía hai người đánh bắt cá trên chiếc thuyền. Thế nhưng họ vẫn bất chấp và tiếp tục chích điện xuống phía dòng sông để đánh bắt cá cho đến khi thấy phóng viên ghi hình mới dừng lại và thu dọn dụng cụ đánh bắt.
Một người dân đi thả cá chép bức xúc nói toáng lên: “Bọn tôi đi thả, chú lại đi vớt thế kia thì còn lấy gì là lộc nữa, đúng là bó tay? Bọn tôi đang làm cho cân bằng môi trường mà chú lại như thế?” Một người dân khác bức xúc nói tiếp: “Tại sao không ra đây bơi thuyền đi thả dịch vụ, mỗi lần thả kiếm mười nghìn đồng như bà cụ này mà lại đi đánh bắt cá thế kia?”
Việc dùng kích điện đánh bắt cá chép như trên là hành động rất đáng lên án và rõ ràng đã vi phạm pháp luật. Thiết nghĩ các đơn vị chức năng liên quan của TP. Thanh Hóa cần sớm vào cuộc làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, qua đó nhằm bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản cũng như nét đẹp văn hóa của người dân.
Khoản 7 Điều 7 Luật Thuỷ sản 2017 nghiêm cấm hành vi sử dụng chất, hoá chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, phương pháp, phương tiện, ngư cụ khai thác có tính huỷ diệt, tận diệt để khai thác nguồn lợi thuỷ sản.
Khoản 1, khoản 5 Điều 28 Nghị định 42/2019/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm quy định về sử dụng điện để khai thác thuỷ sản như sau:
Phạt tiền từ 3.000.000đ đến 5.000.000đ đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thuỷ sản, đối với trường hợp không sử dụng tàu cá. Ngoài ra còn hình thức xử phạt bổ xung: Tịch thu công cụ kích điện, máy phát điện và ngư cụ đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1,2,3 và 4 Điều 28 Nghị định 42/2019/NĐ-CP.
Đối với tổ chức, khi thực hiện hành vi đánh bắt cá bằng xung điện, kích điện sẽ bị phạt từ 6.000.000đ đến 10.000.000đ (Khoản 2 Điều 5 Nghị định 42/2019/NĐ-CP)…
Đình Đông