Thanh Hóa: Tìm được hướng tháo gỡ vỏ gai khô cho người dân
Trước việc nhiều tấn vỏ gai khô của người dân tại Thanh Hóa không được thu mua kịp thời cũng như những khoản nợ chưa được thanh toán, mới đây, Công ty CP An Phước - Viramia đã tìm được hướng tháo gỡ.
Bước vào giai đoạn cuối năm 2022-2023, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng trực tiếp đến ngành dệt may Việt Nam, Công ty CP Nông nghiệp An Phước - Viramia cũng không ngoại lệ.
Nguyên nhân này khiến việc doanh nghiệp thu mua vỏ gai khô cũng như thanh toán các khoản tiền cho người dân và đối tác chậm, làm họ giảm lòng tin, ảnh hưởng lớn đến việc duy trì vùng nguyên liệu, thậm chí vùng nguyên liệu có nguy cơ bị xoá sổ.
Nhận định được sự nghiêm trọng của vấn đề, Công ty CP Nông nghiệp An Phước - Viramia đã tiến hành tái cấu trúc doanh nghiệp, mọi việc đã hoàn tất, khó khăn về tài chính được giải quyết, các khoản nợ trước đó của người dân được thanh toán. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng đã thông báo đến các hộ dân về việc tiếp tục thu mua sản phẩm trở lại kể từ ngày 27/11.
Liên quan đến việc người dân trồng “cây làm giàu” lâm cảnh nợ nần, thông tin từ Sở NN&PTNT Thanh Hóa cho biết, đơn vị sẽ tổ chức hội nghị với phía doanh nghiệp và các huyện về vấn đề này.
Thông tin còn cho hay, Công ty CP Nông nghiệp An Phước - Viramia vừa có văn bản gửi Sở NN&PTNT cùng các huyện về việc phát triển vùng nguyên liệu gai xanh tại Thanh Hóa.
Theo báo cáo từ phía doanh nghiệp, từ khi xây dựng nhà máy sản xuất sợi đến nay luôn gắn liền với vùng nguyên liệu hiện có trên địa bàn tỉnh với nhu cầu 6.000 tấn nguyên liệu/năm và để chạy hết 100% công suất, việc mở rộng vùng nguyên liệu là vô cùng cần thiết.
Cũng theo kế hoạch đã được xây dựng, nhu cầu hết năm 2024, doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát triển, mở rộng vùng nguyên liệu cây gai xanh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thêm 1.000ha, đến năm 2025 tổng diện tích vùng nguyên liệu đạt 3.000ha. Doanh nghiệp cũng luôn xác định Thanh Hóa là địa bàn trọng tâm để phát triển vùng nguyên liệu.
Bên cạnh đó, thời gian tới sẽ cam kết thực hiện nghiêm túc các điều khoản trong hợp đồng đã ký với tổ chức và cá nhân trồng cây gai trên địa bàn về liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cây gai nguyên liệu.
Cây gai xanh được xem là cây làm giàu bởi mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Thực tế đã chứng minh có không ít hộ gia đình đã thu tiền tỉ từ mô hình trồng loại cây này. Và cũng vì thế, cây gai xanh luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt là trong việc phát triển mở rộng vùng nguyên liệu.
Đình Đông