Thanh Hóa: Phê duyệt kế hoạch tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Quyết định số 3825/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021- 2030.
Theo đó, kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2030 nhằm mục đích cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; tạo sự nhất trí, đồng thuận cao trong nhận thức và hành động của các cấp chính quyền, đoàn thể và Nhân dân, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh.
Bên cạnh đó, kế hoạch này cũng đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm thực hiện kế hoạch hành động tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển của Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm của tỉnh. Đây chính là căn cứ để các đơn vị xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể nhằm chỉ đạo, tổ chức thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao, đồng thời là căn cứ để tổ chức kiểm tra, đôn đốc, giám sát, sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị liên quan.
Quan điểm được xác định rõ tại kế hoạch là: Tăng trưởng xanh thúc đẩy việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu trước các biến động từ bên ngoài; cụ thể hóa định hướng phát triển của tỉnh Thanh Hóa theo Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị, hệ thống các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực.
Tăng trưởng xanh là một phương thức quan trọng để thực hiện phát triển bền vững, đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới nền kinh tế trung hòa cacbon trong dài hạn; tăng trưởng xanh lấy con người làm trung tâm, giúp giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của họ trước biến đổi khí hậu; khuyến khích lối sống có trách nhiệm của từng cá nhân đối với cộng đồng và xã hội, hình thành xã hội văn minh, hiện đại, hài hòa với thiên nhiên và môi trường; tăng trưởng xanh phải dựa vào thể chế và quản trị hiện đại, khoa học và công nghệ tiên tiến, nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với bối cảnh quốc tế, điều kiện trong nước và trong tỉnh, định hướng đầu tư vào công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, kết cấu hạ tầng thông minh và bền vững; tạo động lực để đầu tư tư nhân đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế xanh; tăng trưởng xanh là nhiệm vụ quan trọng của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp và toàn xã hội.
Mục tiêu hướng đến là thực hiện có hiệu quả Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, trọng tâm là cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển các ngành kinh tế xanh, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa cacbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu; phấn đấu sớm đưa Thanh Hóa trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc theo mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2030 cũng đã đề ra nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đến năm 2030, bao gồm:
Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về truyền thông, giáo dục và nâng cao nhận thức; về xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước gắn kết với các mục tiêu tăng trưởng xanh; về phát triển nguồn nhân lực, việc làm xanh; về huy động nguồn lực tài chính và thúc đẩy đầu tư cho tăng trưởng xanh; về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; về hội nhập và hợp tác quốc tế; về bình đẳng trong chuyển đổi xanh; về tăng cường trên một số ngành, lĩnh vực chủ yếu như: Năng lượng, công nghiệp, giao thông vận tải và dịch vụ logistics, xây dựng, nông nghiệp và phát triển nông thôn, quản lý chất thải, quản lý chất lượng không khí, quản lý tài nguyên nước, tài nguyên đất đai, đa dạng sinh học, tiêu dùng và mua sắm xanh…
UBND tỉnh Thanh Hóa cũng giao các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức phổ biến, quán triệt kế hoạch đến cán bộ, công chức, người lao động, các cơ quan, đơn vị trực thuộc và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn. Trên cơ sở đó, các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết của ngành, đơn vị mình; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương, các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả; lồng ghép các nội dung của kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của tỉnh vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm của ngành, đơn vị, địa phương; vận động người dân, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong tỉnh để thay đổi nhận thức, hành vi về thực hành sản xuất, tiêu dùng, lối sống xanh; nghiên cứu để có các kênh, chương trình riêng về tăng trưởng xanh hoặc lồng ghép với các chương trình phù hợp nhằm tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, quy định của Nhà nước về tăng trưởng xanh, hướng dẫn thực hành lối sống, hành vi sản xuất, tiêu dùng xanh.
Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện và kịp thời điều chỉnh các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể cho phù hợp với tình hình thực tế; báo cáo định kỳ vào ngày 15/11 hằng năm về tình hình triển khai, kết quả thực hiện kế hoạch của ngành, đơn vị mình về Chủ tịch UBND tỉnh, đồng thời gửi tới Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp.
Đình Đông