Chủ nhật, 24/11/2024 03:39 (GMT+7)
Thứ bảy, 10/08/2024 15:29 (GMT+7)

Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị 6 vấn đề trọng tâm với Thủ tướng Chính phủ

Theo dõi KTMT trên

Tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với TP.HCM về kết quả kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội, Chủ tịch UBND TP.HCM đã đưa ra sáu kiến nghị quan trọng trình Thủ tướng nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện của thành phố.

TP.HCM giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế quốc gia

Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh rằng buổi làm việc hôm nay có ý nghĩa "3 trong 1." Đầu tiên, Thủ tướng sẽ kiểm tra và thúc đẩy tiến độ thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của TP.HCM. Thứ hai, Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết 98 sẽ rà soát những gì đã và chưa làm được từ cuộc họp trước đến nay, rút ra bài học kinh nghiệm cho thời gian tới. Cuối cùng, Hội nghị Vùng Đông Nam Bộ.

Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị 6 vấn đề trọng tâm với Thủ tướng Chính phủ - Ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ luôn đặc biệt quan tâm tới phát triển TP.HCM. Ảnh nguồn: Báo Chính phủ

Thủ tướng yêu cầu các đại biểu cần tập trung trực tiếp vào các vấn đề cần giải quyết. Nếu gặp vướng mắc, khó khăn, cần xác định rõ để tháo gỡ ngay. Với những lĩnh vực đã đạt kết quả tốt, cần rút ra kinh nghiệm để tiếp tục cải thiện. Trong thời gian tới, cần xác định trọng tâm công việc và định hướng rõ ràng từ nay đến cuối năm, nhằm đạt được các mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra như ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo cân đối lớn của nền kinh tế.

Thủ tướng nhấn mạnh rằng TP.HCM là đầu tàu kinh tế, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng chung của cả nước. Mỗi khi TP.HCM tăng trưởng 1%, cả nước được hưởng lợi 0,17%-0,18%, với thu ngân sách đóng góp từ 27% đến 30% toàn quốc. Vì vậy, kinh tế TP.HCM không chỉ quan trọng đối với thành phố mà còn với cả nước. Thủ tướng yêu cầu các đại biểu tập trung thảo luận để tháo gỡ những vướng mắc của TP.HCM bao gồm cả những khó khăn liên quan đến pháp luật, chính sách và thể chế.

Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi báo cáo rằng GRDP của TP trong 6 tháng đầu năm tăng 6,46%, mức cao nhất từ năm 2020, đóng góp 19,64% vào tăng trưởng quốc gia. Trong 7 tháng đầu năm, mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 10,3%, kim ngạch xuất khẩu tăng 10%, nhập khẩu tăng 5,9%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,2%, số doanh nghiệp mới tăng 8,4%. Thu ngân sách đạt 309.000 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 15,2% kế hoạch, thấp hơn mức trung bình cả nước.

Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị 6 vấn đề trọng tâm với Thủ tướng Chính phủ - Ảnh 2
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi báo cáo về tình hình, kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Ảnh nguồn: Báo Chính phủ

TP.HCM đã đặt ra lộ trình giải ngân cụ thể trong những tháng tới, với mục tiêu đạt gần 75.000 tỷ đồng vào tháng 1-2025. Trong năm 2024, tháng 8 sẽ giải ngân 16.200 tỉ đồng, tháng 9 là 21.300 tỉ đồng, tháng 10 là 30.400 tỉ đồng, tháng 11 là 35.700 tỉ đồng, tháng 12 là 68.000 tỉ đồng. 

Trong quá trình rà soát các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, thành phố dự kiến đạt 17/22 chỉ tiêu, với 5 chỉ tiêu khó đạt nhưng có thể hoàn thành ít nhất 70%.

Thực hiện Nghị quyết 98 đạt kết quả tích cực

Thực hiện Nghị quyết 98 đã mang lại những kết quả tích cực cho TP.HCM sau một năm triển khai, đạt được thành tựu nổi bật trên 4 lĩnh vực quan trọng.

Trong lĩnh vực quản lý đầu tư, TP.HCM đã tập trung bố trí 2.796 tỷ đồng cho Chương trình giảm nghèo năm 2023, đảm bảo giải ngân 100% cho gần 39.000 khách hàng. Đồng thời, thành phố cũng đã bố trí 2.900 tỷ đồng cho Dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài góp phần đẩy mạnh hạ tầng giao thông khu vực.

Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị 6 vấn đề trọng tâm với Thủ tướng Chính phủ - Ảnh 3
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc họp. Ảnh nguồn: Báo Chính 

Về tài chính và ngân sách nhà nước, TP.HCM đã quy định tăng hệ số chi thu nhập thêm tối đa lên 1,5 lần so với lương ngạch bậc và chức vụ. Dự toán chi ngân sách của các quận huyện cũng được bố trí khoản chưa phân bổ từ 2% đến 4% tạo điều kiện linh hoạt trong quản lý ngân sách địa phương.

Trong lĩnh vực khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, các chính sách về tiền lương, phúc lợi và thù lao đối với các chức danh lãnh đạo đã phát huy hiệu quả, thu hút 10 hồ sơ đăng ký thực hiện nhiệm vụ khoa học để phát triển các trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế.

Về tổ chức bộ máy chính quyền, TP. HCM đã thành lập và đưa vào hoạt động Sở An toàn thực phẩm và Trung tâm Chuyển đổi số. Thành phố cũng bổ sung thêm một Phó Chủ tịch HĐND, một Phó Chủ tịch UBND tại TP. Thủ Đức, và một Phó Chủ tịch UBND cho ba huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Hóc Môn. Bên cạnh đó, đã có 51/52 phường, xã, thị trấn với quy mô dân số từ 50.000 người trở lên được bố trí thêm Phó Chủ tịch UBND, nhằm hoàn thiện và nâng cao hiệu quả bộ máy quản lý.

6 kiến nghị quan trọng của TP.HCM

Trong buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM đã đưa ra sáu kiến nghị quan trọng trình Thủ tướng nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện của thành phố.

Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị 6 vấn đề trọng tâm với Thủ tướng Chính phủ - Ảnh 4
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với TP.HCM về kết quả phát triển kinh tế - xã hội Thành phố và thực hiện Nghị quyết số 98. Ảnh nguồn: Báo Chính 

Thứ nhất, TP.HCM đề nghị Thủ tướng sớm phê duyệt chủ trương đầu tư cho các dự án CRUS1 và CRUS2, cũng như phê duyệt việc điều chỉnh chủ trương đầu tư cho các dự án vệ sinh môi trường giai đoạn 2 và Tuyến Metro số 1. Việc này sẽ giúp thành phố thực hiện các thủ tục tiếp theo, đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án theo cam kết với các nhà tài trợ quốc tế.

Thứ hai, thành phố kiến nghị đưa Dự án Khu công nghiệp chuyên ngành Y - Dược vào danh mục các dự án trọng điểm cần kêu gọi đầu tư theo Quyết định 376/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, TP.HCM đề xuất Chính phủ và Bộ Y tế ban hành các chính sách hỗ trợ đặc biệt để đẩy nhanh quá trình đưa các sản phẩm dược phẩm chất lượng cao ra thị trường, đáp ứng nhu cầu điều trị của người dân.

Thứ ba, TP.HCM yêu cầu tiếp tục được cấp vốn ngân sách trung ương hỗ trợ cho Khu Công nghệ cao, đặc biệt trong việc mở rộng và bổ sung chức năng Công viên Khoa học - Công nghệ với tỉ lệ vốn 30% từ ngân sách trung ương và 70% từ ngân sách thành phố.

Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị 6 vấn đề trọng tâm với Thủ tướng Chính phủ - Ảnh 5
Ảnh nguồn: Báo Chính phủ

Thứ tư, TP.HCM đề nghị Thủ tướng chỉ đạo giải quyết nhanh chóng các vấn đề liên quan đến Ngân hàng Thương mại CP Sài Gòn (SCB) và Vạn Thịnh Phát để ổn định kinh tế tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Thứ năm, TP.HCM mong muốn Thủ tướng chấp thuận chủ trương cho phép thực hiện Dự án Xây dựng đường Vành đai 2, đặc biệt là các đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp và từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng. TP.HCM đề xuất áp dụng các cơ chế tương tự Dự án đường Vành đai 3 bao gồm việc phê duyệt trước ranh giới giải phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.

Cuối cùng, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo hoàn thiện và sớm thông qua quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho ba dự án lớn: Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị và Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam. Những dự án này sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, hạ tầng, tài chính của TP.HCM góp phần nâng cao vị thế của thành phố trên trường quốc tế.

Thanh Trúc

Bạn đang đọc bài viết Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị 6 vấn đề trọng tâm với Thủ tướng Chính phủ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới