Chủ nhật, 24/11/2024 04:03 (GMT+7)
Thứ hai, 07/10/2024 11:23 (GMT+7)

Thanh Hóa: Tận thu vật liệu thải, hạ thấp độ cao, chống sạt lở ở nơi thật sự cần thiết

Theo dõi KTMT trên

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc kiểm tra, rà soát hoạt động tận thu, sử dụng vật liệu thải trong quá trình thực hiện phương án, dự án cải tạo, xử lý chống sạt lở tại các địa phương trên địa bàn.

Theo đó, ngày 01/10/2024 UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Văn bản số 14417/UBND-CN về việc kiểm tra, rà soát hoạt động tận thu, sử dụng vật liệu thải trong quá trình thực hiện phương án, dự án cải tạo, xử lý chống sạt lở tại các địa phương trên địa bàn tỉnh gửi tới Sở TN&MT, Cục Thuế, UBND các huyện, thị xã, thành phố. Trong đó có nội dung đáng chú ý, nhằm tránh việc lợi dụng chống sạt lở, hạ thấp độ cao để tận thu khoáng sản. Văn bản nhấn mạnh, “việc xây dựng phương án chống sạt lở, hạ thấp độ cao chỉ được phép thực hiện ở những khu vực thực sự cần thiết, bắt buộc phải thực hiện”.

Thanh Hóa: Tận thu vật liệu thải, hạ thấp độ cao, chống sạt lở ở nơi thật sự cần thiết - Ảnh 1
Việc xây dựng phương án hạ thấp độ cao, chống sạt lở chỉ thực hiện ở những nơi thật sự cần thiết, bắt buộc.

Sau khi nhận được Văn bản số 87778/STNMT-TNKS của Sở TN&MT Thanh Hóa về việc kiểm tra, xử lý hoạt động tận thu, sử dụng vật liệu thải trong quá trình thực hiện phương án cải tạo, xử lý chống sạt lở tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu Sở TN&MT, Cục Thuế tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện một số nội dung như sau:

Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố: Tiếp tục thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại các Công văn: số 252/UBND-CN ngày 06/01/2022, số 7829/UBND-CN ngày 04/6/2024. Trong đó, yêu cầu việc xây dựng phương án chống sạt lở, hạ thấp độ cao chỉ được phép thực hiện ở những khu vực thực sự cần thiết, bắt buộc phải thực hiện và phải theo đúng quy định của pháp luật; đảm bảo việc thực hiện tuyệt đối không làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, an toàn giao thông, đời sống của nhân dân trong khu vực; nghiêm cấm việc lợi dụng tận thu để khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép; trường hợp có dấu hiệu vi phạm phải yêu cầu dừng ngay để khắc phục kịp thời và làm rõ trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan hoặc báo cáo, đề xuất cấp thẩm quyền xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Khẩn trương kiểm tra, rà soát, đánh giá việc thực hiện các phương án, dự án có tận thu đất thải để làm vật liệu san lấp tại các khu vực theo danh sách gửi kèm Công văn số 8778/STNMT-TNKS ngày 27/9/2024 của Sở TN&MT. Trong đó, tập trung đánh giá hiệu quả, mục tiêu đạt được của việc thực hiện phương án, dự án; đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, nội dung công việc liên quan đến công tác quản lý của địa phương để hoàn thành phương án, dự án; việc thực hiện nghĩa vụ tài chính trong quá trình tận thu vật liệu thải; việc nghiệm thu, xác nhận hoàn thành đối với các phương án, dự án đã hết thời gian thực hiện và các nội dung khác có liên quan.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra, rà soát, UBND các huyện, thị xã, thành phố có ý kiến đề xuất việc tiếp tục hay dừng thực hiện phương án, dự án đang còn thời hạn và giải quyết các tồn tại đối với các phương án, dự án đã hết hạn; đồng thời, nếu phát hiện các vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan phải khẩn trương xử lý nghiêm theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh (thông qua Sở TN&MT) kết quả thực hiện trước ngày 05/10/2024.

Đối với Cục Thuế tỉnh: Kiểm tra, rà roát, có ý kiến về sản lượng khoáng sản đã kê khai, nộp thuế và nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước (bao gồm tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường và các nghĩa vụ tài chính khác có liên quan) của các đơn vị được tận thu vật liệu thải theo các phương án, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo danh sách gửi kèm Công văn số 8778/STNMT-TNKS ngày 27/9/2024 của Sở TN&MT; đề xuất xử lý nghiêm những đơn vị không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định; gửi kết quả rà soát và ý kiến đề xuất về UBND tỉnh (đồng thời gửi Sở TN&MT) trước ngày 05/10/2024. 

Đối với Sở TN&MT: Trên cơ sở tổng hợp, báo cáo của Cục Thuế tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố, chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan, căn cứ quy định của pháp luật, tình hình thực tế và các chỉ đạo có liên quan của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, chủ động kiểm tra, rà soát, xử lý vi phạm (nếu có) theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp thẩm quyền xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; có ý kiến tham mưu, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hoạt động tận thu, sử dụng vật liệu thải trong quá trình thực hiện phương án, dự án có tận thu đất thải để làm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 10/10/2024.

Văn bản cũng nêu rõ, Sở TN&MT, Cục Thuế tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương thực hiện chỉ đạo nêu trên và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và trước pháp luật về các nội dung, số liệu, kết quả kiểm tra, rà soát của đơn vị mình.

Đình Đông

Bạn đang đọc bài viết Thanh Hóa: Tận thu vật liệu thải, hạ thấp độ cao, chống sạt lở ở nơi thật sự cần thiết. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới