Thanh Hóa: Tập trung khắc phục hậu quả sau mưa bão
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ra công điện số 12/CĐ-UBND do Phó chủ tịch Lê Đức Giang ký về việc tập trung khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của đợt mưa lớn từ ngày 28/9 đến ngày 03/10/2022 và chủ động ứng phó thiên tai trong thời gian tới.
Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Trung Trung Bộ nối với cơn bão số 4, từ ngày 28/9 đến ngày 3/10/2022, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có mưa vừa, có nơi mưa to; lượng mưa phổ biến tại các trạm khí tượng thuỷ văn từ 220- 380mm, một số nơi có lượng mưa lớn như Khí tượng Nga Sơn 459 mm; Khí tượng Sầm Sơn 403 mm; Khí tượng Như Xuân 394,5 mm; Thủy văn Ngọc Trà (Quảng Xương) 389 mm.
Mưa lớn đã gây thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, sạt lở, hư hỏng các công trình giao thông, thuỷ lợi, đê điều, nhà ở tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các huyện: Nông Cống, Như Thanh, Nga Sơn, Thạch Thành, Hà Trung, Thọ Xuân. Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thanh Hoá, từ nay đến cuối năm 2022 thiên tai còn diễn biến phức tạp, khó lường với 5-7 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên biển Đông, trong đó 2-3 cơn bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến ven biển và đất liền nước ta; khu vực tỉnh Thanh Hóa có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp khoảng 1-2 cơn bão hoặc ATNĐ.
Ngoài ra, địa phương này còn chịu ảnh hưởng gián tiếp của các cơn bão, ATNĐ đổ bộ vào các tỉnh phía Bắc và Nam tỉnh Thanh Hóa gây ra mưa to và gió mạnh; không khí lạnh có khả năng hoạt động sớm và gia tăng tần suất, cường độ trong tháng 11 và 12/2022. Để khẩn trương khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của đợt mưa lớn từ ngày 28/9 đến ngày 03/10/2022 và chủ động, sẵn sàng ứng phó thiên tai trong thời gian tới; góp phần ổn định đời sống người dân, phát triển kinh tế - xã hội; Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh (Ban Chỉ huy tỉnh) yêu cầu giám đốc các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Rà soát, chủ động cảnh báo, sơ tán, di dời người dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt; bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; không để người dân vớt củi, đánh bắt cá trên sông, suối, hồ đập khi đang xảy ra mưa lũ; tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người do chủ quan. Triển khai lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục nhanh các sự cố sạt lở, hư hỏng công trình giao thông, đê điều, thuỷ lợi; tập trung tiêu úng bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp còn bị ngập. Huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ dọn dẹp, tu sửa nhà ở đối với các hộ có nhà bị ngập, hư hỏng. Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và PTNT và các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh cho người và vật nuôi. Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương khôi phục diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do mưa lũ; thống kê, đánh giá cụ thể mức độ thiệt hại và đề xuất nhu cầu hỗ trợ. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh quyết định hỗ trợ kinh phí khôi phục sản xuất nông nghiệp và cơ sở hạ tầng cho các địa phương bị thiệt hại theo quy định.
Bên cạnh đó, PCT tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai; rà soát, cập nhật phương án ứng phó phù hợp với nhận định thiên tai trong thời gian tới, trong đó tập trung rà soát phương án sơ tán dân ứng phó với bão, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; phương án ứng phó với lũ lớn; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để chủ động, sẵn sàng ứng phó với tình huống xảy ra sạt lở, chia cắt.
Tổ chức kiểm tra, rà soát công tác chuẩn bị và diễn tập theo phương án ứng phó thiên tai đã xây dựng; đặc biệt là phương án bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, công trình đang thi công, sửa chữa; bố trí lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị sẵn sàng ứng phó, xử lý khi có tình huống. Củng cố, nâng cao năng lực, kỹ năng ứng phó cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cơ sở để ứng phó kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ” ngay từ giờ đầu. Rà soát, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các ngầm tràn, khu vực ngập lụt, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông. Điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi để hạn chế thiệt hại do thiên tai, nhất là trong các tháng 10, 11 (dự báo có mưa lớn dồn dập).
Quản lý chặt chẽ tàu thuyền ra khơi, giữ vững thông tin, liên lạc; đồng thời tổ chức, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền vào nơi trú tránh an toàn khi có bão, ATNĐ. Phối hợp với các đơn vị liên quan sẵn sàng triển khai công tác đảm bảo an toàn về người, tài sản trên các đảo và lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản; các tàu vận tải, hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển; công trình đang thi công trên biển, ven biển. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng để chủ động phòng, tránh. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh để sớm ổn định đời sống, sản xuất cho nhân dân tại nơi ở mới.
Hoàng Đức